Cặp vợ chồng già tìm về núi rừng để dưỡng già và cơ duyên mở đường du lịch tâm linh ở Thất Sơn
Giữa trùng điệp của núi non miền biên thuỳ, hai con người tuổi trung niên gây dựng nên một nếp sống mới.
“Nói thẳng ra thì thì du lịch tâm linh theo kiểu của tôi nghèo lắm”, đó là câu nói của bà Nguyễn Thị Hòa Liên (68 tuổi) - "bà chủ" núi Ông Két khi nhắc về khoảng thời gian những năm đầu 2000 khi bà Liên trở thành chủ của núi Ông Két.
Cứ ba tháng, bà Liên xuống núi một lần, hoặc chỉ khi có việc đột xuất phải do đích thân bà xử lý, người ở dưới núi mới được gặp bà, nhưng cũng chỉ mỗi tháng 1 lần. Trong bộ đồ bộ bằng vải lụa, lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ có phần tháo vát hơn những người cùng độ tuổi 68. Chúng tôi gặp bà Liên dưới chân núi Ông Két và bắt đầu câu chuyện của người chi hàng chục tỷ mua núi để… bảo tồn.
Bà Liên nhớ rõ “ngày 9 tháng Giêng năm 2000” là ngày bà cùng chồng lên sống ở trên đỉnh núi Ông Két.
Sức sống mãnh liệt của núi rừng ở vùng biên viễn như bất chấp những năm tháng nhọc nhằn của người mở cõi, nào đất, nào gió được điều hòa đến khó tin. Một căn nhà được dựng bằng gỗ đơn sơ, chẳng có bê tông cốt thép nào siết nổi đôi vợ chồng tuổi ngoài 60 này khi thứ họ tìm kiếm là một sự bình an từ trong tâm khảm, vượt lên trên sự thỏa mãn sung túc về vật chất.
Căn nhà giản dị nằm trên đỉnh núi của ông bà chủ Núi Két
“Ngày 9 tháng Giêng năm 2000 đến nay là 22 năm. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ lên đây sửa sang lại xây cái chỗ để tu thôi sau đó dần dần có người họ cũng lên tham quan, ông nhà tôi nói với tôi “thôi thì mình xây đi”, vợ chồng tôi sau đó cũng quyết định xây.”
Sau nhiều năm bôn ba tứ xứ, từ làm thuê đến làm chủ, trong tay đủ thứ nghề, nhưng vợ chồng bà Liên vẫn quyết định tìm về chốn này. Cơ duyên bất chợt đến, được lãnh đạo tỉnh tin tưởng khoán cho đất núi Két để làm du lịch với yêu cầu “phải bảo tồn rừng”. Nghĩ là làm, có sẵn một số vốn, vợ chồng bà quyết định vay thêm ngân hàng vài tỷ rồi cả hai bắt tay vào xây dựng từng chút một.
Năm 2004 khu du lịch Núi Ông Két chính thức được cấp phép hoạt động lấy tên là Khu du lịch Núi Két và trở thành khu du lịch có mặt sớm nhất ở vùng Thất Sơn.
“Chồng tôi gắn bó với nơi này lâu hơn tôi, ông ấy làm từ nghề gánh thuê đến làm chủ, sau đó khi nuôi ý định sống trên này mới có chuyện xây khu du lịch Núi Két”.
Trong sự trùng điệp của núi non miền biên thuỳ, hai con người tuổi trung niên bỏ đồng bằng để gây dựng nên một nếp sống mới. Vào những năm 2004 - 2005, một điểm đến chứa đầy đủ những mặt giá trị về mặt tinh thần đã “trình làng” với du khách thập phương.
Trải dài từ chân núi đến đỉnh núi là các điện thờ mang theo những di tích của nơi rừng thiêng nước đọng. Đến thời điểm hiện tại, khu du lịch Núi Két của ông có 23 điện thờ từ Phật pháp đến đạo pháp tâm linh như: điện Chư vị Năm non bảy núi, điện Phật bà Quan âm Nam Hải, điện Phật Vương, điện thờ chiến sĩ cách mạng, điện A Di Đà, điện Chư thần, điện Thầy Bửu Sơn, điện Lê Sơn Thánh mẫu, điện Ngọc Hoàng thượng đế, dinh Cửu thiên Huyền nữ, điện Cử Đa, điện Phật mẫu, điện Ngũ hành, điện U minh…
Phía sau mỏ ông Két là điện thờ chư vị Năm Non Bảy Núi, là nơi thờ những bậc tiền hiền đã có công khai mở vùng Bảy Núi.
Bà Liên vẫn từ tốn: “Nói du lịch người ta cười chứ chẳng có gì ngoài núi, đất đá, rừng. Du lịch người ta phải có đường xa trải nhựa, cáp treo, dịch vụ túc trực còn du lịch như kiểu vợ chồng tôi làm vẫn nghèo lắm”.
Trong sự bất ngờ của những người ngoài cuộc, bà chủ núi Két tiếp lời lý giải khi nhắc đến cụm từ “du lịch tâm linh nghèo".
Núi Két dù không phải là ngọn núi cao nhất nhưng trên đỉnh núi người ta vẫn có thể nhìn thấy mái đỏ cao hơn núi, những người sống tại đây không thể nói rằng họ là những người di cư khỏi phố xá ồn ào nhưng có thể chắc chắn rằng ở chỗ của họ - ngay trên đỉnh Núi Két này là nơi những lời than thở bốc lên thành hơi, để lại một cuộc sống bình dị đúng nghĩa.
