Chàng trai 24 tuổi nhiễm HIV giai đoạn cuối quyết tâm làm lại cuộc sống
Nghe kết quả, nam thanh niên như chết đứng. Bác sĩ thông báo cậu nhiễm HIV giai đoạn cuối…
Phát hiện bị HIV sau nhiều năm tháng sống thiếu lành mạnh
Mới đây, anh Ngô Tấn Huỳnh (biệt danh Huỳnh Sachi, làm việc tại CBO The Gate) chia sẻ, bên anh mới tiếp nhận một nam bệnh nhân 24 tuổi bị HIV giai đoạn cuối.
Cụ thể, đó là một chàng trai không cưỡng nổi sự mới lạ nơi thành thị. Sự cám dỗ của cuộc sống nơi thành thị khiến cậu thường xuyên tham gia những cuộc chơi thâu đêm theo lời rủ rê của bạn bè.
Tình trạng làn da xuất hiện nhiều nốt lạ cảnh báo nam thanh niên 24 tuổi nhiễm HIV. (Ảnh: Anh Ngô Tấn Huỳnh cung cấp)
Trong quá trình đó nam thanh niên này có quan hệ tình dục nhưng không dùng biện pháp bảo vệ. Thêm nữa, cậu cũng có lối sống không lành mạnh khi "qua lại" với nhiều bạn tình khác nhau.
Mọi chuyện không có dấu hiệu gì bất thường cho tới khi ra trường, đi làm một thời gian. Cậu thăng tiến trong công việc nhưng lúc này, trên da cũng xuất hiện ngày càng nhiều những nốt lạ.
Sau 1 năm thăm khám và điều trị không khỏi, cậu được giới thiệu tới Bệnh viện Bạch Mai khám. Tại đây, nghe kết quả, nam thanh niên như chết đứng. Bác sĩ thông báo cậu nhiễm HIV giai đoạn cuối.
"Sau khi nhận được tin dữ, bạn này lập tức vào Sài Gòn, làm xét nghiệm CD4. Kết quả tải lượng virus là trên 1 triệu con", anh Ngô Tấn Huỳnh chia sẻ.
Mặc dù tình trạng rất nguy cấp nhưng sau khi được thăm khám, chăm sóc tích cực 4 tháng, dùng ARV đều đặn, hiện nam thanh niên đã khỏe mạnh. Cậu quyết tâm làm lại cuộc sống trong hối hận mỗi ngày.
Cảnh báo tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng tăng cao ở độ tuổi học sinh, sinh viên
Anh Ngô Tấn Huỳnh chia sẻ, hiện nay tỷ lệ nhiễm HIV tăng cao dù được cảnh báo rất nhiều. Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.
Mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 đến 12.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 2.000 người tử vong liên quan đến HIV/AIDS.
Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm tại Việt Nam, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam.
"Qua tình trạng quan hệ tình dục kém lành mạnh, quan hệ tình dục đồng giới tăng cao, sinh viên đại học xa nhà nên có thêm kiến thức tăng cường bảo vệ bản thân mình. Quan hệ tình dục không phải là chuyện xấu nhưng hãy tự bảo vệ bản thân an toàn bằng việc đeo bao cao su ở tất cả những lần quan hệ tình dục", anh Huỳnh chia sẻ.
Ngoài ra để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh khi quan hệ tình dục, bạn cũng có thể tiến hành điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV - PrEP là việc sử dụng (uống) thuốc kháng HIV (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV cho người chưa nhiễm HIV nhưng có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao. PrEP được giới chuyên gia đánh giá có hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV rất cao. Thử nghiệm lâm sàng chứng minh sử dụng PrEP có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến 98%.
Chính vì vậy, nếu chẳng may bị nhiễm HIV, chuyên gia khuyên nên sử dụng ARV càng sớm càng tốt. Đây là giải pháp giúp người nhiễm bệnh sống khỏe mạnh trong suốt quãng đời còn lại. Bạn bị HIV vẫn có thể sống đến tuổi thọ tự nhiên nếu sử dụng nó kịp thời.
Cụ thể, sau 6 tháng đến 1 năm điều trị tải lượng virus sẽ không phát hiện, tế bào miễn dịch CD4 tăng lên có thể quay về cuộc sống bình thường. Bệnh nhân nhiễm HIV có thể quay về cuộc sống bình thường, lấy vợ, lấy chồng sinh con, sinh hoạt vợ chồng mà không lây nhiễm. Đây là quy tắc k=k (không phát hiện, không lây nhiễm).