Câu đố tiếng Việt: "Bình gì không làm bằng sứ và có thể ăn được?"
Đây là loài cây ăn quả quen thuộc đối với người dân miền Nam Bộ.
Khi nhắc đến "bình", chúng ta mường tượng ngay đến vật dụng được làm bằng gốm, sứ có công dụng cắm hoa, trang trí nội thất. Tuy nhiên, có một loại bình rất kỳ lạ được miêu tả trong chương trình Nhanh như chớp với nội dung như sau:
"Bình gì không làm bằng sứ và có thể ăn được?".
Nghe xong câu hỏi, người chơi đứng hình vài giây. "Bình" này có thể ăn được, nghe lạ quá! Đây là một câu đố chữ nên nếu hiểu theo nghĩa đen thì khó tìm ra đáp án. Đối với dạng đố này, bạn cần đặc biệt chú ý đến yếu tố ngôn từ. Theo gợi ý, loại bình này không làm bằng sứ và có thể ăn được thì đích là một thực phẩm nào đó.
Nếu bí quá, vẫn chưa nghĩ ra, bạn có thể tham khảo đáp án của chương trình: BÌNH BÁT.
Nghe xong đáp án, có lẽ nhiều người còn lạ lẫm, không hiểu đây loài thứ gì. Tuy nhiên, đây là loại cây quen thuộc đối với người dân Nam Bộ. Bình bát còn được biết đến với các tên gọi như trái nê, trái na xiêm. Cây được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới. Bình bát là loại cây gỗ, cao khoảng 3 – 5 m và có tán rất rộng. Loại cây này có thể sinh trưởng ở vùng ngập nước vừa phải.
Cây bình bát có dạng lá đơn, mọc so le, lá có mùi hôi đặc trưng. Song trái chín lại có mùi thơm cực kì hấp dẫn. Cây bình bát thường dùng làm củi đốt và cháy khá nhanh. Ở vùng Nam Bộ xưa, người dân thường đốn cây bình bát về ngâm cho bong lớp vỏ bên ngoài rồi tiến hành lấy lớp da trong bện thành dây thắt võng rất chắc chắn, dẻo dai.
Ngày nay, tại các vùng ven của thành phố Hồ Chí Minh, người dân trồng rất nhiều cây bình bát. Quả bình bát có giá bán rẻ và dễ kiếm ở chợ. Quả bình bát có hình trái tim, có từng ô 5 góc mờ. Khi non, quả màu xanh, có mùi đặc trưng. Khi chín, quả chuyển sang màu vàng hoặc màu vàng pha đỏ, thịt quả màu trắng hoặc ngà vàng, có thể ăn được.
Bình bát được sử dụng trong nhiều bài thuốc dân gian. Quả xanh có thể sắc uống để chữa sốt, tiêu chảy, kiết lỵ, giun sán, nhiễm khuẩn hô hấp. Hạt bình bát thường được dùng chữa tiêu chảy, kiết lỵ, chữa vết ghẻ lở. Nhiều người còn giã nát hạt, nấu nước đặc để gội đầu trừ chấy rận; ngâm quần áo trừ côn trùng hoặc dùng làm nước trừ sâu tự nhiên rất hiệu quả.
Tuy nhiên, bình bát có chứa độc nên chúng ta cần hết sức cẩn trọng khi dùng. Bạn không nên để nhựa, nước cây bắn vào mắt để tránh kích ứng. Ngoài ra, khi sơ chế tránh tiếp xúc trực tiếp với da vì nhựa cây có thể gây nổi mề đay, mẩn ngứa. Nếu bị nhiễm độc cây bình bát, chúng ta có thể giải độc bằng nước chanh. Tốt nhất để đảm bảo an toàn, bạn nên trao đổi với thầy thuốc trước khi sử dụng loài cây này làm thuốc.