Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol

HICCUP,
Chia sẻ

Người dân Hàn Quốc cũng như thế giới đều cầu nguyện rằng thi thể của 9 nạn nhân xấu số sẽ được tìm thấy bên trong xác phà vừa được trục vớt, để họ có thể trở về bên vòng tay gia đình.

Những ngày vừa qua, tin tức về sự kiện trục vớt phà Sewol tràn ngập trên mọi mặt báo tại xứ sở Kim chi. Bên cạnh những thước phim, hình ảnh và thông tin cập nhật liên tục về diễn biến của công cuộc trục vớt, người ta còn thấy bóng dáng những ông bố, bà mẹ túc trực theo dõi gần hiện trường, khóc nấc tới dường như không thể đứng vững.

Đó là người thân của 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy thi thể sau tai nạn chìm phà. 9 nạn nhân xấu số này bao gồm 4 học sinh và 2 thầy giáo của trường trung học Danwon, một cặp bố con - trong đó cậu bé mới ở tuổi lên 6 khi gặp nạn, và một người phụ nữ trung niên. Những con người đã phải nằm lại dưới lòng biển sâu suốt nhiều năm nay, họ đọng lại như thế nào trong ký ức của những người thương yêu?

Go Chang Suk – thầy giáo trường trung học Danwon

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 1.

Thầy Go Chang Suk, 40 tuổi, là thầy giáo thể dục tại trường trung học Danwon. Trong ký ức của vợ mình, thầy Go là một giáo viên mẫu mực, một người chồng tình cảm và một người cha hào phóng đối với 2 cậu con trai.

Khi thảm họa chìm phà xảy ra, ở giây phút lằn ranh giữa sự sống và cái chết, thầy Go Chang Suk đã hy sinh thân mình để cứu lấy các em học sinh. Theo lời kể của các học sinh may mắn sống sót sau thảm họa, thầy Go đã nhường phao cứu sinh cho học trò của mình. Ngay cả khi nước đã ngập tới cằm, người thầy mẫu mực vẫn chỉ tập trung vào việc tìm cách giúp các học sinh thoát được khỏi chiếc phà đang chìm mỗi lúc một sâu.

"Mặc áo phao vào và tìm cách thoát ra nào" – đó là những lời cuối cùng mà các học sinh trường Danwon được nghe từ người thầy đã quyết định nằm lại nơi đáy biển sâu để đám trẻ được sống sót.

Yang Seung Jin – thầy giáo trường trung học Danwon

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 2.

Thầy Yang Seung Jin đã theo nghề giáo suốt 30 năm, và là thầy giáo dạy môn Xã hội công dân tại trường trung học Danwon. Trong khi nhiều người tìm cách tháo chạy khỏi chiếc phà đang chìm dần, thì thầy Yang Seung Jin, 57 tuổi, lại từ chối mặc áo phao và liên tục tìm tới những ngõ ngách lẩn khuất nhất ở các tầng dưới của chiếc phà để tìm cách giải cứu các em học sinh.

Qua lời kể đầy kính trọng của các học sinh, thầy là một người vô cùng tâm huyết đối với ngôi trường này, tới mức tự tay thầy đã trồng và chăm sóc rất nhiều cây cảnh ở ngọn núi phía sau trường. Còn đối với bà Yoo Baek Hyung, vợ cùa thầy Yang, chồng mình đã từng là người đàn ông vô cùng ngọt ngào và ấm áp.

Jo Eun Hwa – nữ sinh trường trung học Danwon

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 3.

Hôn mẹ mỗi buổi sáng ngay sau khi thức dậy, và mỗi ngày đều không ngừng gửi tin nhắn để mẹ có cảm giác mình luôn gần bên – Jo Eun Hwa đã là một cô con gái ngọt ngào và tình cảm như thế.

Qua lời kể của mẹ nữ sinh, cô Lee Geum Hee, Eun Hwa là một cô bé già dặn và trưởng thành, luôn nghĩ tới mẹ và gia đình trước cả bản thân mình. Trước khi quyết định tham gia vào chuyến đi dã ngoại định mệnh trên con phà Sewol, cô bé đã suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy có lỗi với gia đình vì chi phí cho chuyến đi khá đắt đỏ.

Không chỉ là người con hiếu thảo, Jo Eun Hwa còn khiến mẹ vô cùng tư hào vì nổi tiếng học giỏi ở trường. Cô bé rất thích học, đặc biệt là môn Toán, và luôn ấp ủ ước mơ vượt qua kỳ thi công chức để trở thành một kế toán.

Cô bé Eun Hwa, người vẫn luôn nhắn tin cho mẹ nhiều lần trong ngày chỉ để kể về những chuyện vui nhỏ bé và đơn giản nhất, đã không bao giờ có thể trò chuyện với mẹ được nữa.

Heo Da Yoon – nữ sinh trường trung học Danwon

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 4.

Heo Da Yoon cũng là một cô con gái hiếu thảo. Vì luôn lo lắng cho người mẹ mắc bệnh u sợi thần kinh, Da Yoon chưa bao giờ xin tiền tiêu vặt hay làm nũng cha mẹ mua bất kỳ thứ gì.

Da Yoon ước mơ trở thành một cô giáo mầm non. Cô bé luôn dành thời gian để làm tình nguyện ở trường mầm non vào các kỳ nghỉ, và luôn coi đó là một niềm vui chứ không phải công việc.

