Câu hỏi test kiến thức tiểu học khiến thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia toát mồ hôi hột

Trang Vũ,
Chia sẻ

Toán tiểu học thôi nhưng cũng không dễ “xơi” đâu nha!

Sau 24 mùa phát sóng và tới nay là năm thứ 25, Đường Lên Đỉnh Olympia vẫn giữ vững ngôi vị sân chơi trí tuệ số một dành cho học sinh cấp 3 trên toàn quốc. Các khán giả khi xem chương trình vừa được giải trí, vừa có thêm cho mình nhiều kiến thức bổ ích.

Bên cạnh những câu hỏi khó nhằn về kiến thức học thuật thì trong chương trình vẫn còn nhiều câu hỏi thực tế đơn giản, thú vị nhưng lại gây ra nhiều sự bối rối cho thí sinh. Đơn cử như câu hỏi trong phần thi Vượt chướng ngại vật trong tập phát sóng Đường Lên Đỉnh Olympia ngày 13/2/2022.

Nội dung câu hỏi như sau: “5 năm trước con 10 tuổi, khi ấy tuổi bố gấp 5 lần tuổi con. Hỏi bố sinh năm nào?”.

Câu hỏi test kiến thức tiểu học khiến thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia toát mồ hôi hột - Ảnh 1.


Bài toán tính tuổi của học sinh tiểu học này được nhận xét là khá đơn giản trong phần thi Vượt chướng ngại vật vì các dữ kiện được đưa ra rất rõ ràng. Tuy nhiên, sau 15 giây suy nghĩ, chỉ có 2 thí sinh đưa ra được kết quả và duy nhất 1 thí sinh trả lời chính xác.

MC đã đưa ra đáp án cho câu hỏi này là: Bố sinh năm 1967.

Để tính được, ta cần thực hiện theo các bước sau:

Lấy năm đang phát sóng chương trình khi đó (2022) làm mốc cố định, vậy 5 năm trước sẽ là năm 2017.

Khi đó, con 10 tuổi, tuổi bố gấp 5 lần tuổi con, suy ra tuổi của bố là: 5 x 10 = 50 (tuổi)

Cuối cùng, thực hiện phép tính: 2017 - 50 = 1967. Và đáp án cuối cùng ta có là bố sinh vào năm 1967.

Khi chương trình được phát sóng, một số người cảm thấy khá bất ngờ vì đề bài đơn giản này lại có thể làm khó 4 thí sinh, bởi chỉ cần 3 phép tính và áp dụng các công thức cộng trừ nhân chia tiểu học là đã ra được kết quả.

Tuy nhiên, nhiều bình luận giải thích đã được dân mạng để lại dưới video:

- Câu hỏi này dễ nhưng chỉ trong vòng 15 giây và với áp lực trong trường quay thì mình nghĩ các bạn bối rối cũng là điều thông cảm được.

- Thật sự nói là dễ nhưng như mình khi nghe câu hỏi cũng phải mất hơn chục giây để “load” thông tin rồi viết phép tính, nên chỉ cho mình 15 giây thì có khi cũng không làm kịp.

- Lần đầu tiên trả lời được câu hỏi Olympia, vui thực sự.

- Như mình nhiều lúc cũng vậy, đang tập trung làm cái khó rồi bỗng nhiên hỏi một câu đơn giản cũng bối rối vô cùng luôn.

- Vậy mấu chốt là phải xác định được năm làm mốc thì mới dễ tính được, chứ như lúc đầu là mình cứ loay hoay mãi, đặt x, y nọ kia xong nghe cách giải thấy bất ngờ quá trời. Tự mình làm khó mình rồi.

Còn bạn, bạn mất bao lâu để tìm ra đáp số cuối cùng?

Chia sẻ