Câu đố: Con gì biết bò, biết bay, biết chạy, mất đầu vẫn sống?
Hoàn toàn không đánh đố, đây là con vật có thật 100% và còn rất quen thuộc.
Con gì biết bò, biết bay, biết chạy, mất đầu vẫn sống? Những đặc điểm về con vật có vẻ khác lạ và còn chút... kinh dị của câu đố trên khiến nhiều người nghĩ ngay đây là một câu đố mẹo. Trên thực tế, câu hỏi này hoàn toàn không đánh đố, đây là loài vật có thật 100% và còn rất quen thuộc. Nếu đoán ra được, chắc hẳn bạn có kiến thức sinh học không phải dạng vừa. Đáp án chính là... CON GIÁN.
Gián là một sinh vật kì lạ. Họ hàng nhà gián và mối có tên khoa học là Blattodea, trong tiếng Latin có nghĩa là "côn trùng xa lánh ánh Mặt trời" bởi hầu hết gián hoạt động mạnh về ban đêm, còn ban ngày thì tìm nơi tối tăm, ẩm thấp như hốc tường, kẽ cửa... để trú ẩn.
Gián có mùi hôi cũng như mang nhiều chất bẩn, đây còn là loài côn trùng có thể cắn người. Tác hại của gián không chỉ dừng lại ở mức độ ô nhiễm thực phẩm, nguồn nước mà còn có thể đe dọa đến tính mạng nếu chúng lan truyền những vi khuẩn vào máu và cơ thể.
Tuy nhiên, từ lâu, Trung y cũng sử dụng gián để làm thuốc chữa trị khoảng gần ba chục căn bệnh khác nhau của con người, như mụn nhọt, ăn khó tiêu, đau dạ dày, bệnh tim… Giáo sư Liu Yusheng, ĐH Nông nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội côn trùng tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc), nhận định: "Gián là một loại thuốc kỳ diệu", "Nó có thể chữa trị một số bệnh và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn nhiều loại thuốc khác". Người Hoa cũng dùng gián làm thức ăn, như các loại côn trùng khác.
Tại sao gián có thể sống khi mất đầu?
Đặc biệt, gián có khả năng sinh tồn mạnh mẽ. Hầu hết các loài động vật sẽ chết ngay khi mất đầu còn gián lại có thể sống tiếp vài tuần sau đó. Thậm chí, cái đầu khi lìa khỏi cơ thể cũng sống độc lập được tới vài giờ trước khi mất hết nước. Nếu được tiếp dinh dưỡng và làm lạnh, nó có thể sống lâu hơn.
Vì có những khả năng sống độc đáo như thế, người phương Tây gọi gián là côn trùng không thể giết (indestructible, impossible to kill), và người Hoa gọi gián là “tiểu cường” (xiao qiang), anh hùng tí hon!
Nhà sinh lý học và hóa sinh học Joseph Kunkel, từ Đại học Amherst, Massachusetts (Mỹ), đã nghiên cứu sự phát triển của gián để tìm ra nguyên nhân sống sót của gián khi mất đầu, và tìm hiểu tại sao con người không thể làm điều đó.
Đầu tiên, việc mất đầu ở người sẽ dẫn đến kết quả là mất máu và huyết áp giảm đến mức không thể vận chuyển ôxy và chất dinh dưỡng tới các mô trong cơ thể. Người ta mất máu mà chết. Ngoài ra, con người thở bằng miệng hoặc mũi và não kiểm soát các chức năng sống còn này, vì thế khi mất đầu, việc thở cũng ngừng luôn. Hơn nữa, cơ thể người không thể ăn được nếu không có đầu, đảm bảo một cái chết đói chắc chắn.
Song, gián không bắt buộc phải có huyết áp theo cách của con người. "Chúng chẳng có mạng lưới mạch máu rộng khắp như của chúng ta - nghĩa là các mạch tí hon cần áp suất lớn để máu có thể lưu thông. Chúng có một hệ tuần hoàn mở, với áp suất thấp hơn nhiều".
"Nếu bạn cắt đầu chúng, cái cổ sẽ được liền lại bằng máu cục. Không hề có sự kiểm soát chảy máu ở đây", Kunkel nói.
Sinh vật này cũng lấy khí trời bằng các lỗ thở, nằm trên các đốt cơ thể. Ngoài ra, não của gián không kiểm soát quá trình thở này và máu không cần mang ôxy đi nuôi các nội tạng. Thay vào đó, các lỗ thở hút không khí trực tiếp vào các mô thông qua một loạt ống nhỏ gọi là khí quản.
Ngoài những yếu tố trên, gián còn là một sinh vật máu lạnh, nghĩa là chúng cần ít máu hơn nhiều so với hoạt động sống của con người. "Một con côn trùng có thể sống sót trong hàng tuần với một bữa ăn mà chúng có", Kunkel nói.