Chàng trai không ngủ 11 ngày để phá kỷ lục thế giới rồi nhận hậu quả khôn lường suốt 50 năm
Năm 1963, 2 chàng trai ở Mỹ nảy ra một ý tưởng cho một dự án khoa học ở trường học, nhưng dự án đó đã để lại hậu quả kéo dài hàng chục năm.
Bắt đầu ý tưởng táo bạo để phá kỷ lục thế giới
Randy Gardner và người bạn Bruce McAllister, lúc đó mới 17 tuổi, cần một ý tưởng cho dự án hội chợ khoa học. Sau khi cùng suy nghĩ, họ quyết định phá kỷ lục của người có thể thức lâu nhất thế giới. Vào thời điểm đó, kỷ lục này được nắm giữ bởi một người dẫn chương trình người Mỹ tên Peter Tripp, đã thức trong 260 giờ (gần 11 ngày). Mục đích của 2 nam sinh này là để khám phá điều gì xảy ra với não bộ nếu chúng ta không ngủ.
McAllister chia sẻ: “Kế hoạch ban đầu của chúng tôi là kiểm tra ảnh hưởng của chứng mất ngủ đối với những khả năng siêu nhiên của con người. Nhưng đó là điều bất khả thi nên chúng tôi đành đổi sang phương án khác, đó là xem xét ảnh hưởng của chứng mất ngủ đối với khả năng nhận thức, khả năng chơi bóng rổ, hay với bất kể thứ gì mà chúng tôi có thể nghĩ tới”.
Hai người đã tung đồng xu để quyết định xem ai là người phải thực hiện thử thách. May mắn đã mỉm cười với McAllister khi Gardner là người phải thức.
McAllister thuật lại quá trình: “Lúc đầu tôi cũng phải thức để theo dõi Gardner. Sau 3 đêm mất ngủ, tôi quá kiệt sức, thậm chí còn viết nhầm những ghi chép lên cả bức tường”. Nhận thấy công việc này không hề dễ dàng, cả hai đã nhờ đến sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu William Dement từ đại học Stanford.
Dement chia sẻ: “Bố mẹ của Gardner rất lo sợ rằng điều này sẽ gây hại cho con trai mình. Vì lúc đó chưa ai biết liệu thiếu ngủ có gây chết người hay không”.
Cái giá phải trả cho việc đẩy bản thân vượt ngưỡng chịu đựng là gì?
Thiếu ngủ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, bao gồm các vấn đề về trí nhớ, nguy cơ mắc bệnh tim, mất thăng bằng và huyết áp cao.
Quả thực, dù khởi đầu không mấy khó khăn, nhưng sau đó thí nghiệm này đã ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, tri giác và khứu giác của Gardner. McAllister nhớ lại lúc Randy bắt đầu lẩm bẩm: “Đừng bắt tôi ngửi thứ đó, tôi không thể chịu được mùi đó”.
Ba ngày sau thí nghiệm, Gardner xuất hiện các biểu hiện như cáu kỉnh, thiếu tập trung và sang ngày thứ 5 thì cậu mắc phải chứng mất trí nhớ ngắn hạn, cũng như mắc chứng hoang tưởng, thậm chí gặp ảo giác. Vào ban ngày, Gardner giữ cho bản thân luôn bận rộn bằng cách chơi bóng rổ và bắn bi pinball cùng các bạn, tuy nhiên để giữ tỉnh táo vào ban đêm thì cực kỳ khó. Gardner mệt mỏi đến mức chỉ cần nhắm mắt lại là có thể ngay lập tức thiếp đi.
Trong thời gian thực hiện thí nghiệm, bản chụp não bộ của Gardner cho thấy một vài phần của não đang ở trong trạng thái ngủ và một vài phần thì ở trong trạng thái thức.
Gardner đã thức được trong 11 ngày (264,4 giờ).
