Cập nhật dịch COVID-19: Hơn 4,3 triệu người trên thế giới mắc bệnh, Anh trở thành quốc gia có số người chết do COVID-19 cao nhất ở châu Âu
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 85.246 ca mắc COVID-19 và 5.313 ca tử vong mới, cao hơn so với hôm trước.
Bản tin lúc 6h00 ngày 13/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng nay đã 27 ngày Việt Nam không có ca mắc ở cộng đồng. Hiện có hơn 12.000 người đang cách ly chống dịch.
Diễn biến dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, căng thẳng, mỗi ngày xuất hiện hàng chục ngàn ca nhiễm mới, hàng nghìn người chết. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật sáng 13/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 4.337.536 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 292.444 ca tử vong. Đến nay, đại dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 1.596.978 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch giảm xuống còn 46.340 và 2.448.114 người đang phải điều trị tích cực.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 85.246 ca mắc bệnh và 5.313 ca tử vong mới, cao hơn so với hôm trước.
Giám đốc điều hành Liên minh châu Âu sẽ khuyến nghị vào thứ Tư rằng các hạn chế biên giới sẽ dần được dỡ bỏ và việc đi lại bị đình trệ bởi đại dịch COVID-19 được phép khởi động lại để phục hồi du lịch, một ngành công nghiệp lớn trong khối 27 quốc gia.
Ủy ban điều hành châu Âu sẽ đưa ra một loạt các khuyến nghị không ràng buộc, bao gồm các hạn chế được nhắm mục tiêu thay thế lệnh cấm chung đối với việc đi lại và kiểm tra biên giới nội bộ từ từ được dỡ bỏ khi tình hình sức khỏe được cải thiện.
Nhìn chung, dịch COVID-19 đang có xu thế "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Mỹ tiếp tục là ổ dịch nghiêm trọng nhất thế giới
Ngày 12/5, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về cả số ca bệnh COVID-19, với 1.408.548 ca (tăng 22.714 ca trong 24 giờ qua) lẫn số ca tử vong, 83.418 ca (tăng 1.623 ca). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC) nhận định rằng số ca tử vong thực tế do mắc COVID-19 tại "tâm dịch" là thành phố New York cao hơn tới 5.300 ca so với thống kê chính thức.
Trong một buổi họp báo Thống đốc Andrew Cuomo bày tỏ quan ngại về căn bệnh có tên gọi Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (pediatric multisystem inflammatory syndrome) được phát hiện xảy ra đối với trẻ em và hiện 3 em đã tử vong. Trong số những trẻ em nhiễm bệnh trên, có tới 52 em sống ở thành phố New York, chưa bao gồm 10 em khác đang được chẩn đoán.
Brazil ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao kỷ lục trong ngày
Brazil là quốc gia lớn nhất Mỹ la tinh cũng là đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 trong khu vực đang là một trong những điểm nóng COVID-19 mới nổi của thế giới. Ngày 12/5, Brazil có 8.459 trường hợp mới được xác nhận và 779 trường hợp tử vong. Tính tới thời điểm hiện tại, Brazil đã có 177.602 người mắc bệnh và tổng số tử vong là 12.404 người.
Báo cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết đây là số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi đầu tháng 3. Với số ca mắc COVID-19 mới, Brazil cũng vượt qua Đức trở thành nước có số người nhiễm bệnh cao thứ 7 trên thế giới.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, một số thành phố lớn như Manaus và Rio de Janeiro đã bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải trong mạng lưới các bệnh viện và cơ sở y tế công do số lượng bệnh nhân liên tục tăng mạnh trong thời gian qua.
