Câu đố: Tại sao gọi là “Người ngợm”? Nghĩa chữ 'ngợm' có thể khiến bạn bất ngờ
Ngợm vốn có ý nghĩa sâu xa gì hay chỉ là biến âm của một chữ khác?
Trong cuộc sống, hẳn bạn đã nhiều lần nghe qua từ “người ngợm”. Phần lớn từ điển định nghĩa người ngợm để chỉ thân hình con người nói chung (hàm ý chê). Chẳng hạn: “Người ngợm xấu xí”.
Vậy bạn có từng thắc mắc từ "ngợm" trong “người ngợm” có nghĩa là gì và tại sao lại xuất hiện từ này?
“Ngợm” là từ xuất hiện cụ thể trong hệ thống chữ Nôm bằng 2 cách viết: 𤼔 (từ thuần Nôm) và 吟 (từ gốc Hán, đọc âm Hán Việt là ngâm, âm Nôm là ngợm). Đây là 2 chữ được ghi nhận trong quyển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm (2004), được tác giả giải thích như sau: “Ngợm” (吟, 𤼔) là “Khỉ hơi giống như người”.
“Người ngợm” là một từ ghép đẳng lập, với “ngợm” được định nghĩa là “vật tưởng tượng, hình dạng rất giống người, hình thù xấu xí” (từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên). Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng dẫn: “Ngợm: Tên con vật tưởng tượng được ví với kẻ ngu đần. Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi”.
Như vậy cấu trúc “người ngợm” cũng tương tự như “trâu bò”, “ong bướm”, “chó mèo” vậy. Và chính vì khái niệm “ngợm” là một con vật “xấu xí, ngu đần” được lồng vào đứng chung với “người” nên từ này mới có sắc thái tiêu cực, khinh chê.
Theo quan điểm của Anthony Trần Văn Kiệm, ngợm có thể là loài khỉ hay linh trưởng nào đó, ví dụ như loài có tên khoa học là Macaca assamensis, một loài phân bố ở Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là ở miền bắc Việt Nam. Trong tiếng Việt loài này có nhiều tên khác nhau như: khỉ xấu, khỉ mốc miền đông, khỉ xám, khỉ nâu...