Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại gọi thứ dùng đựng tiền là "ví", "bóp"?
Nguồn gốc của 2 từ này khá thú vị!
"Ví" hay "bóp" là một vật dụng vô cùng quen thuộc trong đời sống của chúng ta, dùng để đựng tiền. Nếu "ví" là cách gọi quen thuộc của người miền Bắc thì "bóp" là cách gọi phổ biến của người miền Nam. Dùng vật dụng này hàng ngày nhưng liệu có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao chúng ta lại gọi thứ dùng để đựng tiền là "ví" và "bóp" chưa?
Được biết, "bóp" có nguồn gốc là từ Portefeuille (ví đựng tiền và giấy má) trong tiếng Pháp, đọc là "bóp - phơi". Từ này được người Việt đọc rút gọn là "bóp". Ngoài nghĩa là "ví đựng tiền và giấy má", "Portefeuille" còn có một số nghĩa khác như: Chức bộ trưởng; bộ; tài chính tổng lượng kỳ phiếu (của một người, của ngân hàng...); (từ cũ, nghĩa cũ) cái cặp.
Trong khi đó, theo học giả An Chi, "ví" là một từ Việt gốc Hán, nguồn gốc từ chữ "幃", âm Hán Việt hiện đại là "vi", nghĩa là "hương nang", hay "túi thơm" - cái túi đựng hương liệu mà phụ nữ xưa thường đeo bên người. Từ nghĩa gốc này, "ví" mới chuyển nghĩa để chỉ cái "portefeuille" - "bóp" mà người ta cũng mang theo người nhưng không đựng hương mà đựng tiền.
Nói thêm về cái "ví", hay cái "bóp", ngày nay chúng được làm từ nhiều chất liệu, phổ biến nhất là chất liệu da.
Được biết, ví tiền phát triển sau khi tiền giấy được giới thiệu ở phương Tây vào những năm 1600. Trước khi tiền giấy ra đời, ví tiền xu (thường là bao da dây rút đơn giản) được sử dụng để đựng tiền xu. Những chiếc ví ban đầu được làm chủ yếu bằng da bò hoặc da ngựa và bao gồm một túi nhỏ để đựng danh thiếp.