Câu nói của ông cụ 68 tuổi khiến tôi như được "khai sáng": "Người đến tuổi già thì đừng nên quá tốt với con cái nữa..."

Thanh Hương,
Chia sẻ

Vì sao ông cụ lại nói như vậy?

Bài viết là chia sẻ của "Canh Ngọc tản mạn" - một blogger tại Trung Quốc

Một ngày cuối tuần trời trong mát, tôi một mình đến công viên trong khu dân cư để ngắm nhìn những cây bạch quả vàng óng trước mắt. Công viên vắng tanh, chỉ có tiếng gió thổi qua những tán lá xào xạc. Tôi bước đi vô định trên con đường mòn, chợt thấy một cụ ông ngồi một mình trên băng ghế dài, trên tay cầm cặp kính lão dày và đang chăm chú lật giở một cuốn sách dày.

Ông cụ để râu ngắn trắng như cước, khoác một chiếc áo bông màu xanh cỏ đã bạc màu vì giặt nhiều lần. Ông tập trung đến mức không để ý rằng tôi đã đến gần. Tôi ngồi xuống băng ghế cạnh ông và cất lời chào khẽ. Ông ngẩng đầu, tháo kính lão, nheo mắt nhìn tôi.

"Chàng trai trẻ, cậu một mình ra công viên dạo chơi à?", ông cụ mỉm cười nói.

"Dạ đúng rồi ạ, hôm nay trời đẹp nên cháu muốn ra đây thư giãn", tôi gật đầu đáp.

"Công viên này đúng là đẹp, ngày nào tôi cũng đến đây", ông cụ vuốt cuốn sách đặt trên đầu gối mình, "Tôi tên là Vương, sống ở viện dưỡng lão gần đây".

"Ông đang đọc sách gì thế ạ?", tôi tò mò nhìn vào cuốn sách dày trong tay ông.

"À cuốn này..." - Ông Vương mở trang đầu tiên, "là sách con trai tôi tặng tôi cách đây không lâu. Trong đây toàn là lý thuyết giáo dục con cái".

"Thì ra là sách dạy con", tôi nói. "Ông Vương có mấy người con ạ?".

"Chỉ một cậu con trai thôi" - Ông lấy ra từ túi áo một chiếc ví cũ, trong đó có bức ảnh chụp ba người. "Đây là ảnh chụp gia đình tôi lúc con trai tôi tốt nghiệp cấp ba, còn có cả bà nhà tôi. Giờ thằng bé làm việc ở nơi xa, đã lập gia đình riêng rồi".

"Ông nhất định rất thương con trai mình", tôi nhìn bức ảnh có ba người cười rạng rỡ mà nói.

Câu nói của ông cụ 68 tuổi khiến tôi như được "khai sáng": "Người đến tuổi già thì đừng nên quá tốt với con cái nữa..." - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Tình cảm của tôi dành cho con trai, có lẽ các cậu trẻ như cháu khó mà hiểu được". Ông Vương trở nên trầm ngâm, nhắm mắt như đang hồi tưởng. "Để nuôi dạy thằng bé, vợ chồng tôi đã chịu không biết bao nhiêu khổ cực, đổ không biết bao nhiêu công sức… Giờ đây nó đã trưởng thành, có thể tự lo liệu cuộc sống, chúng tôi làm cha mẹ cũng thấy nhẹ nhõm. Chỉ là…". 

"Chỉ là sao ạ?", tôi tò mò hỏi.

Ông Vương thở dài, rồi nói tiếp: "Những năm qua, tôi luôn cố gắng hết sức để yêu chiều con trai, đáp ứng mọi yêu cầu của nó. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi có phải đã quá nuông chiều nó không?". 

Tôi ngơ ngác nhìn ông, thấy ông khẽ nhíu mày, như đang cố tìm cách diễn đạt.

"Ông nói "quá nuông chiều", nghe có vẻ không phải là vấn đề gì lớn mà", tôi thăm dò.

Ông lắc đầu, giọng trầm ngâm và sâu lắng: "Tôi nhận ra rằng cha mẹ yêu thương con cái quá mức cũng có thể mang lại hậu quả tiêu cực…".

"Ông nói vậy là sao ạ? Mong ông giải thích rõ hơn", tôi háo hức muốn hiểu.

Ông Vương ngẫm nghĩ một lúc rồi nói với vẻ hơi buồn bã: "Tình yêu của tôi và bà nhà đối với con trai có thể nói là kiểu yêu chiều quá mức. Chúng tôi không tiếc tiền gửi nó vào trường tốt nhất, bắt nó học vẽ, học đàn, học ngoại ngữ, dù nó không thích. Chúng tôi cho phép nó chơi game thâu đêm, dù biết việc đó không tốt cho việc học. Vợ tôi chăm chút từng li từng tí từ miếng ăn giấc ngủ, chỉ sợ nó phải chịu chút thiệt thòi". 

"Nhưng kết quả là, chúng tôi đã nuôi dạy một đứa trẻ ích kỷ và ỷ lại. Nó quen được nuông chiều nên làm gì cũng chỉ nghĩ đến bản thân; nó không biết đối nhân xử thế, và khi gặp khó khăn thì không biết xoay xở. Giờ đây, khi nó rời xa chúng tôi để làm việc nơi khác, chúng tôi không khỏi lo lắng liệu nó có thể tự lập trước những thử thách của cuộc sống hay không".

