Câu đố tiếng Việt: "Không huyền thì nhỏ và cay; có huyền vác búa đi ngay vào rừng, là gì?"
Câu đố chữ này có đáp án hết sức thú vị!
Những câu đố chữ luôn mang lại sự bất ngờ, hấp dẫn cho người chơi. Thường xuyên giải câu đố chữ sẽ giúp bạn mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao ngôn ngữ. Đặc biệt, nó còn mang đến cho bạn tiếng cười thư giãn.
Còn giờ, hãy thử sức ngay với một câu đố chữ thú vị sau đây:
"Không huyền thì nhỏ và cay/Có huyền vác búa đi ngay vào rừng, là gì?"
Bạn đã đoán ra được đáp án cho câu đố này chưa? Không hiểu đây là thứ gì mà có sự biến đổi khó lường như vậy. Trước tiên, hãy thử nghĩ đến những thứ "nhỏ mà cay", chẳng hạn như ớt, tiêu,... Sau đó, nghĩ đến dữ liệu "không huyền" và "có huyền". Nói đến đây bạn đã nghĩ ra đó là gì chưa?
Nếu vẫn chưa nghĩ ra thì đáp án chính xác là "tiêu" và "tiều". "Tiêu" hay còn gọi là "hạt tiêu", là một gia vị cay nồng, được nhiều người yêu thích. Khi thêm dấu huyền vào chữ "tiêu", ta sẽ được chữ "tiều", nghĩa là tiều phu – người làm nghề đốn củi. Người đốn củi thì dĩ nhiên phải vác búa đi vào rừng rồi.
Nhân tiện nhắc đến "tiêu" thì đây là gia vị phổ biến có vị cay, tính ấm giúp tạo mùi thơm cho món ăn. Không những vậy, hạt tiêu còn được coi là một vị thuốc đông y có tác dụng trừ hàn, trị đau bụng, lạnh bụng.
Tiêu là một loại cây thân leo, sống lâu năm. Thân cây mọc cuốn trên thân của cây khác hoặc trên các trụ được dựng sẵn. Lá tiêu như lá trầu không, nhưng dài và thon hơn. Quả tiêu có hình cầu nhỏ, mỗi chùm có tới 20 - 30 quả. Mỗi quả tiêu có một hạt bên trong, quả sẽ được thu hái khi đã già. Sau đó đem phơi trực tiếp ngoài nắng to hoặc sấy khô cho lớp vỏ săn lại, sau khi phơi sẽ ngả màu đen.
Trong thành phần của hạt tiêu có chứa một số chất như vitamin C, chất béo, tinh dầu, alkaloid,... Một số tác dụng của hạt tiêu được nhắc đến như: Kích thích dạ dày thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp hạn chế tình trạng ăn không tiêu, chướng bụng, đầy hơi; Kháng khuẩn cao chống tình trạng viêm nhiễm đường hô hấp; Giúp cải thiện tâm trạng, giảm tình trạng căng thẳng; Hỗ trợ giảm cân;…
Còn "tiều phu" là người đi kiếm củi và đốn củi trên rừng, đồi cỏ rồi đem về bán lấy tiền hoặc trao đổi lương thực, vật phẩm. Tiều phu là một nghề phổ biến thời xưa. Họ sẽ vào rừng chọn cây nhỏ, cây khô, dễ chặt, ít khói để làm củi. Khi chặt xong, họ sẽ lấy dây rừng sẵn có xiết lại thành từng bó vừa ôm hoặc vác lên vai để mang về nhà. Cây củi sẽ được phân ra giá đắt, giá rẻ tùy theo những đặc tính.
"Tiều phu" là một nghề khó khăn nhưng có nhiều kiến thức về cây cối và núi rừng. Vì vậy, quân đội ngày xưa dùng họ làm hướng đạo.