Câu chuyện “lười chăn gối” ngày càng phổ biến ở các cặp vợ chồng Nhật Bản: Khi áp lực công việc không phải lý do duy nhất
Vào những dịp lãng mạn như Valentine, nhiều cặp đôi sẽ ăn mừng với rượu vang, những món quà và một buổi tối “thân mật”. Tuy nhiên, điều này không đúng lắm ở Nhật Bản, nơi mà các cặp tình nhân hay vợ chồng không mấy hứng thú trong chuyện chăn gối.
Một hiện tượng kì lạ và đáng lo ngại đang xuất hiện trong các cặp đôi xứ hoa anh đào.
Gần 50% các cặp vợ chồng Nhật chẳng màng đến chuyện chăn gối
Theo tờ The Guardian, một nghiên cứu được tiến hành vào tháng 2-2017 cho thấy, gần một nửa các cặp vợ chồng Nhật Bản không màng đến chuyện chăn gối. Đây là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm dân số trầm trọng ở nước này.
Nhóm khảo sát đã phỏng vấn 3.000 người độ tuổi từ 16 đến 49 và nhận được 1.200 câu trả lời. 47,2% người trả lời bao gồm cả nam và nữ nói rằng, họ không quan hệ sau hôn nhân, con số này đã tăng thêm 2,6% so với cuộc khảo sát vào năm 2014. Trong khi đó, cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2004 ghi nhận chỉ có 31,9% cặp vợ chồng rơi vào tình trạng trên, và đã tăng lên 15% trong 13 năm.
Nhật Bản hiện là nước có dân số già nhất thế giới.
Nhật Bản hiện đang là nước có dân số già nhất thế giới: Hơn ¼ dân số trên 65 tuổi. Trong vòng 6 năm qua, doanh số tã cho người lớn đã vượt lượng tã dành cho trẻ em được bán ra. Tỷ lệ sinh của Nhật hiện là 1,4 con/ phụ nữ, trong khi mức cần thiết để đảm bảo ổn định dân số là 2,1 con/ phụ nữ. Nếu tình hình này không được thay đổi, dân số Nhật sẽ giảm từ 127 triệu người xuống còn 86 triệu người vào năm 2060.
Dân số già gây ra nhiều hệ lụy, các chuyên gia trong nước đã bày tỏ mối quan ngại về viễn cảnh suy giảm dân số lâu dài và sự thụt lùi kinh tế tiềm ẩn từ lực lượng lao động đang giảm sút.
Đời sống vợ chồng lạnh nhạt – nguyên do vì đâu?
Nguyên nhân chính khiến cho người Nhật "lười" chăn gối là thời giờ làm việc quá khắt khe. Karoshi – những cái chết do làm việc quá sức không phải là hiếm ở Nhật, công nhân viên có quá ít thời gian để nghỉ ngơi và giải trí. Hơn 30% nam giới cho biết, họ quá mệt mỏi cho chuyện vợ chồng, do áp lực công việc khi là trụ cột trong gia đình. Bên cạnh đó, phụ nữ với trình độ ngày càng cao, lại cho rằng chuyện con cái làm cản trở sự nghiệp của họ.
Áp lực công việc khiến người ta chỉ muốn nghỉ ngơi khi về nhà.
Nhiều nhà tâm lí học còn phát hiện rằng, không ít người có xu hướng xem chồng/vợ như một thành viên trong gia đình, là cha/mẹ của con họ, chứ không còn là bạn tình. Đời sống tình dục của nhiều cặp vợ chồng hoàn toàn chấm dứt sau khi đứa con đầu lòng của họ ra đời.
Theo truyền thống, người Nhật rất cẩn trọng trong quan hệ nam nữ. Nếu chưa kết hôn, họ sẽ không có ý định đi quá giới hạn. Trong một khảo sát với 5.000 người chưa lập gia đình, 42% nam giới và 44% phụ nữ khẳng định họ chưa bao giờ quan hệ tình dục. Thậm chí, sau khi đã thành vợ chồng, nhiều cặp vẫn không ôm hay nắm tay, không ngủ chung giường, không chạm vào nhau suốt nhiều tháng liền.
Do ảnh hưởng của truyền thống văn hóa, nam nữ còn khá e dè khi tiếp xúc với nhau.
Trên khía cạnh văn hóa, người Nhật yêu thích sự tĩnh lặng, nhất là sau một ngày dài với quá nhiều áp lực công việc. Nhiều cặp vợ chồng cảm thấy thoải mái khi cho nhau khoảng không gian yên tĩnh, hiếm khi trò chuyện và gần gũi. Chính vì vậy, càng ngày họ càng trở nên xa cách, gặp khó khăn trong việc giao tiếp cả thế chất lẫn tinh thần.
Nếu ở phương Tây, hai người không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình, đơn giản thôi, họ sẽ chia tay. Ở phương Đông và đặc biệt là một nền văn hóa như Nhật Bản, ly hôn là một từ luôn được né tránh. Dù cuộc sống vợ chồng không như ý, họ vẫn cố gắng chung sống với nhau. Lẽ dĩ nhiên, chuyện chăn gối cũng nguội lạnh, và một trong hai người sẽ tìm đến những "đối tác" tạm bợ khác ở bên ngoài.
Nhiều đôi vẫn chung sống với nhau trên danh nghĩa dù không hề hạnh phúc.
Trước tình trạng dân số giảm kỷ lục như hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang ráo riết thực hiện những giải pháp được cho là khả thi. Một trong những hướng giải quyết được chú trọng nhất là cải thiện thị trường lao động. Họ tìm cách giảm áp lực công việc, áp lực cuộc sống cho người lao động, giảm số giờ làm việc xuống còn tối đa 60 giờ. Các công ty khuyến khích nhân viên của họ dành thời gian cho cuộc sống riêng tư và quan tâm hơn đến hạnh phúc gia đình.
Nguồn: Tổng hợp từ Newsweek, The Independent, Quora