Cô Park Eun Mi, mẹ của Da Yoon nghẹn ngào khi nhớ lại: "Ngay trước chuyến đi, Da Yoon đã hỏi mượn một chiếc mũ đen của bố. Sau này, người ta đã tìm thấy chiếc mũ này cùng với quần áo và giày của con bé, ngoại trừ thi thể". Kể từ sau sự ra đi của con gái, nỗi đau tột cùng đã khiến bà Park gặp nhiều sang chấn tâm lý, dẫn tới mất hoàn toàn thính lực của 1 bên tai.

Nam Hyun Chul – nam sinh trường trung học Danwon

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 5.

Hyun Chul là con một trong gia đình, bởi vậy nên cái chết của cậu càng khiến cho cha mẹ đau đớn khôn nguôi. Qua lời kể của cha cậu, ông Nam Kyung Won, Hyun Chul có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc. Đó cũng là lý do bố mẹ cậu đã để lại chiếc ghi ta mà Hyun Chul từng nâng niu tại bến cảng Paengmok – cảng gần nhất với địa điểm nơi con phà Sewol chìm xuống, cũng là điểm tập kết thi thể của các nạn nhân khi thực hiện công tác cứu hộ sau thảm họa.

"Con trai, cha mẹ sẽ luôn bên con trong suốt phần đời còn lại" – đó là dòng chữ được viết trên chiếc đàn ghi ta ấy.

Park Young In – nam sinh trường trung học Danwon

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 6.

Park Young In là một câu bé năng động và yêu thích thể thao, và luôn ấp ủ ước mơ trở thành một vận động viên. Không chỉ vậy, Young In còn là một cậu bé tính tình vui vẻ, gần gũi với cha mẹ. Qua lời kể của mẹ Young In, khác với nhiều bạn bè đồng trang lứa, cậu luôn sẵn sàng làm việc nhà và rất thích đi du lịch cùng cả gia đình.

Chỉ ít ngày trước chuyến đi, Young In đã xin mẹ được mua một đôi giày đá bóng, nhưng bà chưa có cơ hội làm điều đó. Sau tai nạn chìm phà thảm khốc, người mẹ đã mua một đôi giày mới và kiên nhẫn chờ đợi tại cảng Paengmok, mong rằng cậu con trai sẽ trở về trong đoàn người sống sót. Nhưng tất cả những gì về Young In được tìm thấy chỉ là chiếc ba lô với bộ đồ thể thao của cậu trong đó.

Hai bố con Kwon Jae Geun – Kwon Hyuk Kyu

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 7.

Gia đình 4 người nhà họ Kwon đã lên chuyến phà Sewol với dự định bắt đầu một cuộc sống mới tại đảo Jeju. Tuy nhiên, ngoại trừ cô con gái út có tên Ji Yeon, cả gia đình đã không bao giờ trở về.

Nhiều người đã không kìm được nước mắt cũng như hết sức cảm phục khi biết rằng, cậu bé Kwon Hyuk Kyu, khi ấy mới 6 tuổi, đã gan dạ nhường áo phao của mình cho em gái Ji Yeon và không ngừng trấn an cô bé rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Khoác trên mình chiếc áo phao của người anh trai dũng cảm phi thường, bé Ji Yeon đã được giải cứu và may mắn sống sót.

Thi thể của mẹ hai bé – một người phụ nữ gốc Việt – đã được tìm thấy 8 ngày sau vụ tai nạn. Nhưng anh hùng nhỏ bé Kwon Hyuk Kyu đã phải nằm lại dưới đáy biển sâu lạnh giá cùng bố mình suốt gần 3 năm qua.

Hành khách Lee Young Suk

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 8.

Cô Lee Young Suk, 53 tuổi, là một người phụ nữ vất vả. Chồng mất sớm, cô phải gửi con trai lại cho nhà nội để đi làm kiếm kế sinh nhai. Đối với người mẹ ở tuổi trung niên, ước mơ lớn nhất của cô là có thể sớm được sống với con trai của mình.

Cô Young Suk bước chân lên chuyến phà Sewol định mệnh để tới Jeju tìm việc làm. Cô và con trai, lúc này đã bước sang tuổi 30, đã hứa với nhau rằng sẽ cùng dọn tới Jeju sinh sống vào năm 2015. Thế nhưng, ngày đoàn tụ ấy đã không bao giờ đến.

Con trai của bà Young Suk từng có những chia sẻ xúc động với báo chí: "Tôi nghĩ rằng thi thể của mẹ không được tìm thấy là bởi bà không muốn tôi phải nhìn thấy bộ dạng đó của mình. Tôi nghĩ bà muốn tôi chỉ lưu giữ hình bóng và ký ức đẹp đẽ nhất về bà mà thôi".

"Thế nhưng mẹ ơi, con vẫn sẽ chờ đợi tới cùng. Bởi vì mẹ là người đau đớn, vất vả nhất cơ mà" – anh nhắn gửi.

Câu chuyện buồn về 9 nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy trong thảm kịch chìm phà Sewol - Ảnh 9.

Các gia đình nạn nhân không giấu nổi đau buồn. Họ vẫn ngày đêm túc trực để chờ được đón người thân, dù lúc này đã thành tro bụi…

Trong ký ức của gia đình, họ là những người con, người mẹ, người chồng tuyệt vời. Thậm chí, ở những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, nhiều người trong số các nạn nhân đã can đảm hy sinh thân mình, chấp nhận ở lại dưới lòng biển tối tăm để những học sinh, bạn bè của mình được nhìn thấy ánh sáng.

Giờ đây, khi chiếc phà Sewol đã được trục vớt thành công, người dân Hàn Quốc cũng như thế giới đều cầu nguyện rằng thi thể của 9 nạn nhân xấu số sẽ được tìm thấy bên trong chiếc phà oan nghiệt, để họ có thể an nghỉ trong vòng tay gia đình.

Chia sẻ