Tôi gật đầu, hiểu được nỗi lòng của ông. Khuôn mặt ông hiện rõ nét tự trách và đau lòng.

"Thực ra, làm cha mẹ, chúng ta không nên tước đoạt cơ hội học cách tự lập của con cái. Những khó khăn, gian khổ cũng là cách để rèn luyện bản thân và đạt được một cuộc sống tốt đẹp hơn", ông khẽ thở dài.

Lời tâm sự của ông Vương khiến tôi trầm tư suy nghĩ. Quả thật, yêu thương con cái là từ tấm lòng, nhưng nếu đi quá xa có thể trở thành một cực đoan khác, làm cản trở con đường trưởng thành của trẻ.

"Tuy nhiên, ông Vương ạ, không có bậc cha mẹ nào lại không yêu con mình. Việc ông suy nghĩ và nhìn nhận lại cách làm của mình không có nghĩa là ông không thương yêu con trai đâu", tôi nói như để an ủi ông.

"Chính vì tôi quá yêu nó nên mới vô tình nuông chiều nó; nhưng tôi lại quên mất rằng bản chất của tình yêu không nên là sự nuông chiều". Ông thở dài, ánh mắt thoáng vẻ đau buồn. "Lúc đó, tôi chỉ muốn cho nó những điều tốt nhất, nhưng lại quên rằng cuộc đời phải tự mình đối mặt thì mới trưởng thành được". 

"Ông Vương ơi, con người không ai hoàn hảo cả. Làm cha mẹ, ông cũng đang học hỏi và trưởng thành trong quá trình này", tôi nói tiếp. "Vả lại, con trai ông vẫn còn trẻ, ông và bà vẫn còn thời gian để hướng dẫn nó. Cháu tin rằng rồi nó sẽ trưởng thành thôi".

Những lời của tôi dường như đã an ủi được ông. Ông vỗ vai tôi và nói: "Chàng trai trẻ, cậu đã cho tôi thấy hy vọng. Tôi không thể vì những hối tiếc trong quá khứ mà từ bỏ. Tôi sẽ cùng bà nhà tìm cách khuyến khích con trai rèn luyện tính tự lập, đồng thời vẫn dành cho nó tình yêu thương và sự ủng hộ cần thiết". 

Gương mặt ông dần hiện lên nụ cười, và tôi cũng mừng cho ông từ tận đáy lòng.

"Ông Vương ạ, được thấy ông tìm lại hy vọng, cháu thật sự rất vui". tôi cười nói, "Thực ra, việc cân bằng giữa yêu thương và giáo dục con cái nghiêm khắc là một bài học mà cha mẹ cần không ngừng khám phá". 

Ông Vương gật đầu đồng tình: "Tôi cũng đang suy nghĩ xem cách yêu thương nào là phù hợp với sự phát triển của con. Cho nó đi học thêm thì tốt đấy, nhưng cũng phải dạy nó tự lập trong việc quản lý thời gian; mua đồ chơi nó thích cũng được, nhưng phải dạy nó biết chia sẻ với người khác". 

"Ông nói đúng lắm. Tình yêu của cha mẹ không chỉ là đáp ứng nhu cầu vật chất, mà còn phải chú trọng đến sự trưởng thành tâm hồn của con", tôi đáp.

"Đúng vậy. Con tôi còn trẻ, tôi vẫn còn kịp hướng dẫn nó học cách tự lập và cư xử đúng mực", ánh mắt ông Vương sáng lên sự khôn ngoan. "Sự tự lập không thể có ngay trong ngày một ngày hai, tôi sẽ từng bước giúp nó học cách vượt qua khó khăn, trở nên tự lực tự cường". 

Tôi lặng lẽ lắng nghe, và những lời của ông Vương khiến tôi học được rất nhiều. Một bậc cha mẹ tốt cần không ngừng suy ngẫm và trưởng thành để tìm ra cách yêu thương phù hợp với con cái.

Cuộc trò chuyện với ông Vương khiến tôi day dứt mãi. Tôi quyết định nhân cơ hội này hỏi thêm ông nhiều bài học quý giá từ cuộc sống.

"Ông Vương, ông làm cháu nhớ đến bố cháu", tôi thành thật nói, "Cháu cũng hy vọng sẽ học được tinh thần biết nhìn nhận và sửa sai như ông, để sau này có thể trở thành một người cha tốt". 

Ông gật đầu, giọng đầy sâu sắc: "Chàng trai, cậu có thể rút ra bài học từ câu chuyện của tôi, tôi rất vui. Một trong những niềm vui lớn nhất của bậc cha mẹ là được thấy con cái mình trưởng thành và mạnh mẽ". 

"Tôi tin rằng cậu sẽ trở thành một người cha tốt. Nhưng đừng quên, trách nhiệm của cha mẹ cũng bao gồm việc chăm sóc bản thân mình", ông nói chân thành. "Thế nên, khi con tôi đã trưởng thành, tôi cũng sẽ dành sự quan tâm đến bản thân, tận hưởng cuộc sống, chứ không chỉ chờ đợi sự đền đáp từ con cái". 

Những lời ông nói đã khiến tôi vô cùng cảm động. Trước khi chia tay, tôi và ông ôm nhau một cách ấm áp. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này đã dạy tôi nhiều bài học quý giá về cuộc đời mà tôi sẽ luôn khắc ghi.

Chia sẻ