Câu đố Tiếng Việt: "Bánh gì nghe tên đã thấy sung sướng?" - Nghe đáp án cười rụng rốn, đố chữ ác ghê!

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Bạn có đoán được ra tên của loại bánh kỳ lạ này không?

Nếu là người yêu thích trò chơi giải đố thì chắc hẳn không thể không biết đến chương trình Nhanh như chớp – nơi tổng hợp những câu đố siêu "hack não". Chương trình từng đưa ra hàng loạt câu đố chữ về loại bánh khiến người chơi đứng hình. Chẳng hạn như: "Bánh gì mập mà không mập", đáp án là bánh ú; "Bánh gì ăn ít mà nhiều", đáp án là bánh đa; "Bánh gì tên 1 loài trái cây nhưng không có trái cây", đáp án là bánh cam; "Bánh gì nghe tên đã thấy đau?", đáp án là bánh tét. 

Trong một tập phát sóng, chương trình đưa ra thêm một câu đố về loại bánh khá thú vị. Câu đố có nội dung như sau:

"Bánh gì nghe tên đã thấy sung sướng?".

Câu đố Tiếng Việt: "Bánh gì nghe tên đã thấy sung sướng?" – - Ảnh 1.

Nguồn: Nhanh như chớp.

Dù được MC Trường Giang gợi ý đây là loại bánh có nhiều ở Huế, hình dạng giống với bánh xèo nhưng người chơi vẫn không có câu trả lời. Sau một hồi "vò đầu bứt tai", người chơi đành chào thua. Đây là một câu đố chữ tương đối khó. Để trả lời được, người chơi cần có trí tưởng tượng phong phú, khả năng phán đoán nhanh nhạy cùng vốn kiến thức về ẩm thực. 

Đáp án chính xác mà chương trình công bố là: BÁNH KHOÁI. 

Từ "khoái" không chỉ là tên của một loại bánh mà còn là tính từ biểu thị tâm trạng, cảm xúc. Theo Từ điển Tiếng Việt, "khoái" nghĩa là thích thú vì được như ý muốn. Mượn hiện tượng từ đồng âm khác nghĩa, chương trình đã đưa ra câu đố thật thú vị phải không nào? 

Cho những ai chưa biết, bánh khoái là một loại bánh được chiên lên, có tạo hình giống như bánh xèo. Bánh có hình dạng tròn, được ăn kèm với rau sống và nước chấm. Tên gọi bánh khoái xuất phát từ cách gọi của người Huế khi nấu. Cụ thể, người xưa kể lại rằng người Huế thường có thói quen làm bánh từ bột gạo và sử dụng bếp than củi để nấu.

Mỗi lần nấu là khói lại bay lên sau khi bếp củi bị tắt nên họ quyết định đặt tên là bánh khói. Tuy nhiên, cách phát âm của người Huế thường gọi chệch vần "oi" thành vần "oai" nên mới có tên gọi là bánh khoái như hiện nay. Ngoài ra, có ý kiến khác cho rằng, vì loại bánh này có độ giòn rụm và ăn có cảm giác rất ngon miệng nên đặt là bánh khoái (nghĩa là khoái khẩu).

Câu đố Tiếng Việt: "Bánh gì nghe tên đã thấy sung sướng?" - Nghe đáp án cười rụng rốn, đố chữ ác ghê! - Ảnh 2.

Bánh khoái có nguồn gốc ở Huế. (Ảnh minh hoạ)

Bánh khoái là đặc sản của miền Trung, có nguồn gốc ở Huế. Tuy nhiên, ở những khu vực khác thuộc miền Trung thì bánh khoái thường được gọi đi kèm với tên địa danh như: Bánh khoái Ninh Bình, bánh khoái Quảng Nam, bánh khoái Thanh Hoá,… Hơn nữa, mỗi vùng sẽ có cách chế biến bánh khoái và nước chấm khác nhau.

Bánh khoái được làm từ bột gạo, gồm 2 phần là vỏ bánh và phần nhân. Đối với vỏ bánh, người ta dùng bột gạo pha với nước rồi cho thêm ít bột nghệ (mục đích để tạo màu) kèm với một chút bột ngọt, muối. Còn phần nhân chủ yếu được làm từ hỗn hợp gồm tôm, lòng đỏ trứng gà, giò sống vo viên nhỏ, giá đỗ,…

Cách làm bánh khoái cũng tương tự như bánh xèo. Nhiều người thường nhầm tưởng bánh khoái là bánh xèo. Tuy hình dáng có vẻ giống nhau nhưng chúng vẫn có những điểm riêng biệt. Bánh khoái có kích thước nhỏ (khoảng 15cm), độ dày từ 2 - 3cm, nước chấm sền sệt và có vị béo. Trong khi đó, bánh xèo có kích thước to hơn (dao động từ 10 - 30cm), độ dày từ 1 - 2cm và nước chấm loãng, có vị chua.

Chia sẻ