Canada: Số ca tử vong do COVID-19 vượt qua 5.000
Số người chết vì COVID-19 ở Canada đã vượt qua mốc 5.000 vào thứ Ba và Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng cần phải có biện pháp cải cách lớn đối với nhà ở của người cao niên, nơi có hơn 80% nạn nhân sinh sống. Các viện dưỡng lão ở Ontario và Quebec - hai tỉnh đông dân nhất - đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Cơ quan y tế công cộng cho biết số người chết tăng 2,9% lên 5.169, tăng 176 người so với thứ Hai, một trong những mức tăng nhỏ nhất hàng ngày cho đến nay. Canada là quốc gia thứ 11 ghi nhận hơn 5.000 người chết do dịch bệnh này.
Anh đã vượt qua Italy và trở thành quốc gia có số người chết do COVID-19 cao nhất ở châu Âu
Trong 24 giờ qua, nước Anh ghi nhận thêm 3.403 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 627 trường hợp tử vong mới. Sau một vài ngày dịch có xu thế hạ nhiệt, Anh đang chứng kiến dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng mạnh. Nước Anh đã vượt qua Italy cả về số người mắc bệnh lẫn tử vong, trở thành nước có số người dương tính với SARS-CoV-2 cao thứ 4 thế giới, có số ca tử vong cao thứ hai, sau Mỹ và là nước đứng đầu châu Âu. Cho tới hiện tại, nước Anh ghi nhận 226.463 người mắc bệnh và 32.692 người đã thiệt mạng.
Dữ liệu được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Johnson vạch ra một kế hoạch dần dần để đưa Anh trở lại hoạt động bình thường, bao gồm cả lời khuyến cáo về việc đeo khẩu trang tại nhà.
Nga đã trở thành quốc gia đứng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Tây Ban Nha, về số ca mắc COVID-19
Nga vẫn là nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới trong vòng 24 giờ qua, chỉ đứng sau Mỹ. Trong 24 giờ qua, nước Nga ghi nhận thêm 10.899 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 107 trường hợp tử vong mới. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Nga là 232.243, tổng số người tử vong là 2.116 người, với 43.512 người đã bình phục.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Ba, ông đã thử nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh đường hô hấp cấp COVID-19. Peskov là quan chức cấp cao thứ 5 dương tính với virus này. Ông cho biết lần cuối ông gặp trực tiếp ông Putin là hơn một tháng trước, hãng tin TASS đưa tin. Tatyana Navka, vợ của Peskov, nói trên Instagram rằng cô cũng bị nhiễm virus.
Tây Ban Nha sẽ cách ly 2 tuần đối với khách du lịch nước ngoài
Kể từ thứ Sáu này, trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, Tây Ban Nha đã ra lệnh cách ly 2 tuần đối với tất cả khách du lịch đến từ nước ngoài. Động thái này sẽ gây hại thêm thiệt hại cho ngành du lịch đang quay cuồng vì dịch bệnh. Theo lệnh trên, du khách đã tới Tây Ban Nha sẽ phải tiếp tục "ở trong nhà" và chỉ được ra ngoài để mua sắm nhu yếu phẩm, tới các trung tâm y tế hoặc "trong trường hợp cần thiết".
Là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất thế giới, Tây Ban Nha đã chủ yếu kiểm soát dịch COVID-19 bằng cách phong tỏa đất nước và bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong thời gian gần đây.
Rủi ro chính bây giờ nằm ở việc nhập các trường hợp mới từ nước ngoài, Điều phối viên khẩn cấp y tế Fernando Simon nói với một cuộc họp báo. Theo số liệu của trang worldometers.info, tính tới 6 giờ sáng 13/5, quốc gia nằm trên bán đảo Iberia này đã ghi nhận tổng cộng 269.520 ca mắc bệnh (tăng 1.377 so với 1 ngày trước) và 26.920 ca tử vong (tăng 176 ca so với 1 ngày trước).
Italy: Số tử vong hàng ngày do COVID-19 ổn định, số trường hợp nhiễm mới tăng lên
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết, sự gia tăng trong các trường hợp nhiễm mới một phần là do báo cáo muộn của khu vực Bologna bị ảnh hưởng nặng nề. Họ đã phát hiện ra 419 ca dương tính từ những tuần trước nhưng không báo cáo và cập nhật.