Thí nghiệm của Gardner nhanh chóng được giới truyền thông chú ý và trở thành câu chuyện được viết nhiều thứ ba trên báo Mỹ thời bấy giờ.
Sau khi phá kỷ lục thế giới, cậu vẫn chưa thể ngủ ngay lập tức. Đầu tiên, cậu phải trả lời cuộc họp báo về những trải nghiệm của bản thân, rồi sau đó được đưa đến bệnh viện để bác sĩ có thể tiến hành đo điện não đồ để kiểm tra sóng não. Sau khi khám xong, cậu mới được phép ngủ, và cậu đã ngủ liền một mạch 14 tiếng đồng hồ.
Lúc đầu, sức khỏe của Gardner vẫn còn tốt và cơ thể cậu chưa phải chịu nhiều ảnh hưởng. Nhưng về sau, cậu đã mắc phải chứng mất ngủ kinh niên trong nhiều năm liền. Gardner tiết lộ về tình hình sức khỏe của mình năm 60 tuổi: “Tôi không thể ngủ được. Tôi nằm trên giường thao thức 5, 6 tiếng rồi mới vào giấc. Nhưng chỉ khoảng 15 phút sau lại thức giấc. Tôi tự an ủi bản thân rằng chuyện này sẽ qua thôi, nhưng mọi thứ không dễ dàng như vậy”. Đến nay, Gardner vẫn rất hối hận về quyết định liều lĩnh năm nào.
Kỷ lục của Gardner sau này đã bị phá bởi Robert McDonald với tổng số giờ thức là 453 giờ 40 phút (gần 19 ngày). Nhưng Guinness đã chấm dứt kỷ lục này vì coi kỷ lục này sẽ cổ vũ cho hành vi tự hủy hoại sức khỏe của những người tham gia.
Con người có thể chết vì thiếu ngủ không?
Thí nghiệm của Gardner đã khiến các nhà khoa học đặt ra nhiều câu hỏi về giới hạn chịu đựng của con người, cũng như tầm quan trọng của giấc ngủ với sức khỏe.
“Không có bằng chứng nào cho thấy việc thiếu ngủ có thể trực tiếp giết chết một người”, Annie Miller, chuyên gia về giấc ngủ và nhà trị liệu tâm lý tại trung tâm nghiên cứu DC Metro Sleep, Mỹ cho biết. Tuy nhiên thiếu ngủ hoàn toàn có thể giết người gián tiếp vì nó ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Về mặt y học, thiếu ngủ mãn tính làm suy giảm chức năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư, trầm cảm, rối loạn tâm thần. Nguy hiểm nhất là thiếu ngủ ảnh hưởng đến nguy cơ gặp tai nạn, chấn thương. Ví dụ, công việc vận hành máy móc hạng nặng (gồm cả lái xe ô tô) cũng cực kỳ nguy hiểm nếu bạn không ngủ đủ trong nhiều ngày.
Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia (National Sleep Foundation) khuyên mỗi người nên ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm. Họ cũng chỉ ra người Mỹ đang giảm giấc ngủ đi, hậu quả là số lượng tai nạn giao thông và tai nạn lao động do thiếu ngủ và mệt mỏi tăng lên đáng kể.
Thiếu ngủ cũng kích thích và làm trầm trọng một vài vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong cơ thể. Ví dụ, có nhiều trường hợp tử vong do chơi game trong nhiều ngày. Nhìn bề ngoài thì trông giống thiếu ngủ, nhưng sau khi khám nghiệm tử thi thì người ta phát hiện nguyên nhân thật sự còn có cả đau tim, suy tim hoặc đột quỵ.
Nếu ai đó hỏi “con người có thể không ngủ trong bao lâu?” thì các nhà khoa học vẫn chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Sau Randy Gardner, có lẽ vẫn còn những người khác có thể thức được lâu hơn, nhưng điều mà tất cả đều đồng tình là giấc ngủ là yếu tố cần thiết để tồn tại.