Cao điểm dịch sốt xuất huyết: Nhiều ca nguy kịch

THANH MAI,
Chia sẻ

Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện ghi nhận hơn 93.800 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), 26 trường hợp tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc SXH vẫn tiếp tục tăng, toàn thành phố đã ghi nhận trên 15.400 ca (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Cao điểm dịch sốt xuất huyết: Nhiều ca nguy kịch - Ảnh 1.

Hiện các phương pháp điều trị sốt xuất huyết chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh.

Hết sốt mới vào giai đoạn nguy hiểm

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, Hà Nội đang là trọng điểm về SXH của miền Bắc, số ca mắc tăng cũng kéo theo số ca nặng tăng, nhiều trường hợp biến chứng nguy kịch.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 hiện đang tiếp nhận điều trị khoảng 190 ca SXH; trong đó có một số ca đặc biệt nặng, có dấu hiệu sốc xuất huyết và sốc mất máu. Điển hình là một nữ bệnh nhân nữ (46 tuổi, Hà Nội) vào viện khi mắc SXH ngày thứ 6; có tình trạng xuất huyết dưới cơ thành bụng. Bệnh nhân trong tình trạng nặng, bị sốc mất máu, suy hô hấp phải thở máy...

ThS.BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Khi mắc SXH, người bệnh có thể bị xuất huyết ở rất nhiều vị trí như chân răng, chảy máu mũi, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ… ít gặp là xuất huyết ở cơ thành bụng. Khi bệnh nhân bị xuất huyết trong cơ thành bụng là trường hợp ít gặp nhưng lại rất nguy hiểm. Do đó, khi phát hiện bệnh nhân mất máu, bác sĩ phải thăm khám kỹ để tìm vị trí xuất huyết để có hướng xử lý, điều trị phù hợp nhất.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc cảnh báo: Nhiều người bị SXH đến ngày thứ 3 thấy đỡ sốt đã chủ quan. Trong khi, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 mắc bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất, khi người bệnh sẽ có tình trạng sốc, các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu... Cụ thể, trong khoảng 4 ngày đầu mắc SXH, người bệnh thường gặp các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, nhưng chưa có những triệu chứng rầm rộ; giai đoạn này chưa phải thời điểm nặng nhất của SXH, nhưng đây là giai đoạn phát hiện và theo dõi các biến chứng. Đến giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời kỳ nguy hiểm nhất; người bệnh rất dễ rơi vào sốc, có các dấu hiệu xuất huyết, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu… ở giai đoạn này.

Theo các chuyên gia, bệnh SXH gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Về nguyên nhân tử vong gia tăng, theo TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) là do người dân còn khá chủ quan, khi hết sốt thì sang giai đoạn nguy hiểm nhưng người nhà thường bỏ qua. Bệnh nhân vào viện muộn, chuyển lên tuyến trên cũng muộn.

Để tránh những biến chứng của bệnh, bác sĩ cũng khuyến cáo, các bệnh nhân khi đã khám và phát hiện mắc SXH cần phải tuân thủ để có thể phát hiện, điều trị kịp thời, đúng thời điểm. Thực tế nhiều người bệnh, khi thấy đỡ sốt đã nghĩ khỏi bệnh hay nghĩ chỉ là do sốt virus thông thường có thể sẽ chủ quan ở giai đoạn nguy hiểm này, dẫn đến tình trạng sốc, rối loạn các chỉ số, đặc biệt là tiểu cầu giảm mới vào viện cấp cứu.

Các dấu hiệu nguy hiểm

Theo bác sĩ Vũ Minh Điền - Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp, (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), SXH  là căn bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra và có thể lây từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi đốt. Trường hợp người bệnh chỉ mắc SXH thông thường thì việc điều trị không có gì khó khăn, tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh diễn tiến thành hội chứng sốc Dengue hay còn gọi là SXH Dengue thì rất nguy hiểm. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và các phương pháp điều trị SXH chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng của bệnh.

Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 4 giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh: 3-10 ngày (có thể kéo dài đến 14 ngày), thường không có triệu chứng. Giai đoạn sốt: Người bệnh sốt cao đột ngột, liên tục, có thể có cơn rét run, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau mỏi cơ khớp và nhức hai hố mắt. Da xung huyết, thường có chấm xuất huyết dưới da, có thể có chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Người bệnh còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện lừ đừ, phù mi mắt, tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to, có thể đau, có thể có dấu hiệu của xuất huyết niêm mạc và các tạng. Giai đoạn hồi phục: Sau 24 - 48 giờ của giai đoạn nguy hiểm. Người bệnh  hết sốt, toàn trạng tốt lên, ăn ngủ khá hơn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.

Ông Khổng Minh Tuấn cũng cho biết, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Ông Tuấn cũng lưu ý nguy cơ biến chứng do SXH do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị SXH bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc SXH không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.

Bộ Y tế khuyến cáo, muỗi vằn thường trú đậu ở các  góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể bơi, chum, vại, lu, giếng nước, hốc cây, ở các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa. Do đó yêu cầu các địa phương nên chủ động phòng, chống dịch, đặc biệt là trong mùa cao điểm này. Đồng thời, tìm hiểu thêm các thông tin để có thái độ đúng đắn hơn về dịch bệnh SXH.

Chia sẻ