Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại gọi là 'đầu cua tai nheo'?

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Đây là phần kiến thức khá thú vị!

Có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc, xuất xứ của các thành ngữ dân gian được sử dụng phổ biến ngày nay không? Chẳng hạn như thành ngữ "đầu cua tai nheo" nghĩa là đầu đuôi sự việc, mọi thứ, mọi chi tiết ngóc ngách của vấn đề hoặc chỉ những chuyện chắp vá, không đâu vào đâu. Nhưng vì sao lại gọi là "đầu cua tai nheo"?

Đọc câu thành ngữ trên, chúng ta đều hiểu "đầu cua" rõ ràng là "đầu của con cua". Vậy còn "tai nheo" nghĩa là gì? Câu hỏi này khiến không ít người phải "vò đầu bứt tai" bởi quá hóc búa.

Trước hết xin nói về chữ "nheo" trong câu thành ngữ trên. Dựa trên sự tương xứng với chữ "cua", ta có thể suy ra "nheo" là tên của một họ cá. Những loài thuộc họ cá nheo hầu hết đều có da trơn, không vảy, đầu hẹp, miệng rộng. Sợi râu của cá nheo mọc ở hai bên hàm trên, râu to, tương đối dài và khá riêng biệt. Tên gọi "cờ đuôi nheo" của loại cờ có hình đuôi cá nhiều khả năng cũng bắt nguồn từ họ cá này.

Nhưng cá thì tại sao lại có "tai"? Nghe thật vô lý. Thật ra, "tai" là một từ Việt gốc Hán, được đọc theo âm Hán Việt, có nghĩa là mang cá. Chữ "tai" cũng được Mathews' Chinese-English Dictionary giảng là "the gills of a fish" (mang cá). Vậy "tai nheo" chính là mang cá nheo.

Như vậy, "đầu cua tai nheo" có thể được hiểu theo hai cách:

1. Cái đầu con cua đi với mang con cá nheo, hàm ý chỉ sự chắp vá chẳng đâu vào đâu.

2. Những thứ nhỏ nhặt nhất trên bộ phận của các loài dưới nước, hàm ý chỉ sự tận tường từng chi tiết. "Hiểu rõ đầu cua tai nheo" là hiểu rốt ráo sự việc.

Ngoài ra, còn nhiều thành ngữ có nguồn gốc thú vị không kém. Chẳng hạn như:

- "Nuôi ong tay áo": Trước kia, người ta vẫn hiểu thành ngữ này theo nghĩa đen nhưng thật ra, không ai dại mà nuôi ong trong tay áo. "Ong tay áo" ở đây chỉ một loài ong đen làm tổ trên cành cây. Loại tổ ong này xệ xuống như ống tay áo. Tay áo ngày xưa thường được may rộng chứ không gọn gàng như bây giờ. Chính vì vậy, người ta nói "nuôi ong tay áo" vì hình dáng cái tổ của chúng giống như tay áo người.

- "Rồng đến nhà tôm": Sở dĩ có yếu tố "rồng" và "tôm" xuất hiện vì thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian từ xa xưa. Đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn. "Rồng" ở đây chỉ cá chép, sau khi đã đỗ đạt, ở vị thế cao sang nhưng vẫn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Còn "tôm" thì không hề tự ti, mặc cảm về xuất thân hay hoàn cảnh mà vẫn trân trọng tình bạn này. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người.

- "Nghèo rớt mồng tơi": Ở đây, "tơi" không phải là loại rau mồng tơi như chúng ta vẫn nghĩ. "Tơi" là một loại áo mặc đi mưa vào thời xưa.

Chia sẻ