Cha mẹ bắt con ngủ sớm bất kể bài tập về nhà làm chưa xong, điều này có tốt cho trẻ không?
Bắt con đi ngủ sớm để con phát triển thể chất tốt, nhưng nếu cứ liên tục không làm bài tập về nhà vì đi ngủ sớm, liệu điều này có tốt cho trẻ?
Học sinh từ cấp tiểu học đã phải làm quen với việc làm bài tập về nhà và lượng bài tập nhiều ít tùy thuộc từng trường học và cô giáo. Nhiều gia đình cho con ăn tối xong, nghỉ ngơi một lúc là đã chuẩn bị tới giờ ngủ vì họ muốn con ngủ sớm đảm bảo sức khỏe. Có một số cha mẹ có con học tiểu học, yêu cầu con lên giường lúc 8h30 tối, không cần biết bài tập về nhà đã làm xong chưa. Vậy điều này có thực sự tốt cho các bé?
Lợi ích của việc đi ngủ sớm
Trẻ em tiểu học đang ở giai đoạn phát triển nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc rất quan trọng đối tới thể chất, chiều cao của các bé. Ngủ đủ và sớm còn giúp trẻ có nhiều năng lượng hơn trong buổi học ngày hôm sau.
Vậy muốn cho con ngủ sớm như quy định, cha mẹ phải cho con ăn tối sớm, để có thời gian làm bài tập về nhà trước khi lên giường đi ngủ. Và để cho con nhớ nhiệm vụ phải làm bài tập, cha mẹ thường đưa ra cảnh báo: Nếu không làm xong bài, ngày mai con sẽ bị cô giáo phạt. Lời nhắc nhở này sẽ giúp con có ý thức sắp xếp thời gian học bài hơn.
Nhược điểm của việc bắt trẻ đi ngủ sớm
Làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ
Đi ngủ sớm khi chưa hoàn thành bài tập, trẻ sẽ bị cô giáo nhắc nhở, thậm chí phạt và nếu việc này tái diễn lâu dài sẽ khiến cho các em cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng, sinh ra chán ghét đi học.
Nếu cha mẹ không điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý của trẻ sau này và khiến chúng càng ngày càng tiêu cực hơn.
Khiến trẻ không có tinh thần trách nhiệm
Khi trẻ chưa hoàn thành xong bài tập vì cha mẹ bắt đi ngủ sớm, ngày hôm sau đi học, chúng sẽ dễ dàng đổ lỗi cho cha mẹ. Lâu dần, trẻ sẽ trở thành người vô trách nhiệm, chỉ quen đi đổ lỗi cho người khác.
Không chỉ thế, trẻ sẽ sinh ra thói lười làm bài tập về nhà vì đã có bố mẹ làm bia chắn mỗi khi cô giáo phạt. Thói quen lười biếng sẽ ăn sâu và ảnh hưởng không tốt trong quá trình học tập của các con.
Thời gian ngủ nên quy định phù hợp với tình hình thực tế
Với những trẻ lớp 1, 2, bài tập về nhà có thể không nhiều, nhưng khi lên tới lớp 4, 5, chương trình học nặng hơn, đòi hỏi nhiều kiến thức hơn thì cha mẹ nên quy định giờ ngủ phù hợp, muộn hơn từ nửa tiếng đến 1 tiếng để trẻ có thể hoàn thành bài vở.
Điều này vừa giúp cho trẻ tạo thói quen có trách nhiệm vừa giúp cho tinh thần của trẻ thoải mái hơn trước khi đi ngủ bởi bé đã hoàn thành hết phần bài tập cô giáo giao.
Không giám sát việc học của trẻ nhưng cần nắm bắt tâm lý học tập của con
Cha mẹ không cần mỗi tối ngồi kè kè bên con chỉ bảo từng ly từng tí, nhưng cha mẹ cần phải hiểu và kiểm soát tâm lý học tập của con.
Nếu thấy con có tâm lý tiêu cực vì những lời chỉ trích của giáo viên, cha mẹ nên giúp con điều chỉnh kịp thời để ngăn trẻ rơi vào tình trạng chán nản, bỏ bê học hành.
Giúp trẻ phân tích lý do không thể hoàn thành công việc trong thời gian quy định
Khi cha mẹ đưa ra các quy định tương ứng theo tình hình thực tế của trẻ, nhưng thấy con vẫn không thể làm mọi việc đúng giờ thì cũng không nên tức giận với con mà nên kiên nhẫn tìm hiểu lý do và giải quyết khúc mắc cùng con.
Nếu con không hoàn thành nhiệm vụ theo giờ giấc quy định, cha mẹ nên tìm hiểu xem có phải do thời gian chưa hợp lý, hay con không tập trung. Và tùy theo từng lý do mà cha mẹ sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Khuyến khích và khen ngợi đúng lúc, phù hợp
Được khen ngợi luôn là động lực lớn để trẻ hoàn thành tốt công việc. Khi đưa ra nguyên tắc với con nên giải thích cho con hiểu tại sao và khuyến khích con cố gắng hoàn thành đúng kế hoạch. Khi con đã đi theo đúng thời gian biểu hợp lý mà bạn đưa ra, trẻ sẽ tạo cho mình một thói quen tốt.
Nhiều cha mẹ cho rằng, kế hoạch có thành công hay không là phụ thuộc vào hoàn cảnh và tính cách của trẻ, nhưng thực tế, cha mẹ mới là người định hướng và tạo cho con một thói quen và tính cách tốt.