Chàng Quân y kể chuyện vào Sài Gòn chống dịch "khác xa những gì tưởng tượng", 24/24 giờ túc trực, bệnh nhân gọi là sẵn sàng
"Ở những khu nhà trọ chật hẹp, tỉ lệ F0 đông lắm. Bởi một người bị thì thường cả nhà đều sẽ nhiễm. Mình từng đến hỗ trợ cho một gia đình có 8 F0".
"Hỏi thật nhé, tiếp xúc với F0 thường xuyên vậy, Trung có sợ nhiễm bệnh không?
Lúc đầu có chứ. Nhưng giờ chỉ lo nếu mắc bệnh thì phiền quá, mình dính F0 thì phải nghỉ, công việc lại để lên người khác".
Ngày 23/8 vừa qua, Học viện Quân y tăng cường gần 1.100 cán bộ, nhân viên, học viên lên đường vào miền Nam chống dịch COVID-19. Thượng sĩ Nguyễn Văn Trung (SN 1997, Quốc Oai, Hà Nội) cũng là một trong số đó.
“Đó là nhiệm vụ đột xuất, rất khẩn trương. Vì trước đó bọn mình có lịch thi tốt nghiệp. Nhưng mình khóa cuối rồi, nhận nhiệm vụ là lên đường thôi!", Trung kể.
Thượng sĩ Nguyễn Văn Trung ngày lên đường vào Sài Gòn chống dịch.
Chỉ nhận quyết định trước vài ngày lên đường nên Trung không có thời gian để về thăm nhà. Trước ngày đi, Trung nhận được một chiếc vali bố gửi với cơ man nào là lương khô, bánh kẹo, khẩu trang, viamin, thuốc... Có chiếc vali đầy tình yêu thương của bố, Trung càng yên tâm để lên đường.
Ngày đầu tiên và 30 bệnh nhân COVID được phát hiện
Ngày đầu tiên vào TP.HCM, Trung và các bạn cùng tổ được phân công đến trạm y tế phường Hiệp Tân (Quận Tân Phú) làm xét nghiệm test nhanh cho người dân. Ngày hôm đó, tổ của Trung đã test nhanh cho khoảng 300 người và 30 bệnh nhân COVID được phát hiện.
Nếu bệnh nhân có kết quả dương tính, nhóm của Trung sẽ khảo sát xem bệnh nhân có đủ điều kiện tự cách ly ở nhà không. Nếu có thì làm giấy xác nhận cách ly cho họ. Nếu không thì tiếp tục test PCR và đưa họ đi cách ly tập trung.
Qua 2 ngày đầu tiên, phường Hiệp Tân đã thành lập trạm y tế lưu động. Nhóm của Trung giữ nhiệm vụ quản lý F0 ở nhà, nghĩa là sẽ đến tận nhà để xét nghiệm, phát thuốc và đi cấp cứu những bệnh nhân trở nặng. Ngoài ra còn có đội tình nguyện viên của Thành đoàn đến giúp đỡ.
Mấy ngày đầu đến Sài Gòn, Trung bảo "khác với những gì tưởng tượng". Ở đây ai cũng có thể là F0 vì thế mỗi khi ra ngoài làm việc, luôn luôn phải mặc đồ phòng hộ, phải đảm bảo quy trình mặc, cởi đồ phòng hộ thật chính xác, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng chống lây nhiễm.
"Ở những khu nhà trọ chật hẹp, tỉ lệ F0 đông lắm. Bởi một người bị thì thường cả nhà đều sẽ nhiễm. Mình từng đến hỗ trợ cho một gia đình có 8 F0", Trung nói.
Chàng Quân y sinh năm 1997 còn kể, một điều nữa khiến cậu bất ngờ đó là ở đây cả đội ngũ y tế lẫn tình nguyện viên đều rất nhanh nhạy, rất chủ động hỗ trợ lẫn nhau, sẵn sàng lăn xả giữa địa bàn F0 để cứu bệnh nhân bất kể ngày hay đêm..
24/24 giờ túc trực, bệnh nhân gọi là lên đường!
Trung bảo: "Công việc của mình không chỉ là cấp cứu bệnh nhân COVID-19 mà còn là giúp đỡ tất cả những người có bệnh. Vì thế mình không có giờ làm cố định mà phải luôn trực chiến 24/24. Dù sáng hay đêm, chỉ cần có bệnh nhân gọi là lên đường thôi".
Có khi điện thoại gần cháy máy vì cùng lúc bao ca cấp cứu gọi tới. Vừa có ca suy hô hấp, SpO2 giảm thì lại phải đi cấp cứu trong đêm vì có bệnh nhân lên cơn hen phế quản cấp nhưng không mua được thuốc, hay cấp cứu bệnh nhân hôn mê do tụt đường huyết...
Thế nhưng, trường hợp khiến Trung nhớ mãi có lẽ là lần cùng 2 bạn trong tổ là Sầm Văn Đông, Phan Tùng Dương đến cấp cứu cho một cụ ông vô gia cư bị ngất xỉu ngoài đường.
