Câu đố: Hành gì vừa to vừa lớn, ăn thì không dễ, ngắm lại bao la?

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Câu đố nghe qua thì khá phức tạp nhưng nếu suy nghĩ kỹ một chút thôi, bạn sẽ dễ dàng tìm ra đáp án.

Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với những thông tin này: Hành lá hay còn được gọi là hành hương, hành hoa hoặc hành ta. Tại một số nước, hành lá có các tên tiếng Anh khác nhau như Green onion hoặc Welsh onion. Hành tây thì là một loại rau thân củ, thường được trồng quanh năm, có rễ chùm và sợi dài... Điểm chung của các loại hành này chính là đều nho nhỏ xinh xinh và có thể ăn được.

Nhưng bạn có biết có loại "Hành" nào khá... kỳ cục: “Vừa to vừa lớn, ăn thì không dễ ngắm lại bao la không?”

Tất nhiên, câu trả lời không thể là hành tây, hành ta gì cả! Đây thực chất là một câu đố chữ và bạn hãy nghĩ đến sự vật, sự việc nào đó mà tên gọi bắt đầu bằng chữ “hành”, có những đặc điểm như trên nhé! 

Nếu nghĩ mãi không ra thì xin bật mí với bạn, đó chính là… hành tinh. Loại "hành" này thì chắc chắn là quá to lớn, khổng lồ và không thể chế biến thành món ăn được rồi.
Câu đố: Hành gì vừa to vừa lớn, ăn thì không dễ ngắm lại bao la? - Ảnh 1.

Khi nhắc đến một hành tinh, hình ảnh hiện ra trong đầu của hầu hết mọi người chính là một khối hình cầu có kích thước khổng lồ, với sự kết hợp của đất đá và khí quyển, quay quanh một ngôi sao nào đó và có thể có hoặc không có mặt trăng. 

Để một thiên thể được gọi là "hành tinh", nó cần phải đáp ứng được những tiêu chuẩn sau đây:

1. Thiên thể đó phải có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời một cách độc lập (điều này có nghĩa Mặt Trăng không được coi là một hành tinh bởi vì nó có quỹ đạo quay quanh một hành tinh).

2. Khối lượng của thiên thể phải đủ lớn để lực hấp dẫn có thể khiến nó có dạng hình cầu

3. Phải đủ lớn để hút sạch các thiên thể khác nằm trên quỹ đạo của nó, để trở thành vượt trội nhất.

Theo Live Science, Hệ Mặt trời bao gồm 8 hành tinh: Sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ, sao Thiên Vương và sao Hải Vương. Tất cả đều quay quanh Mặt trời do lực hấp dẫn cực mạnh của nó.

Hiện nay, hành tinh có nhiều mặt trăng quay quanh nhất trong Hệ Mặt trời chính là sao Mộc. Phát hiện trên được tìm ra trong quá trình quan sát vũ trụ của nhà thiên văn học Scott Sheppard và cộng sự - những chuyên gia thuộc Viện Khoa học Carnegie, Washington D.C, Mỹ.

Chia sẻ