Câu đố tiếng Việt: Điền vào câu "Nổi... lôi đình, trả lời GIẬN sai 100%, đáp án cực đơn giản nhưng nhiều người nhầm lẫn
Nhiều thành ngữ đã nảy sinh các dị bản, nhiều người hiểu sai, dẫn đến sử dụng chưa phù hợp với ngữ cảnh. Với câu đố tiếng Việt này, theo bạn đáp án là gì?
Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó. Tuy nhiên, cũng từ phương thức truyền miệng nên có thành ngữ đã nảy sinh các dị bản, nhiều người hiểu sai, dẫn đến sử dụng chưa phù hợp với ngữ cảnh.
Chẳng hạn, “Ướt như chuột lột” là câu cửa miệng người Việt dùng khi nói về người nào đó bị ướt sũng, ướt nhẹp thê thảm. Nhưng từ trước tới nay, dường như chưa có một sự giải thích về mặt từ nguyên nào có thể coi là thỏa đáng và có sức thuyết phục về gốc gác ngữ nghĩa của thành ngữ này. Trên thực tế, nguyên bản của câu thành ngữ này phải là "Ướt như chuột lội", chỉ một người bị ướt lướt thướt, quần áo dính chặt vào người giống hình ảnh của một con chuột lội từ dưới nước lên.
Tương tự với câu thành ngữ Hán Việt nhiều người thường xuyên dùng: NỔI TRẬN LÔI ĐÌNH, ý diễn tả nổi cơn giận dữ dội (tựa như sấm sét). Trong đó, nghĩa gốc của tổ hợp lôi đình (雷霆) là sấm sét, còn nghĩa bóng vốn nhằm chỉ sự giận dữ của đế vương hoặc bậc tôn giả (kính xưng), hoặc phiếm chỉ cơn giận dữ, thịnh nộ dữ dội.
Theo tác giả Đỗ Thành Dương trên Giáo dục thời đại, 4 thành tố đều là Hán Việt, nhưng lâu nay thấy không ít người sử dụng đã dùng xen thành tố thuần Việt "giận" thay cho thành tố Hán Việt trận (陣) "nổi giận lôi đình". Đây cũng là trường hợp kết hợp một thành tố thuần Việt trong một thành ngữ gốc Hán Việt. Vì bản thân từ ghép "lôi đình" đã hàm ý sự giận dữ tột độ, nên không cần phải chen thêm từ thuần Việt "giận" vào thành ngữ này nữa, gây nên tình trạng kết hợp cọc cạch, thiếu nhất quán.
Tương tự, câu thành ngữ Bài binh bố trận (擺兵布陣) là bố trí lực lượng thành thế trận sẵn sàng chiến đấu, sắp xếp thế trận để chuẩn bị giao tranh với quân địch. Nhiều trường hợp báo chí chạy tít dùng thành ngữ này dưới dạng "bày binh bố trận". Từ nguồn gốc là một thuật ngữ quân sự, qua thời gian thành ngữ này còn được dùng trong trò chơi cờ tướng, cờ vua. Vì thành tố thuần Việt không thể xen vào, nên dùng từ thuần Việt bày có nghĩa bày đặt, bày biện, kết hợp chung với 3 thành tố Hán Việt "bày binh bố trận" là không phù hợp.
Một câu thành ngữ khác cũng gây nhầm lẫn là: Chân nam đá chân chiêu hay Chân đăm đá chân chiêu. Câu thứ nhất được dùng phổ biến, tuy nhiên đáp án chính xác phải là câu thứ 2. Từ điển Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của (1895) giải nghĩa như sau: Đăm là "tay mặt" (tay phải), chiêu là "tay tả" (tay trái).
Trong câu thành ngữ này, tác giả đã sử dụng thủ pháp "đối", "chiêu" có nghĩa là bên trái, "đăm" sẽ được hiểu là bên phải. Câu thành ngữ chỉ dáng điệu của ai đó hoặc say xỉn, hoặc vội vàng tất tưởi, vụng về... mà đi đứng không ngay ngắn, vững vàng.
Ngày xưa, khi nói "đăm chiêu" có nghĩa là ngó nghiêng bên phải bên trái, nhìn bao quát, nhưng nay, "đăm chiêu" thường được hiểu là đang băn khoăn, bận tâm suy nghĩ về điều gì đó. Nghĩa gốc của từ này đã không còn thông dụng.
Tương tự, câu thành ngữ ra ngô ra khoai vốn để chỉ việc làm cho cái gì đó mập mờ, lẫn lộn trở nên rõ ràng, rành mạch, cụ thể. Kỳ thực, ngô với khoai là hai lương thực rất dễ phân biệt, không hề mập mờ, gây nhẫm lẫn, chỉ cần nhìn qua là chúng ta đã phân biệt được đâu là ngô, đâu là khoai. Vậy nên nói "ra ngô ra khoai" có vẻ không được hợp lý lắm.
Đúng vậy, cách nói chuẩn phải là "ra môn ra khoai". Theo đó, "môn" ở đây là khoai môn, còn "khoai" là khoai sọ. Hai loại khoai này vốn có hình thù tương đối giống nhau, nếu không phải là người am hiểu tường tận thì khó mà phân biệt được.