Câu chuyện khiến ai từng nói câu "Mấy đời bánh đúc có xương..." phải "thẹn miệng"
Với Nguyễn Lê Tú Ngọc, cô luôn coi sự xuất hiện của “người mẹ thứ hai” này là niềm may mắn của cuộc đời, là một định mệnh mà cô luôn cảm thấy biết ơn ông trời đã bù đắp sau sự ra đi của mẹ ruột.
“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” – câu nói vừa sâu sắc vừa chua cay mà người ta luôn nghĩ tới khi nhắc đến mối quan hệ mong manh giữa mẹ kế và những đứa con riêng của chồng. Nhưng với Nguyễn Lê Tú Ngọc, cô luôn coi sự xuất hiện của mẹ ghẻ như “người mẹ thứ hai” và là niềm may mắn của cuộc đời, là một định mệnh mà cô luôn cảm thấy biết ơn ông trời đã bù đắp cho cô sau sự ra đi của mẹ ruột.
Cô Trịnh Thu Hà (sinh năm 1961) là mẹ kế của Tú Ngọc, đã cùng hai cô con gái riêng của chồng chung sống đầm ấm, hạnh phúc hơn chục năm nay. Bỏ ngoài tai những lời gièm pha đầy ác nghiệt về “dì ghẻ - con chồng”, cô Hà đã thực sự khiến mọi người phải nể phục và yêu mến vì sự tần tảo, tấm lòng thơm thảo và những hi sinh thầm lặng của mình dành cho hai cô con gái không chung dòng máu.
Nói về cơ duyên đã mang tới cho mình một người phụ nữ tuyệt vời đến như vậy, Ngọc chậm rãi kể về những ngày đầu tiên hai người gặp gỡ. Ngày đó, Ngọc đang là học sinh lớp 11, em gái ruột đang học lớp 3, mẹ ruột của hai chị em Ngọc đột ngột qua đời vì căn bệnh ung thư. Sự mất mát này đã để lại trong tâm hồn hai cô gái trẻ nỗi tổn thương lớn. Càng buồn hơn khi cuộc sống sau đó vô cùng khó khăn, bố đi suốt ngày, họ hàng không mấy ai quan tâm. Có những khi hai chị em Ngọc chỉ có 4 bìa đậu để ăn dè trong một ngày.
Giữa lúc khốn khó đó, gia đình xuất hiện thêm một thành viên mới. Người mẹ kế để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cô gái 17 tuổi khi đó bởi cũng là một người đi lên từ nghèo khó nhưng vô cùng nhẫn nhịn. “Bố mình tính nết gia trưởng, hay cục tính, hai chị em khi ấy cũng đang tuổi lớn vô cùng khó bảo và ương bướng, không thích có ai khác thay thế mẹ ruột của mình cả”, Ngọc bộc bạch. Sự khác biệt đó đã khiến mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà từng rơi vào tình cảnh không mấy dễ chịu trong suốt 2 năm trời, khi hai chị em Ngọc nằng nặc gọi mẹ mới là cô rồi khó chịu vì sự có mặt của bà trong nhà. Ngọc vẫn nhớ như in những lần mẹ Hà rơi nước mắt vì vất vả, hay thấp thoáng đâu đó có lẽ còn chính bởi sự lạc lõng trong ngôi nhà mới.
Thời gian cũng dần trôi qua, khi hai chị em Ngọc trưởng thành hơn, chứng kiến tất cả mọi quan tâm lo lắng của mẹ Hà dành cho mình thì lúc đó mọi việc cũng dần thay đổi. Nhìn cuộc sống bằng ánh mắt của một phụ nữ trưởng thành khiến Ngọc nhận ra tình cảm và sự yêu thương của người bên cạnh mới đích thực là món quà vô giá. Cô gái 17 tuổi năm nào, giờ đã làm vợ, làm mẹ, cô không giấu được sự biết ơn và cảm động khi nói về những hi sinh của mẹ kế trong suốt bao năm qua: “Mẹ tuy không sinh ra hai chị em nhưng coi bọn mình giống như con đẻ. Dù ở ngoài, lăn lộn với công việc buôn bán nhưng khi về nhà, mẹ luôn lo lắng, chăm sóc cho cả gia đình từng ly từng tí. Ngày mình lấy chồng, mẹ chuẩn bị chu đáo từ chút của hồi môn, ngày em gái mình lên xe hoa, mẹ tổ chức hoành tráng và đầy đủ, lại cho em thêm cả ít tiền làm vốn lo cho tổ ấm riêng. Mình lấy chồng xa, cuộc sống đôi khi không suôn sẻ, cũng lại là mẹ một tay lo lắng, bù đắp cho mình”.