Vợ chồng bà Liên có tất thảy 4 người con, không giống như bà và chồng sống ở đỉnh núi, cả 4 người này đều có cuộc sống, công việc kinh doanh riêng ở cách chân núi không xa.
Công việc nội bộ liên quan đến việc phát triển khu du lịch sau này bà đều gửi gắm các con quán xuyến, từ xây dựng trang web, chụp ảnh quảng bá, truyền thông…
Cung đường dẫn lên các điện thờ đều có những hòn đá to, bên trên khắc những lời dạy của Đức Tôn Sư
Riêng việc dọn dẹp 23 điện thờ, vợ chồng bà Liên cũng đã giao lại cho những người làm công quả quán xuyến. Hằng ngày công việc của họ là dọn dẹp, đón tiếp và hướng dẫn khách hành hương.
“Từ dưới chân lên trên đỉnh độ khoảng 20 người. Họ xin ở lại làm công quả, lau dọn miếu thờ. Ở đây ăn uống tôi nuôi, tôi cho một người 50.000 đồng/ngày. Nhưng chúng tôi ăn đơn giản lắm, chẳng có gì cả, thuần chay nguyên bản. Ví dụ như cơm trắng ăn với chút ít nước tương, còn không thì là mì chay, rau củ”, bà Liên nói rồi nở một nụ cười đầy sức sống, đầy niềm tin.
Từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2, số người trông nom các điện này cũng đã giảm xuống. Bà Liên kể, những người xin đến đây thường là những người phát tâm tu học, họ muốn tìm một chốn nương náu cho thân tâm.
Một số nhân công bà Liên và chồng thuê về với một mức lương cố định hẳn hoi, nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch, khu du lịch đóng cửa một thời gian dài, công việc của họ cũng bớt dần.
Một phần sân trên đỉnh Núi Két
Giá vé lên tham quan Núi Két là 20.000 đồng/người. Bà Liên cho rằng mức giá này giống như “một sự khích lệ”, vì thực chất, những gì vợ chồng bà làm đã vượt ra ngoài sự ước lượng về vật chất.
“Tôi đang cho lắp thêm đèn năng lượng mặt trời để người trong nhà có đi buổi tối cũng an toàn, dọc đường lên cứ cách một chút là sẽ có chỗ nghỉ mệt, nếu khát nước trên đó có bán nước, đói bụng cũng có mì gói nhưng có điều là đồ chay hết nghen”, bà Liên nói.
Để đi bộ hơn 2km từ chân núi lên đỉnh núi, chúng tôi mất khoảng 30 phút, đá trải đều suốt đoạn đường đi, thang vịn bằng sắt được sơn xanh nổi bật, dẫn người hành hương đến đỉnh an toàn, cách vài chục mét là đến một điện thờ, mỗi điện thờ đều có người gác. Vợ chồng bà Liên còn tinh tế đến độ cứ cách 10 - 20 bậc đá sẽ có một thùng rác nhỏ xinh, xen kẽ là những bóng đèn năng lượng mặt trời. Ngoài ra không thiếu những biển chỉ dẫn, những ngọn đá cỡ đại đầy uy nghiêm bên trên trên đó được khắc những lời sấm giảng của Đức Tôn Sư.
Núi Két nên thơ bởi cảnh vật xung quanh
"Trước dịch có người ngỏ lời mua đất, làm du lịch ở đây, sau khi thương lượng với con gái tôi, họ chốt nhưng do dịch giã nên họ không mua nữa", bà Liên bộc bạch khi chúng tôi ngỏ ý hỏi về những kế hoạch tương lai của Khu du lịch Núi Két.
Hơn 20 năm từ khi còn hoang vu, khu du lịch Núi Két chính là tất cả tâm huyết của bà Liên và chồng nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên bà Liên đề cập với truyền thông chuyện nhượng lại núi Két.
Mặc dù, là một trong 7 ngọn núi nằm trong dãy Thất Sơn, mang theo nhiều giai thoại về người đi mở cõi nhưng Khu du lịch Núi Két vẫn phát triển khiêm tốn ở địa phương. Bà Liên không ngại thừa nhận những mặt hạn chế của khu du lịch "nhà":
"Người ta không biết đến để mình có cơ hội làm được khang trang hơn một tí. Tôi có sao nói vậy, hiện giờ tuổi cũng đã cao, nhiều năm liền ông Sơn chồng tôi thay van tim, bây giờ ổng cũng đã yếu, nói chuyện chẳng thành hơi, khách ở đây sau dịch không đông đúc tấp nập như ngày trước nhưng vẫn có khách, nếu ai muốn phát triển nơi này tôi sẵn sàng chào đón", bà Liên tâm sự.
Mất khoảng 30 - 45 phút để đi bộ từ chân núi lên đỉnh núi
So với những núi khác trong dãy Thất Sơn, núi Ông Két còn giữ được nhiều nét nguyên sơ thiên tạo từ những cái hang, những cây rừng già có cây tuổi ngót nghét trăm năm. Sự đầu tư có giới hạn của bà Liên và chồng đôi khi cũng là cơ hội giúp khách đến đây hành hương được tiếp cận với những điển tích một cách gần gũi nhất.