Câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ khuyết tật trong chiếc lồng gỗ
Nhiều trẻ em khuyết tật trong nhà trẻ công lập tại Hi Lạp bị nhốt trong lồng vì chính phủ nước này không đủ khả năng trang trải chi phí cho các trại trẻ này.
Cô bé Jenny, 9 tuổi, đang phải đứng nhìn qua song cửa của chiếc lồng gỗ. Khi cánh cửa được mở khóa, cô bé nhảy xuống sàn, ôm chặt các y tá. Nhưng chỉ vài phút sau, cô bé lại phải vào trong lồng, khóa cửa lại mà không dám làm ồn. Đó là nhà của em kể từ khi hai tuổi.
Jenny được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và hiện đang phải sống trong một trại trẻ công lập dành cho người khuyết tật ở Lechaina, một thị trấn ở phía nam Hy Lạp. Em sống cùng với 60 trẻ khác, trong đó có nhiều em hiện đang bị nhốt trong những lồng gỗ.
Một chiếc lồng gỗ trong trại trẻ ở Hy Lạp.
Fotis, một thanh niên khoảng 20 tuổi, mắc hội chứng Down. Em phải ngủ trong một buồng nhỏ tách biệt với người khác qua những thanh gỗ cao đến trần nhà còn cửa thì bị khóa trái. Căn phòng chỉ có một chiếc giường đơn và không hề có bất kỳ vật dụng cá nhân nào.
“Chúng ta sắp ra ngoài chơi ạ?” – Đó là câu hỏi của cậu thanh niên mỗi khi nào thấy người lạ. Nhưng với một trung tâm chỉ có 6 nhân viên quản lý 65 trẻ thì việc ra khỏi trung tâm gần như là không thể.
Trong một căn phòng nhỏ khác dành cho nhân viên, một chiếc ti vi với màn hình nhấp nháy cùng một bảng điều khiển chỉ có chức năng duy nhất là điều chỉnh các phòng gỗ ở bên trên. Tình trạng thiếu thốn này đã được chú ý từ 5 năm trước.
Nhiều tình nguyện viên đã sốc khi tới thăm trung tâm, họ chia sẻ những trải nghiệm, viết những báo cáo, tài liệu gửi đến các chính trị gia, các quan chức ở EU và tất cả tổ chức về quyền con người, quyền dành cho người khuyết tật mà họ biết.
Một y tá vừa về hưu kể lại: “Trong một ca trực đêm, tôi thường ở với ba phụ tá, thậm chí còn không đủ trình độ làm y tá và phải để ý 60 trẻ em. Nếu như có vấn đề y tế xảy ra với các em thì cũng chẳng ai có thể giúp được. Chúng tôi xây những cái lồng để các em tự do hơn. Trước kia, thậm chí chúng tôi còn phải buộc chân tay các cháu vào những góc giường”.
Giám đốc mới của trung tâm, Gina Tsoukala, người không được trả lương gần một năm nay, nói rằng cô không thể bỏ việc vì cô cảm thấy “nợ” những em nhỏ ở đây: “Rõ ràng, chúng ta không nên có những cái lồng ở đây. Nhưng chúng tôi không thể quản lý hết các em mà không có lồng vì chúng tôi có quá ít nhân viên. Một số em có xu hướng tự hại bản thân hoặc gây gổ. Vì vậy, theo lời khuyên của bác sĩ, chúng tôi phải phân vùng bằng gỗ. Tuy nhiên, các em vẫn tự do giao tiếp và có tương tác với nhau theo một mức độ nào đó”.
Những đứa trẻ chỉ được ăn qua song sắt.
Đến giờ ăn trưa, các em được ăn bên trong lồng, thức ăn được đưa qua song sắt. Trong một ca trực, y tá và trợ lý phải thay tã cho 20 trẻ, cho chúng ăn bằng thìa và cho trẻ uống thuốc. Nguồn lực cho trung tâm đã cạn kiệt và mọi người không thể làm khác. Các nhân viên không đủ thời gian để có thể hỗ trợ tinh thần cho các em.
Tuy nhiên, những chiếc lồng vẫn bị lên án kịch liệt vì cho rằng nó xâm phạm nhân quyền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các em và thậm chí là gây nguy hiểm cho thể chất.
Người đứng đầu Hiệp hội gia đình và người khuyết tật ở quận llia, ông Ioannis Papadatos còn ngỏ ý muốn chia sẻ văn phòng rộng của ông cho người khuyết tật. Văn phòng đầy đủ tiện nghi như hồ bơi, các khu cách ly, vật lý trị liệu… đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hiện Hy Lạp thậm chí còn không có tiền để thuê nhân viên cho nhà khuyết tật này.
Khủng hoảng kinh tế đã khiến cho Hy Lạp phải dè sẻn chi tiêu. Thậm chí, hiện Hy Lạp còn không thể mở rộng biên chế nhằm đáp ứng yêu cầu của EU và IMF.
Theo BBC