Chàng đẹp trai khiến trái tim thiếu nữ tan chảy, nhưng thành tích cực khủng này mới là điều làm mọi người phải bái phục
Từng là một học sinh cá biệt trong lớp nhưng Lý Tháp Nguyên giờ được mọi người mến mộ bởi thành tích học tập xuất sắc của mình.
Lý Tháp Nguyên sinh năm 1991 tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam, Trung Quốc. Anh nổi tiếng khắp đất nước tỷ dân nhờ vào thành tích học tập xuất sắc của mình. Theo đó, khi đang là sinh viên năm nhất ở Phúc Kiến, Lý đã được Đại học Yale danh giá của Mỹ nhận vào học. Không chỉ vậy, anh còn được Diễn đàn kinh tế thế giới bầu chọn là "Thanh niên xuất sắc" nhất ở tuổi 23.
Sau khi tốt nghiệp Yale, Lý làm việc cho Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia, tham gia vào các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, chứng khoán, quản lý đầu tư, và các dịch vụ tài chính khác với khách hàng chủ yếu là các tổ chức. Tại đây, Lý đảm nhiệm vai trò một nhà phân tích. Chỉ 1 năm sau đó, Lý đã rời công ty để theo đuổi ước mơ của mình. Anh tự tạo ra một ứng dụng du lịch và trở thành giám đốc điều hành ở tuổi 24. Ở tuổi 25, anh tiếp tục học Thạc sĩ kinh doanh tại trường Đại học Harvard.
Ngoài ra, Lý còn là một doanh nhân và tác giả của cuốn sách truyền cảm hứng "Tốt hơn hết là vượt qua". Năm 2019, anh được Forbes Trung Quốc bầu chọn là 1 trong 30 người trẻ có tầm ảnh hưởng nhất.
Khi đọc thành tích học tập của Lý, nhiều người không khỏi choáng ngợp bởi sự ưu tú của chàng trai trẻ này. Tuy nhiên điều khiến mọi người ngỡ ngàng nhất, đó là Lý vốn dĩ không xuất sắc ngay từ đầu. Thuở nhỏ, anh vốn là học sinh cá biệt, thành tích học tập còn cực kỳ tệ. Nhờ có phương pháp học tập phù hợp, Lý mới có thể "trở mình", vươn lên thành công trong cuộc sống.
Tuổi thơ cá biệt của vị giám đốc điều hành
Lý Tháp Nguyên từng là cậu bé rất bình thường. Không chỉ vậy thời đi học, anh có thành tích rất kém và hay phá phách, nổi loạn trong lớp. Các giáo viên đều gọi Lý là học sinh cá biệt và không mấy yêu mến cậu học trò này.
Được biết, cha mẹ Lý li dị từ khi anh còn nhỏ. Mẹ anh là giáo viên tiếng Anh tại trường Đại học Sơn Đông, sau đó chuyển đến Hạ Môn làm trong ngành truyền thông. Chính bà là người đã dạy dỗ, nuôi nấng con trai nên người. Không chỉ là mẹ, bà Lý còn như một người bạn, luôn ở cạnh động viên, chia sẻ với con mọi điều trong cuộc sống. Bà lắng nghe những dự định của con trai, dù đôi khi nó rất viển vông.
Suốt 6 năm tiểu học, bà Lý không cho con trai học thêm bất kỳ môn nào để tránh tạo gánh nặng học tập cho con. Ngay cả khi con trai bị giáo viên nhận xét là cá biệt thì bà cũng không quát mắng mà luôn hiểu rõ bản chất của con không phải người xấu. Năm cấp 3, Lý Tháp Nguyên bắt đầu tích cực tham gia các hoạt động xã hội và bố mẹ cũng không can thiệp quá nhiều vào chuyện học hành của anh.
Thời điểm này, Lý có xem tin tức về cuộc sống của các sinh viên tại Đại học Yale và thấy rất sốc. Đây cũng là lúc anh nuôi mộng được học tại ngôi trường danh giá này. "Tại sao người khác có thể làm được mà mình thì không thể?", Lý tự hỏi bản thân và quyết định đặt ra mục tiêu học tập cho mình.
Thay đổi phương pháp học tập phù hợp với bản thân
Sau khi vạch ra mục tiêu phải vào Đại học Yale, Lý Tháp Nguyên đã vạch ra chiến lược học tập cho bản thân. Chàng trai trẻ xác định phải vượt qua kỳ thi TOEFL và SAT. Anh học ngày đêm, học mọi lúc mọi nơi kể cả khi ăn uống hay đi vệ sinh. Thế nhưng càng học, Lý Tháp Nguyên càng thấy mình bị đuối dần và không thu được kiến thức. Chỉ sáng ngày hôm sau, Lý sẽ quên hết những gì mới học tối hôm trước.
Đây là lúc chàng trai trẻ nhận ra mình đã học tập sai cách. Lý Tháp Nguyên sau đó đã làm một bản tóm tắt, liệt kê, phân tích các cách học phù hợp với bản thân. Các phương pháp được anh chọn bao gồm đọc chuyên sâu 5 phút, đọc 5W2H, ghi chú Cornell... Cuối cùng, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ và cách học đúng đắn, anh đã đạt được 2.200 điểm trong kỳ thi SAT, TOEFL được 116/120. Như đã nêu trên, Lý Tháp Nguyên sau đó được nhận vào Đại học Yale, mở ra những trang tươi sáng của cuộc đời.
Có thể thấy, sự thành công của Lý Tháp Nguyên là nhờ việc anh đã kịp thời thay đổi tư duy và có phương pháp học tập phù hợp. Thực tế không chỉ Lý Tháp Nguyên mà còn nhiều trường hợp người nổi tiếng khác thành công nhờ đổi cách học tập, điển hình như Adam Khoo. Tuổi thơ của Khoo vốn gắn liền với những lời chê bai ngu dốt, yếu kém. Tuy nhiên nhờ được nhận sự giáo dục đúng cách mà anh đã vươn lên, trở thành 1 triệu phú nổi tiếng.
Từ cuộc đời của Lý Tháp Nguyên và cả Adam Khoo, có thể thấy: Không có đứa trẻ nào kém cỏi, chỉ là chúng ta chưa phát hiện hết tiềm năng và chưa đánh thức được tiềm năng của trẻ. Chính vì vậy, nếu thấy con kém cỏi hơn bạn bè thì bố mẹ chớ vội thất vọng. Bởi có thể, trẻ kém cỏi là do người lớn chúng ta đang chưa tìm ra cách giáo dục phù hợp.