"Khoe" thu nhập tháng 110 triệu nhưng khi tiết lộ tiền học cho con, bà mẹ Hải Phòng bị "ném đá": Chị có nhầm không?
Liệu bà mẹ này bị mắng có "oan ức" lắm không?
Câu hỏi "Tiền học cho con bao nhiêu là đủ?" thực sự không có câu trả lời chung vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như địa điểm học, loại hình trường học, chương trình giáo dục, và tình hình tài chính của gia đình. Mỗi gia đình có hoàn cảnh và khả năng tài chính khác nhau, nên mức chi phí phù hợp sẽ rất khác nhau.
Dù vậy, mỗi lần đề tài này được đem ra "mổ xẻ", luôn có những tranh cãi trái chiều.
Mới đây, một bà mẹ ở Hải Phòng trở thành tâm điểm tranh luận khi chia sẻ thu nhập và mức chi tiêu của gia đình. Được biết, nhà chị có 2 con nhỏ (1 bạn lớp 1 và 1 bạn 4 tuổi), thu nhập hàng tháng 110 triệu đồng. Mức chi tiêu hàng tháng của gia đình rơi vào khoảng 20 triệu đồng.
Chi tiết gây tranh cãi đó là, chị cho biết tiền học của 2 con chỉ tốn 2 triệu đồng. Nhiều người thắc mắc, tiền học như vậy là quá ít. Nhiều người còn cho rằng bà mẹ này "nói phét" về thu nhập, chứ không ai lương cao mà không dám chi cho con, chỉ biết vun vén cho mình như vậy.
Một người khác nhẩm tính, số tiền dành cho việc học của nhà mình cao gấp nhiều lần: 1. Học phí và bán trú trường công tính tròn 1,5 triệu/tháng; Tiếng Anh tuần 2 buổi 1,4 triệu/tháng; Toán và Tiếng Việt tuần 3 buổi 2,4 triệu/tháng; Đàn và Bơi 2,5 triệu/tháng. 7,8 triệu/tháng/cháu. Nhà sinh đôi nên nhân hai lên vì hai cháu học như nhau.
"Thắc mắc là tiền học ít quá ạ. E cũng cho con học lớp 2 và mầm non đều trường công. Tháng nào cũng 3,5 triệu 2 bạn rồi. Tiền học trường công (không thêm các khoản phụ) + tiền ăn bán trú ở trường đã không đủ rồi. Chưa kể nếu bố mẹ có thu nhập như trên, chắc chắn còn phải học thêm, học ngoại ngữ, học năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao, 2 triệu sao mà đủ", một người bình luận.
Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu có thu nhập cao, họ sẽ đầu tư cho con nhiều hơn về các hoạt động ngoại khoá, học thêm. Thậm chí, họ sẽ cho con học trường tư để con có cơ hội theo học các chương trình tiên tiến.
Dù vậy, cũng có người cho biết, con mình học mầm non trường công ngay Quận Ba Đình, học phí hàng tháng khoảng 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nếu cho học thêm vẽ, kỹ năng sống các thứ thì chỉ thêm 500 nghìn đồng.
Trước thắc mắc, bà mẹ giải thích, chị ở nhà làm việc linh hoạt nên bé lớp 1 chị tự kèm. Một bé thì ở quê với ông bà ngoại nên ông bà cũng hỗ trợ phần nào. Hai bé chỉ học ở trường công. "Vợ chồng em làm về mảng giáo dục nên học hành tài liệu em đều có sẵn", chị nói.
Việc "chi tiêu vừa đủ" và "tiết kiệm thông minh" không hề xấu
Câu chuyện của bà mẹ này phản ánh một vấn đề nhạy cảm về sự kỳ vọng xã hội đối với cách chi tiêu của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau.
Mỗi gia đình có cách nhìn nhận khác nhau về việc đầu tư cho giáo dục. Trong khi một số phụ huynh coi trọng việc đầu tư vào trường học đắt đỏ, một số người khác lại tin vào việc phát triển khả năng tư duy, kỹ năng sống và các hoạt động ngoại khóa khác để nuôi dưỡng con cái.
Mặc dù chi tiêu có vẻ ít so với thu nhập, nhưng việc này không hẳn là "keo kiệt". Mỗi gia đình có sự ưu tiên riêng và các bậc phụ huynh có thể lựa chọn phương pháp giáo dục mà họ cho là tốt nhất cho con cái. Họ có thể chú trọng vào những yếu tố khác ngoài học phí như sự phát triển cảm xúc, kỹ năng sống hay môi trường gia đình.
Giá trị giáo dục không phải lúc nào cũng đo bằng tiền. Giáo dục không chỉ đến từ trường học mà còn từ gia đình, cộng đồng và các hoạt động khác. Bà mẹ này có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực cho con cái tại nhà, bằng cách thúc đẩy việc đọc sách, tham gia các hoạt động ngoại khóa, hay khuyến khích trẻ phát triển tư duy sáng tạo, tự lập.
Mặc dù xã hội có thể chỉ trích cách chi tiêu này, nhưng quan trọng hơn là mỗi gia đình cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và lựa chọn phù hợp với tình hình tài chính và mục tiêu giáo dục của mình. Việc "chi tiêu vừa đủ" và "tiết kiệm thông minh" không hề xấu, miễn là nó không ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái.