Chặn dịch bệnh trước thềm năm học

Nguyễn Dũng - Hương Chi - Mạnh Thắng,
Chia sẻ

Việc tiêm vắc xin, đeo khẩu trang, khử khuẩn… đang được chính quyền địa phương, trường học kích hoạt trở lại, nhằm đảm bảo một năm học mới an toàn, hiệu quả.

Khuyến khích đeo khẩu trang trong giờ học

Năm học 2022 - 2023, TPHCM ghi nhận có gần 1,7 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, tăng gần 22.000 em so với năm học trước. Theo ghi nhận từ các trường, công tác phòng chống dịch COVID-19 được thực hiện khá nghiêm túc.

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM), ngay trong ngày tựu trường (22/8), cổng trường được phân luồng thành nhiều lối di chuyển, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh đo thân nhiệt, rửa tay với dung dịch sát khuẩn. Tất cả học sinh đều thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang.

Trường Tiểu học Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) đã phun khử khuẩn, xịt muỗi, các phòng học được vệ sinh sạch sẽ; học sinh đeo khẩu trang, nhà trường khuyến khích các em mang theo bình nước cá nhân.

Chặn dịch bệnh trước thềm năm học - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) bố trí máy đo thân nhiệt cho sinh trước khi vào trường. Ảnh: Nguyễn Dũng

Tương tự, đối với bậc THCS và THPT, nhiều trường ở TPHCM cũng khuyến khích hoặc ra thông báo học sinh đeo khẩu trang trong suốt thời gian ở trường.

Tại tỉnh Đồng Nai, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và sự gia tăng trở lại của dịch bệnh COVID- 19, các trường học đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp phòng dịch. Tại Trường Mầm non Lang Minh (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc), toàn thể giáo viên, nhân viên đã tổ chức tổng vệ sinh, dọn dẹp, sơn vẽ trang trí lại toàn bộ các phòng học, phòng chức năng và khuôn viên trường.

Cô Lê Diệu Thúy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, ngoài việc tẩy rửa, khử khuẩn phòng học, cắt tỉa cây xanh, hệ thống phòng chống dịch COVID-19 của nhà trường đã được kích hoạt. Giáo viên đều đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, trường có phòng cách ly y tế, các bé đến trường đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.

Cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa), cho biết, trường đã tỉa bớt các nhánh cây to, phát quang bụi rậm quanh trường và khu vực vui chơi, tập luyện thể dục - thể thao của học sinh. Đồng thời, tẩy rửa các phòng học, khu vực nghỉ ngơi của học sinh, lau rửa bàn ghế, phun thuốc sát khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, sửa chữa nhà vệ sinh.

Các giáo viên chủ nhiệm tiếp tục kết nối với phụ huynh để tuyên truyền cho phụ huynh về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19. “Theo thống kê, đến nay, đa số học sinh của trường đã được tiêm đầy đủ 2 liều cơ bản”, cô Ngọc nói.

Không lơ là, chủ quan…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho hay, thành phố đang bước vào những ngày cuối của tháng cao điểm tiêm vắc xin chuẩn bị cho năm học mới. Tỉ lệ tiêm chủng tăng lên từng tuần do sự vận động phối hợp của các ngành, đặc biệt là ngành y tế. Ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp chuyển thông tin dịch bệnh hằng ngày và những yêu cầu của thành phố đến phụ huynh học sinh nhằm tạo sự đồng thuận cao trong việc tạo ra miễn dịch cộng đồng, để các em an toàn tới trường.

“Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục có những giải pháp động viên, lập danh sách học sinh và phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm chủng”, ông Hiếu nói. Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục về việc tăng cường truyền thông sự cần thiết và hiệu quả của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, nói: “Các trường học đã thực hiện tẩy rửa các phòng học, lau rửa bàn ghế, phun thuốc sát khuẩn toàn bộ khuôn viên trường, sửa chữa nhà vệ sinh ở các dãy phòng học, phát quang bụi rậm…”.

Những ngày qua, ngành giáo dục tỉnh Bình Dương phối hợp cơ quan y tế tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 và xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho giáo viên, học sinh. Tỷ lệ giáo viên tiêm mũi 3 đạt 99,97%; học sinh các trường THCS, THPT, Trung tâm GDNN-GDTX (từ 12 đến 18 tuổi) đã tiêm 2 mũi vắc xin cơ bản đạt tỉ lệ 99,99%.

Tại Đồng Nai, công tác phòng chống COVID-19 và các dịch bệnh trong trường học đã được ngành giáo dục tỉnh đặc biệt coi trọng. Ông Đỗ Huy Khánh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, cho biết, Sở đã có công văn yêu cầu các Phòng GD&ĐT và các trường trực thuộc chủ động kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu… trong trường học.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không lơ là chủ quan trước diễn biến dịch. Tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học; phối hợp các cơ sở y tế thực hiện tiêm chủng theo kế hoạch, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin trong giáo viên, học sinh...

Tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, vui tươi

Ngày 29/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành phố thực hiện hàng loạt nội dung, nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tổ chức triển khai thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về việc bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương trong năm học mới. Địa phương rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa nâng cấp trường, lớp học cũng như đảm bảo cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách đầu năm học.

Về tổ chức Lễ khai giảng năm học mới ngày 5/9 sắp tới, Bộ GD&ĐT yêu cầu cơ sở giáo dục tổ chức theo hướng gọn nhẹ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.

Hà Linh

Chia sẻ