Chăm bố bị liệt suốt nhiều năm, ở tuổi 37, tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện kết hôn và tìm hạnh phúc cho riêng mình

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Vì sao người con gái ấy đang là công chúa trong vòng tay của bố mẹ lại phải cùng tôi gánh vác những việc của gia đình tôi?

Có bao giờ bạn bị giằng xé bởi cảm giác có tội khi quá mệt mỏi với việc phải có trách nhiệm với người thân thiết ruột thịt của mình chưa?

Câu chuyện của gia đình tôi là những trang giấy đầy nước mắt và mồ hôi. Nếu nói là bi kịch đến mức không có lối thoát thì cũng không hẳn vì chí ít thì chúng tôi vẫn còn đang có đủ ăn đủ mặc nhưng nó giống như 1 căn phòng ngục tù với bản án chung thân, chẳng biết ngày nào mới là ngày thấy được mặt trời.

Mười năm trước, cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn sau một tai nạn thương tâm khiến bố tôi bị liệt nửa người. Ngày ấy, tiếng la hét và tiếng còi xe cấp cứu vẫn còn văng vẳng bên tai tôi như một cơn ác mộng không lối thoát.

Sau ngày hôm đó, mọi thứ trong nhà tôi đều đổi khác, bố là trụ cột chính trong nhà, không chỉ đơn thuần là về kinh tế mà còn là chỗ dựa tinh thần. Trong kí ức của tôi, bố là một người siêu phàm, chẳng có gì có thể hạ gục được bố. Ấy vậy mà sau tai nạn đó thì tất cả đến biến mất.

Từ 1 người đàn ông mạnh mẽ là vậy bỗng nhiên phải sống phụ thuộc vào những người xung quanh khiến tinh thần của bố tôi bị tác động rất mạnh. 1 năm sau đó, bố tôi thậm chí phải tiếp nhận điều trị rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Cùng với bệnh tật và vấn đề tâm lý của chồng, mẹ tôi vốn đã là người có tinh thần rất yếu đã không thể cố gắng nổi. Bà quyết định đi xuất khẩu lao động sau khi bố bị liệt khoảng 2 năm. Mỗi tháng, mẹ đều gửi tiền về, nhưng tôi cảm nhận được sự xa cách, không chỉ về mặt địa lý mà còn cả khoảng cách tình cảm. Tôi chưa từng trách mẹ, mẹ đã lựa chọn cách trốn tránh trách nhiệm nhân đạo nhất vì bà vẫn đều đặn gửi tiền cho bố con chúng tôi. Quả thực nếu không có những đồng tiền mẹ bán sức lao động ở xứ người thì chúng tôi ngoài gánh nặng tinh thần còn phải mang thêm cả gánh nặng cơm áo nữa.

Tôi là con trai trưởng, lúc ấy mới 27 tuổi. Tôi còn nhớ những năm ấy cái gì cũng thật nhẹ nhàng, công việc, chuyện yêu đương đều dễ dàng và tôi được sống đúng với cái độ tuổi của mình. Chỉ sau đúng 1 ngày, mọi quyết định, từ việc kiếm tiền, chăm sóc bố, đến việc học hành của hai em đều đặt nặng lên đôi vai của tôi. 2 đứa nó là con gái, dù gì cũng phải cố cho chúng nó học hành đâu vào đấy rồi sau này đi lấy chồng cũng đỡ vất vả hơn.

Đã có lúc, tôi thấy mình chông chênh trên bờ vực của sự tuyệt vọng, nhưng ai cho tôi tuyệt vọng? Ai cho tôi buông bỏ bây giờ? Tôi biết, mình không thể gục ngã, bởi vì nếu tôi gục ngã, thì cả gia đình này cũng sẽ sụp đổ.

Chăm bố bị liệt suốt nhiều năm, ở tuổi 37, tôi chẳng dám nghĩ đến chuyện kết hôn và tìm hạnh phúc cho riêng mình- Ảnh 1.

Tôi đã 37 tuổi, tuổi mà nhiều người đã xây dựng được tổ ấm của riêng mình, nhưng tôi vẫn cô đơn trên con đường của mình. Có lẽ, tôi sợ sự ràng buộc, sợ rằng người bạn đời của mình sẽ phải chia sẻ gánh nặng này. Tôi không muốn họ phải sống trong hoàn cảnh tương tự như tôi. Vì sao người con gái ấy đang là công chúa trong vòng tay của bố mẹ lại phải cùng tôi gánh vác những việc của gia đình tôi? Nhưng nếu họ lấy tôi, về làm dâu nhà tôi thì tránh làm sao được?

Bạn đã bao giờ nghe nói về căn nhà có mùi của bệnh tật không? Căn nhà chúng tôi hiện tại là như vậy, bố tôi những năm gần đây đã ổn định hơn về mặt tâm lý nhưng hơn chục năm chỉ nằm im 1 chỗ hoặc quanh quẩn đi xe lăn trong nhà, ông cũng dần không còn muốn nói chuyện với ai, chỉ lủi thủi 1 mình. Giờ đây không khí trong nhà tôi lúc nào cũng tù túng như vậy, cảm giác như chỉ cần bước chân về nhà thì mọi thứ đều đặc quánh lại, không có gì thoát ra được, chẳng nhìn thấy tương lai.

Hai cô em gái của tôi cũng không dám mở lòng với tình yêu, dù chúng nó xứng đáng được hạnh phúc và yêu thương. Cũng giống như tôi, 2 đứa nó ngại ngần trước những ánh mắt đồng cảm hay thương hại và sâu thẳm trong lòng, nỗi sợ hãi về một tương lai không chắc chắn luôn hiện hữu.

Tôi và 2 đứa em vẫn ngày ngày chăm sóc bố, việc này đã trở thành thói quen rồi. Từ lâu mọi thứ đều lặp đi lặp lại như vậy, gần như không có gì khác đi. Nếu có khác thì chắc là dần dần, tôi cảm thấy việc chăm sóc người bệnh lâu năm trở thành trách nhiệm nhiều hơn là yêu thương... Tôi cảm thấy bản thân mình là thằng không ra gì khi nghĩ rằng việc chăm sóc bố bị bệnh chỉ là trách nhiệm nhưng tôi không thể nào thoát ra được khỏi suy nghĩ ấy.

Giờ tôi bế tắc đến mức không còn có cảm xúc gì nữa. Tôi thậm chí chấp nhận và có sự chuẩn bị cho tương lai không vợ, không con rồi. Chỉ cố gắng làm sao để gả 2 cô em gái được vào gia đình tử tế, còn đâu trách nhiệm nặng nề này, 1 mình tôi mang là được.

Chia sẻ