Kể từ khi vụ dịch bùng phát vào ngày 21 tháng 2, cho tới nay, tổng số người chết do COVID-19 tại Italy hiện ở mức 30.911, cao thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Anh. Trong khi đó, số lượng các trường hợp mắc bệnh được xác nhận lên tới 221.216, cao thứ 5 toàn cầu sau Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Anh và Nga.
Pháp: Vượt qua Tây Ban Nha, Pháp trở thành nước đứng thứ 4 thế giới về số ca tử vong do COVID-19
Số người chết vì Pháp do COVID-19 tăng lên 26.991 vào thứ Ba, vượt qua Tây Ban Nha và trở thành quốc gia có số người tử vong cao thứ tư thế giới sau Hoa Kỳ, Anh và Italy.
Tính đến sáng 13/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong do mắc bệnh COVID-19 là 26.991 người, tăng 348 ca trong 24 giờ qua. Hiện Pháp còn 21.595 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện (giảm 689 ca so với hôm trước), trong đó 2.542 người phải chăm sóc đặc biệt (giảm 170 ca). Bên cạnh đó, 57.785 người đã khỏi bệnh và ra viện.
Vào ngày thứ hai sau khi nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt trên toàn quốc để hạn chế sự lây lan của COVID-19, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã nhắc lại rằng họ sẵn sàng thắt chặt các hạn chế một lần nữa nếu cần thiết.
Hong Kong phát hiện một ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc
Tối 12/5, Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có thêm 1 trường hợp xét nghiệm sơ bộ xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong (CHP) cho biết, 23 ngày liên tiếp Hong Kong không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, duy trì ở con số 1.048 ca, trong đó có 4 ca tử vong. Nếu bệnh nhân mới trên có kết quả xét nghiệm lại dương tính với COVID-19, Hong Kong sẽ chấm dứt chuỗi 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Hàn Quốc thông báo tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới tăng ở mức hai con số
Với 27 ca nhiễm mới được phát hiện, tổng số ca tại Hàn Quốc đã tăng lên 10.936 ca. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 9.670 người, chiếm 88,4%. Số ca tử vong tăng 2 ca lên 258 người. Kế hoạch trở lại trường vào ngày 13/5 của học sinh Hàn Quốc khối 12 đã bị hoãn lại sau khi xuất hiện ổ dịch tại Itaewon hồi đầu tháng.
Indonesia triển khai phòng xét nghiệm COVID-19 di động tại các cửa khẩu
Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia (BNPB) đang tiến hành lắp đặt các phòng xét nghiệm di động tại các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên toàn quốc nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Indonesia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trong khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Indonesia ghi nhận 14.749 người mắc bệnh, tăng 484 người so với hôm thứ Hai và 1.007 trường hợp tử vong tăng 16 người.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/5, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 61.303 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.650 ca so với 1 ngày trước. Trong vòng 24 giờ qua, Singapore là quốc gia có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 884 ca; Philippines ghi nhận số ca tử vong cao nhất với 25 trường hợp.
Nhật Bản chấp thuận bộ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người cần xét nghiệm, ngày 13/5, chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận cho sử dụng bộ xét nghiệm có thể phát hiện kháng nguyên virus SARS-CoV-2 trong vòng từ 15-30 phút với hy vọng cải thiện hệ thống xét nghiệm của nước này trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng về một phương pháp nhanh và đơn giản hơn.
Nhà sản xuất bộ xét nghiệm mới, Fujirebio Inc cho biết có thể cung cấp 200.000 bộ/tuần và sẽ xem xét mở rộng lượng hàng sản xuất ra nếu nhu cầu tăng.
Cho đến hiện tại, Nhật Bản xác nhận có 15.968 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1.007 người đã tử vong.
Theo Reuters, Channelnews