Tối hôm đó, nhận được thông báo của người dân, nhóm của Trung đã tới ngay hiện trường. Khi đến nơi, cụ ông đã được hỗ trợ oxy miễn phí. Tiến hành đo SpO2 thì thấy đã lên 92%. Sau khi thăm hỏi thì nhận ra ông ngất đi vì đói và mệt, một người bạn trong tổ đã chạy đi xin một cốc nước đường ấm. Sau khi ông uống xong cũng dần tỉnh táo và cho biết trong căn phòng trọ chật hẹp kia còn có vợ ông đang nằm lả dần vì đói. Sau khi được hỗ trợ đồ ăn, ông bà dần khỏe hơn và đã được tiến hành test COVID-19. May sao, âm tính. Nhóm của Trung thở phào nhẹ nhõm và hạnh phúc vô bờ.
Một buổi tối đi cấp cứu F0 của Trung.
"Nếu mắc bệnh thì phiền quá, mình dính F0 thì phải nghỉ, công việc lại để lên người khác"
Khi được hỏi thường xuyên tiếp xúc với F0 như vậy, có sợ sẽ nhiễm bệnh không. Chàng học viên Học viện Quân y bảo: "Lúc đầu có chứ. Nhưng giờ chỉ lo nếu mắc bệnh thì phiền quá, mình dính F0 thì phải nghỉ, công việc lại để lên người khác. Bọn mình đều cố gắng cẩn thận từng bước phòng hộ, xịt khuẩn nhưng không thể đảm bảo được bản thân an toàn 100% trong quá trình làm việc được".
Trung còn kể, những ngày đầu thành lập tổ y tế mọi thứ có nhiều khó khăn lắm. Không chỉ khó khăn về vật tư y tế mà số lượng bác sĩ cũng không có nhiều.
"Thời gian đầu chưa quen thì cũng mệt. Hơn nữa mặc đồ bảo hộ nhiều cũng khó thở lắm, lại hạn chế tầm nhìn. Có nhiều người bạn của mình đã phải đi truyền dịch do mất nước điện giải do mặc đồ phòng hộ quá lâu. Nhưng làm nhiều rồi cũng quen, mọi việc ở trạm cũng đang hoạt động tốt dần, bọn mình đang cố gắng hàng ngày để hỗ trợ người dân thật tốt", Trung tâm sự.
Trung bảo, đi chống dịch ở Sài Gòn tuy căng thẳng và vất vả nhưng cũng vui và ý nghĩa lắm, vì thấy mình đang giúp đỡ nhiều người. Những lúc thấy mệt, cậu lại nhớ về gia đình và những lời dặn dò của ông bà, cha mẹ để tiếp thêm động lực.
"Ông mình là bác sĩ Quân y đã về hưu, ngày nghe tin mình vào Sài Gòn chống dịch. Ông có gọi điện dặn dò và động viên. Ông nói ngắn gọn thôi nhưng mình biết ông cũng tự hào lắm, mình lấy đó làm động lực để cố gắng nhiều hơn", Trung kể.
Ông nội là người truyền động lực để Trung cố gắng.
Trung tâm sự, khi hết dịch việc đầu tiên muốn làm là về nhà quây quần ăn cơm cùng gia đình vì cũng đã 5 tháng rồi cậu chưa có dịp về thăm nhà. Để ngày đó sớm trở thành hiện thực, Trung và những đồng đội của mình sẽ tiếp tục cố gắng làm tốt nhiệm vụ được giao. Cậu tin rằng khi cả người dân lẫn đội ngũ y tế cùng hợp tác thì ngày đất nước trở lại yên bình sẽ sớm đến.
Cùng chúc Thượng sĩ Nguyễn Văn Trung luôn mạnh khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ!
F0 cần làm gì để sớm vượt qua bệnh tật?
Thượng sĩ Nguyễn Văn Trung khuyên:
- Đầu tiên, cần bình tĩnh, không được quá lo lắng vì tâm lý sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục bệnh.
- Tiếp theo, cần đảm bảo phải có phòng riêng, nhà tắm nhà vệ sinh riêng. Đảm bảo phòng ở sạch sẽ thoáng mát.
- Hãy đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
- Theo dõi tình trạng khó thở, đặc biệt là chỉ số Sp02. Do bệnh COVID-19 gây tổn thương phổi thầm lặng nên nhiều khi người bệnh quen với tình trạng thiếu oxy máu. Do đó chỉ số Sp02 là chỉ số khách quan rất quan trọng. Khi mà thấy sốt cao, khó thở, Sp02 tụt xuống 90% thì gọi ngay cấp cứu.
- Người bệnh phải có túi thuốc chống viêm, chống đông máu. Thuốc rất quan trọng, có thể ngăn ngừa tình trạng chuyển nặng của COVID-19, làm giảm tỉ lệ nhập viện.
- Cuối cùng, người dân nên tiêm phòng vaccine càng sớm càng tốt, vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất, không nên chờ đợi và lựa chọn vaccine.