Thông tin thêm về người phụ nữ đầu tiên được ghép tế bào gốc chữa khỏi HIV
Các nhà nghiên cứu vừa báo cáo rằng, một phụ nữ được gọi là "bệnh nhân New York" đã được ghép tế bào gốc để chữa HIV 6 năm trước và hiện tại đã không còn virus và không phải dùng thuốc điều trị HIV trong gần 30 tháng.
Tiến sĩ Yvonne Bryson, giám đốc của Hiệp hội AIDS Los Angeles-Brazil tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ và là một trong những bác sĩ giám sát ca bệnh này, cho biết trong một cuộc họp báo ngày 15/3 vừa qua: “Chúng tôi gọi đây là một phương pháp chữa trị khả thi hơn là một phương pháp chữa trị dứt điểm - về cơ bản là phải chờ đợi trong một thời gian dài theo dõi”.
Tiến sĩ Deborah Persaud, giám đốc lâm thời về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại Trường Y Đại học Johns Hopkins, Mỹ, người cũng giám sát vụ việc cho biết: “Chỉ một số ít người được chữa khỏi HIV, vì vậy tại thời điểm này, không có sự phân biệt chính thức nào giữa việc được chữa khỏi và tình trạng thuyên giảm lâu dài, mặc dù tiên lượng của bệnh nhân ở New York là rất tốt”.
Bryson và các đồng nghiệp của cô đã công bố dữ liệu ban đầu về "bệnh nhân New York" vào tháng 2 năm 2022 và công bố thêm chi tiết về trường hợp này ngày 16/3 vừa qua trên tạp chí Cell. Báo cáo mới bao gồm phần lớn về trường hợp của "bệnh nhân New York" cho đến thời điểm cô đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) - phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho HIV - trong khoảng 18 tháng.
Bệnh nhân này được ghép tế bào gốc vào tháng 8 năm 2017 và ngừng điều trị ARV hơn ba năm sau đó. Bây giờ, cô đã ngừng dùng thuốc được khoảng 2,5 năm và "hiện tại, cô ấy vẫn đang rất ổn, đang tận hưởng cuộc sống của mình", bác sĩ Jingmei Hsu, giám đốc Phòng thí nghiệm trị liệu tế bào tại NYU Langone Health và là một trong những trưởng nhóm cấy ghép, cho biết tại cuộc họp báo.
Các trường hợp chữa khỏi HIV trước đó - bao gồm cả những trường hợp chữa khỏi dứt điểm ở nam giới được điều trị ở London , Berlin và Düsseldorf, và một trường hợp thuyên giảm lâu dài ở một người đàn ông được điều trị ở Los Angeles - đã được cấy ghép tế bào gốc lấy từ tủy xương như một phương pháp điều trị kép cho cả hai bệnh ung thư và HIV.
Bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi HIV là một người đàn ông ở Berlin và người này đã chết vào năm 2020 sau khi bệnh ung thư tái phát .
Hiệu quả với người vừa nhiễm HIV, vừa mắc bệnh ung thư
Sau khi cấy ghép, các tế bào gốc của người hiến tặng về cơ bản sẽ tiếp quản hệ miễn dịch của bệnh nhân, thay thế các tế bào cũ, dễ bị tổn thương bởi HIV bằng các tế bào mới, kháng HIV. Để dọn đường cho các tế bào miễn dịch mới, các bác sĩ sẽ quét sạch quần thể tế bào miễn dịch ban đầu bằng hóa trị hoặc xạ trị.
"Bệnh nhân New York" mắc cả ung thư và HIV và đã trải qua hóa trị liệu trước khi được cấy ghép. Tuy nhiên, cô đã nhận được tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn chứa gien kháng HIV. Máu cuống rốn được cha mẹ của một em bé không cùng huyết thống hiến tặng vào thời điểm sinh nở và sau đó được sàng lọc đột biến CCR5 delta 32.
Để bổ sung cho các tế bào gốc dây rốn đó, bệnh nhân cũng nhận được các tế bào gốc do người thân hiến tặng, giúp thu hẹp khoảng cách khi các tế bào kháng HIV bắt đầu xuất hiện.
Bởi vì máu cuống rốn dễ tiếp cận hơn so với tủy xương người trưởng thành và dễ dàng "kết hợp" hơn giữa người cho và người nhận, nên những thủ thuật như vậy có thể trở nên phổ biến hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, cấy ghép tế bào gốc sẽ không phù hợp với những bệnh nhân dương tính với HIV nhưng không mắc bệnh nghiêm trọng thứ hai, chẳng hạn như ung thư, bởi vì nó liên quan đến việc loại bỏ hệ miễn dịch.
Theo Live Science