Cặp vợ chồng cải tạo lại ngôi nhà cổ để có thế sống mà không cần bật điều hòa trong suốt 17 năm
Mặc dù đã sống ở đây được 17 năm nhưng cặp vợ chồng này cho biết, căn nhà dường như không phải sửa chữa gì nhiều.
Chủ nhân của căn nhà rộng 80m2 này tên là Sherry ở Thượng Hải. Hiện tại, vợ chồng Sherry đang ở cùng 3 người con. Điều đặc biệt ở chỗ, ngôi nhà này có nhiệt độ chỉ khoảng 20 độ C quanh năm nên họ không bao giờ phải dùng tới điều hòa.
01.
Sherry và chồng Raefer (người gốc Canada) đã ở Thượng Hải được 21 năm. Kể từ khi chuyển đến ngôi nhà cổ rộng 80m2 này vào tháng 12 năm 2007, cả 2 chưa từng phải tiến hành thêm cuộc sửa chữa hay cải tạo lớn nào. Bởi vì cặp đôi đều học kiến trúc nên khi tu sửa lần 1, họ đã đầu tư rất nhiều công sức vào vật liệu và kết cấu của ngôi nhà.
Căn nhà được thiết kế với rất nhiều cửa sổ lớn nhỏ.
Đầu tiên là các cửa sổ.
Tất cả các cửa sổ đã được thay thế bằng cửa sổ kính hai lớp kín hơn. Ngoài ra, căn nhà có tới 5 giếng trời được lắp đặt trên tầng cao nhất, trong phòng tắm và trong phòng ngủ của cô con gái thứ hai, giúp mang lại đủ ánh sáng tự nhiên cho toàn bộ ngôi nhà.
Thứ hai, họ cũng sử dụng các vật liệu cách nhiệt có thể mang lại khả năng cách nhiệt tương đối khỏi nhiệt độ cao, độ ẩm và lạnh.
Bằng cách này, các vấn đề nổi bật ban đầu về độ thông gió, chiếu sáng, cách nhiệt và bảo quản nhiệt trong ngôi nhà cũ đã được giải quyết. Thông thường, cả gia đình hiếm khi bật điều hòa vào mùa hè và không cần sưởi ấm vào mùa đông, nhiệt độ trong nhà thường trên 20 độ.
Các tấm pin mặt trời trên mái nhà và thiết bị lọc nước trong nhà càng làm giảm lượng điện tiêu thụ. Tính toán sơ bộ cho thấy tiền điện khi không bật điều hòa luôn dưới 100 tệ (chừng 350.000 đồng) mỗi tháng.
Sàn và đồ nội thất bằng gỗ đều được gia công từ gỗ cũ đã qua sử dụng. Nhờ vậy, giá mua sẽ thấp hơn trong khi vẫn có hình thức đẹp. Chưa kể, tất cả đều có thể tháo rời và tái sử dụng, rất thân thiện với môi trường.
Vì vậy, qua nhiều năm, mặc dù ngôi nhà đã cũ hơn một chút nhưng không có thay đổi lớn nào. Nó chỉ yêu cầu bảo trì nhỏ, chẳng hạn như đánh bóng lớp gỗ veneer, bôi sáp gỗ lên đồ nội thất và thay thế chiếc tủ lạnh đã 10 năm tuổi.
Tất nhiên, có những điều họ cũng muốn thay đổi. Trong hơn 50 ngày phong tỏa vì dịch bệnh, 5 người và 1 con mèo chen chúc trong một ngôi nhà rộng 80m2. Ba đứa trẻ phải học trực tuyến trong khi 2 vợ chồng miệt mài làm việc tại nhà đã khiến họ bị mất tập trung. Không gian mở giúp dễ dàng kết nối nhưng lại bớt đi không gian riêng tư. Theo đó, nếu tiếp tục sống ở đây lâu dài, họ sẽ cần phải xây thêm nhiều cửa hơn. Hơn nữa, khi bọn trẻ lớn lên, chúng đều cần có nơi riêng.
