Cặp vợ chồng tàn tật và hành trình 5 năm "khát con": "Người ta nói người lành còn chẳng đẻ được nói gì đến nó" 

ĐỖ ĐỖ,
Chia sẻ

Mong muốn có một tổ ấm đủ đầy, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười trẻ thơ không phải là một ước mơ quá xa xỉ với nhiều người. Tuy nhiên, điều đó thật sự khó khăn với những người tàn tật như anh Năm và chị Hà.

Dù không thể đi lại xong vợ chồng anh Lê Văn Năm (sinh năm 1984) và chị Trương Thị Hà (1978), trú tại Nông Cống, Thanh Hóa vẫn không quản ngại đường xa ra Hà Nội để tham dự buổi lễ kỷ niệm 7 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản và Hội thảo tổng kết "Tuần lễ Vàng Ươm mầm hạnh phúc 2019" do Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức.

Đi cùng anh chị là cậu con trai nhỏ 2 tuổi Lê Trương An Phúc, cậu bé không chỉ là kết tinh của tình yêu mà còn là tài sản quý giá mà anh chị đã may mắn có được nhờ thụ tinh trong ống nghiệm.

1 copy 8

Cơ thể không khỏe mạnh, đến với nhau lại gặp sự ái ngại, ngăn cản của gia đình, bạn bè

Kể về cuộc đời vợ chồng mình, anh Năm nhớ lại: "Anh sinh ra cũng khỏe mạnh bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa, nhưng đến năm 19 tuổi anh bất ngờ bị tai nạn dẫn đến chấn thương cột sống, liệt tủy nên phải ngồi xe lăn suốt đời. Còn vợ anh thì bị sốt năm 1 tuổi và để lại di chứng bại liệt".

Hai vợ chồng anh Năm gặp nhau khi cả 2 cùng ra Hà Nội. Vì hoàn cảnh 2 người đều không thể tự đi lại, hơn nữa chị lại hơn anh 6 tuổi nên khi anh chị muốn đến bên nhau đã phải đối mặt với rất nhiều sự ái ngại và ngăn cản của phía gia đình, bạn bè.

1 copy 9

Ngay cả chuyện con cái cũng bị gièm pha: "Người lành còn chẳng làm được nói chi đến bọn nó"

Sau khi cưới, vợ chồng anh Năm đi khám thì được biết anh không thể sinh con tự nhiên, muốn có con bắt buộc phải thực hiện qua phương pháp thụ tinh qua ống nghiệm. Vợ chồng anh quyết định tìm đến bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để tìm cách sinh con.

Nhớ lại quãng thời gian 5 năm di chuyển từ Thanh Hóa ra Hà Nội liên tục, vợ chồng anh Năm kể: "Tốn kém là 1 phần mà cái khó là sợ không được vì cả 2 vợ chồng đều tàn tật, đi lại rồi sinh hoạt, kinh tế đều rất nhiều khó khăn, thậm chí có những đợt 2 vợ chồng anh phải ở ngoài Hà Nội đến nửa tháng".

1 copy 10

Mệt mỏi, tốn kém chưa phải là tất cả, không ít lần vợ chồng chị phải rơi nước mắt khi đối mặt với sự khuyên ngăn của gia đình, bạn bè hay những lời gièm pha ác ý từ xã hội. Chị Hà kể: "Nhiều người bảo rằng nó cho làm cho hay chứ làm sao mà đẻ được con, người lành còn chẳng làm được nói chi đến bọn nó".

Những câu nói ác ý như thế không ít lần khiến vợ chồng chị tổn thương đến rơi nước mắt, thế nhưng 2 anh chị vẫn bỏ ngoài tai, vẫn quyết tâm tin tưởng vào khoa học để chứng minh những gì mình làm là đúng.

Lần đầu tiên đến viện, sau thời gian điều trị theo phác đồ của bác sĩ, hai anh chị đã thành công và được 5 phôi. Tuy nhiên, do còn thiếu kinh nghiệm nên đã thất bại. Chị Hà nhớ lại: "Sau lần đầu tiên không thành công, chị nản lắm, chị đuối vì mình đã đặt hết hy vọng rồi. Tuy nhiên, cả hai vẫn quyết định đến viện làm lần thứ 2, lần này may mắn được 10 phôi, chị để dành 2 phôi tốt vì nghĩ rằng nếu không thành công thì sẽ nhờ người mang thai hộ".

1 copy 11

Niềm hy vọng cũng đến lúc được đền đáp

May mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng tàn tật, hiếm muộn "khát con". Sau 15 ngày đặt phôi, chị được bác sĩ thông báo có thai và cả hai vợ chồng đã ôm nhau khóc.

36 tuần là chuỗi ngày mang thai đầy khó nhọc và stress với chị Hà. Mang thai khiến chị bị vẹo cột sống, không di chuyển được, trừ lúc đi vệ sinh và ăn uống thì chị chỉ nằm một chỗ. Trong thời gian bầu bí chị hay bị dọa sẩy, đến tháng thứ 5,6 lại bị dọa đẻ non. Đến giờ nghĩ lại chị cũng không hiểu sao mình có thể vượt qua được những khó khăn ấy, chắc có lẽ vì tình yêu dành cho con quá lớn.

1 copy 12

"Nhờ sự quan tâm của bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ Hiền – trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản của bệnh viện đã giúp đỡ và cho vợ chồng chị vượt qua gian nan thử thách. Lần thứ nhất đến viện, giám đốc Hiếu đã hỗ trợ toàn bộ chi phí. Đến lần thứ 2, bác sĩ Hiền cũng luôn tìm cơ hội để giảm chi phí cho gia đình chị. Thực sự gia đình chị rất biết ơn các bác sĩ, nếu không được bệnh viện giúp đỡ thì chắc chắn bọn chị không thể hoàn thành ước muốn có con", chị Hà xúc động nói.

Sau nhiều năm chờ đợi, ngày 1/5/2017 bé An Phúc, con trai của bố Năm, mẹ Hà đã cất tiếng khóc chào đời ở tuần thai thứ 36 với cân nặng 2,6kg, sinh tại bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa. Nụ cười của gia đình còn chưa kịp nở thì đã phải đón nhận 2 tin sét đánh: Chị Hà bị xẹp phổi sau khi sinh con gây nguy hiểm đến tính mạng, còn bé An Phúc bẩm sinh đã không có hậu môn.

1 copy 13

Sau 3 ngày nằm viện, sức khỏe chị Hà đã ổn định còn bé Phúc, sau khi trải qua 3 lần phẫu thuật cũng đã khỏe mạnh bình thường nhưng cần có chế độ ăn uống và chăm sóc đặc biệt.

Khi được hỏi có muốn ước điều gì cho con không, chị Hà chỉ ước sau này con sẽ thành một người tốt, hiểu biết, mạnh mẽ và quan trọng là bình an – hạnh phúc như bao người bình thường khác, đúng với cái tên "An Phúc" mà bố mẹ đã đặt!

Chia sẻ