Câu đố tiếng Việt: Tại sao lại nói "Khách khứa"? Nguồn gốc từ này hơi bị thú vị!
Bạn có biết từ 'khứa' trong khách khứa có nghĩa là gì không?
Trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết tiếng Việt, có nhiều từ/cụm từ được sử dụng phổ biến nhưng ít người hiểu rõ nghĩa hay biết đến nguồn gốc sâu xa. "Khách khứa" cũng là một từ nằm trong số đó.
Theo Từ điển Lê Văn Đức, khách khứa là "người khách đến nhà". Đại Từ điển Tiếng Việt định nghĩa khách khứa được hiểu là khách đến thăm nói chung. Trong từ điển Việt Nam - Thanh Nghị, từ khách khứa được hiểu là người đến chơi, ở nhà mình trong một thời gian ngắn.
"Khách" là từ quá quen thuộc thường ngày, tuy nhiên bạn có biết từ "khứa" đi kèm có nghĩa gì không? Có ý kiến cho rằng, ngày xưa khi có khách đến nhà, để cuộc tiếp khách diễn ra một cách tự nhiên, không khí thêm vui vẻ, thân tình, người chủ đi mời thêm một số người nữa, thường là họ hàng, hàng xóm. Đấy gọi là khứa. Khứa không chỉ "ngồi cho có chuyện" mà họ còn là những nhân vật có vai trò quan trọng làm cho cuộc gặp gỡ thêm sinh động, vui vẻ.
Một trong những định nghĩa về "khứa" trong Đại Từ điển Tiếng Việt là "Người có quan hệ thân tình, được mời cùng tiếp khách với chủ nhà: Nhà có khách có khứa". Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa này, từ khứa không hẳn chỉ là một yếu tố phụ (được thêm vào mở rộng nghĩa cho từ khách) mà là một từ có nghĩa.