02.
Chồng của Sherry - KTS Raefer lớn lên ở vùng nông thôn của Canada. Đất rộng lại không có quá nhiều nhà ở đó, quang cảnh xung quanh đều là cảnh quan thiên nhiên. Sau đó, anh làm việc trong lĩnh vực kiến trúc xanh và hiện đang giúp các công ty lớn phát triển các giải pháp thiết kế nội thất có thể tái chế. Trên thực tế, cả hai vợ chồng, từ công việc đến cuộc sống, đều liên quan đến bảo vệ môi trường, tái chế và bền vững. Theo đó, ý tưởng về 1 căn nhà không gây hại tới môi trường là điều luôn nhen nhóm trong họ.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cả 2 cũng nói chuyện với bạn bè, liệu chúng ta có còn duy trì thói quen sống tương đối thân thiện với môi trường không? Ví dụ, khi đi mua đồ tạp hóa, Sherry thường mang theo túi mua sắm của riêng mình và chọn những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Có lẽ không một cá nhân, gia đình nào có thể "thân thiện với môi trường" về mọi mặt. Cả 2 vợ chồng Sherry cũng thế. Nhưng họ chọn ý thức được tác hại của môi trường và sống xanh nhất có thể.
Khi được nhiều người hỏi về lối sống bền vững mà họ đang áp dụng, Sherry nói rằng bạn cần hiểu rõ lối sống của mình, chi tiêu hàng ngày là bao nhiêu, quen mua sắm ở đâu, có bao nhiêu thời gian rảnh và sở thích của bạn là gì... Nếu quá bận rộn với công việc hàng ngày thì việc muốn ủ phân và tái chế quần áo cũ rõ ràng là khó khăn. Nhưng việc thay thế sữa tắm đóng chai bằng xà phòng, những việc nhỏ đó hoàn toàn có thể làm được, trong khi mang tới nhiều thay đổi vô hình. Nhìn chung, chúng ta có thể chuyển trọng tâm bất cứ lúc nào và tìm ra lối sống phù hợp với bản thân và gia đình. Việc cố gắng làm thế nào để giảm tải sự hoạt động của các thiết bị điện trong nhà cũng là 1 trong những việc rất nên làm nếu muốn bảo vệ môi trường, thực hành lối sống bền vững.
Sherry từng sử dụng đậu nành để làm sữa chua, ủ phân trùn quế tại nhà, hay tự làm kem dưỡng da saponin, xà phòng hữu cơ và các nhu yếu phẩm thân thiện với môi trường hàng ngày khác, đồng thời cô còn may cả quần áo cho con mình.
Nhưng với sự thay đổi của nhịp sống, những năm gần đây cô hiếm khi làm những việc này. Tuy nhiên, họ vẫn duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tránh mua đồ ăn nhanh và dử dụng nguyên liệu hữu cơ, theo mùa và là đặc trưng của địa phương.
Trong hai hoặc ba năm qua, 2 vợ chồng cũng thỉnh thoảng đưa hai con gái của mình đi tình nguyện tại các trang trại hữu cơ ở Thượng Hải. Bọn trẻ sống và ăn ở trang trại. Sherry cho rằng, cuộc sống ngày càng hiện đại cũng là lúc con người ngày càng muốn trở về với thiên nhiên.
Vậy nên, việc bảo vệ môi trường là điều cần thiết. Chúng ta hoàn toàn có thể thực hành và duy trì thói quen nhỏ nhất, từ những nhu cầu thiết yếu cơ bản hay lựa chọn thực phẩm, nhà ở và phương tiện đi lại. Sherry mong rằng, căn nhà không phải sử dụng điều hòa suốt cả năm sẽ truyền cho mọi người thêm cảm hứng về việc ý thức sống một đời sống thật "xanh".