15 năm chịu ơn nhiều từ mẹ kế, Ngọc lúc nào cũng tâm niệm một điều rằng sự xuất hiện của bà trong cuộc đời của mình là một duyên phận. Cô ấn tượng bởi cách bà hi sinh cho chồng con, từ cách dạy bảo uốn nắn với hai cô con gái riêng của chồng cho tới việc “thuần hóa” tính cách, khiến chồng gần như trở thành một người khác, tích cực hơn rất nhiều so với ngày xưa. “Mẹ là một người kiên định, quyết đoán, yêu thương mọi người lại nhanh nhẹn tháo vát. Từ ngày mẹ về nhà sống, cuộc sống của ba bố con thay đổi hẳn, không hề thua kém ai mặc dù kinh tế gia đình thì không phải là giàu. Đôi lúc nghĩ lại mới thấy hết nỗi lòng của mẹ, nếu ngày đó mẹ không đến với ba bố con thì không biết bây giờ cả gia đình đã trở nên thế nào”, Ngọc bày tỏ.
Giờ đây khi đã có một tổ ấm riêng để chăm lo, cô con gái lấy chồng xa vẫn luôn canh cánh về tình cảm và sự biết ơn trước công lao của mẹ. Hôn nhân không phải lúc nào cũng suôn sẻ, mỗi khi có có chuyện buồn cần tâm sự, Ngọc lại tìm về chia sẻ với mẹ Hà để xin lời khuyên và giúp đỡ: “Mỗi lần như vậy, mẹ lại động viên rất nhiều, mẹ bảo: dù mẹ chồng có thế nào thì con vẫn phải sống thật tốt, dù ban đầu có ghét bỏ thì mai này, mẹ chồng sẽ hiểu và thông cảm cho con. Hay mỗi khi chồng có làm gì chưa phải thì làm vợ, cũng không nên gay gắt và chỉ nhìn vào điểm xấu. Mỗi khi kinh tế khó khăn, mẹ dù không có cũng cố gắng vay mượn ai đó để giúp mình qua cơn hoạn nạn”.
Từ xưa đến nay, có lẽ hiếm có một tình cảm giữa dì ghẻ - con chồng lại thân thiết, gắn bó đến mức con gái phải viết hẳn một bài tâm sự chỉ để cảm ơn những gì mẹ kế đã dành cho. Nhưng Ngọc đã khiến nhiều người phải thực sự nể phục khi dành cho mẹ rất nhiều lời cảm ơn xuất phát từ tấm lòng chân thành. Ngọc cho rằng nhiều khi ngoài đời, không phải người mẹ đẻ nào cũng có thể làm tròn bổn phận, lo lắng thật tâm cho con, giống như hoàn cảnh của gia đình chị. Chính điều đó khiến Ngọc cảm thấy vô cùng biết ơn và muốn bày tỏ đôi dòng tâm sự để mọi người hiểu rằng không phải người mẹ ghẻ nào cũng đối xử tệ bạc với con chồng, hay sự mất mát nào trong cuộc sống rồi cũng được đền đáp.
“Phận mình lấy chồng xa, nghĩ đến bố mẹ lúc ốm đau không ai chăm sóc. Con gái lấy chồng thì bố mẹ được nhờ nhưng bản thân mình nhiều khi nghĩ thương mẹ vô cùng vì vất vả cả đời lo cho con cái, vậy mà đến giờ mình vẫn chưa đỡ đần được gì cho mẹ, lại làm mẹ lo lắng nhiều hơn. Chính vì thế mà lúc nào mình cũng canh cánh trong lòng, thương nhưng chỉ biết bày tỏ nỗi niềm như vậy để mẹ biết rằng đối với chị em mình, tuy mẹ không sinh ra nhưng công dưỡng dục của mẹ cũng ngang bằng. Chỉ mong sao bố mẹ được mãi mạnh khỏe để ở bên con cháu”, Tú Ngọc xúc động tâm sự.