Cảnh giác với nước giải khát bằng... hóa chất

,
Chia sẻ

Cái nắng gay gắt ở Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến nhu cầu giải khát của người dân tăng cao. Đây cũng là dịp các “quán” giải khát di động mọc lên như nấm.

Các loại nước này không được kiểm soát và có nguồn gốc không rõ ràng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là trong lúc đang xuất hiện dịch tả.

Giải khát bằng... hóa chất

Hầu như trên bất kỳ con đường nào tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có xe bán nước giải khát di động với đủ các loại như sâm lạnh, rong biển, chanh dây, sữa đậu nành… với giá rất bình dân. Người đi đường chỉ cần bỏ ra chỉ khoảng 2.000-4.000 đồng là có 1 ly sâm mát lạnh.

Với giá bình dân, đi đâu cũng có, luôn thỏa mãn được cơn khát nên những loại nước này thu hút khá nhiều khách đi đường.

Theo những người bán nước giải khát ở vỉa hè Công viên Tao Đàn, thời tiết nắng nóng như hiện nay, trung bình mỗi ngày họ bán cả trăm ly, có khi không còn nước để bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để làm ra những ly sâm, sữa đậu nành thật sự thì phải mất rất nhiều thời gian và trải qua khá nhiều công đoạn như rửa, vò, nấu, lọc tạp chất...

Hơn nữa, nếu muốn có một loại nước giải khát nguyên chất thì giá thành sẽ cao hơn nhiều so với giá bán ngoài thị trường. Nhưng để đáp ứng nhu cầu “ngon, bổ, rẻ” của người tiêu dùng, nhiều người bán đã pha chế các loại phẩm màu, hương liệu, đường hóa học... để chế biến thành các loại nước giải khát.

Đa phần những loại hương liệu này được lấy từ chợ hóa chất Kim Biên (quận 5). Tại đây, đủ các loại bột từ chanh, tắc, bưởi, cam... được bày bán với giá khoảng 10.000 đồng/gói. Mỗi gói như thế người bán có thể pha được cả trên chục ly.

Còn để chế biến loại sữa đậu nành thơm ngon thì chỉ cần hóa chất tạo màu, mùi và cho thêm bột béo cùng một lượng đường hóa học vừa đủ. Các chất dùng để pha nước giải khát bày bán ở chợ Kim Biên hầu hết đều không rõ nguồn gốc, không địa chỉ, tên cơ sở sản xuất.

Bên cạnh đó, một loại nước giải khát khác cũng khá phổ biến và giải được cơn khát tức thì là trà đá. Tuy nhiên, đây lại là loại nước không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.

Những lần đi thực tế thanh, kiểm tra của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện hầu hết các quán ăn vỉa hè đều làm trà đá từ các loại đá ướp đồ ăn, dụng cụ để nước bị cáu bẩn, hoặc để gần với khu vực làm đồ ăn sống, đôi khi các loại trà để pha cho khách cũng làm từ các loại trà rẻ nhất, thậm chí còn bị hỏng, mốc.

Rước bệnh vào người

Nước uống đường phố hiện đang được bày bán tràn lan mà không được kiểm soát. Theo cơ quan y tế, việc quản lý các loại nước này còn gặp nhiều khó khăn, vì người bán loại nước này ngày càng nhiều, còn lực lượng thanh kiểm tra lại quá mỏng.

Các đợt thanh tra về loại nước uống đường phố cho thấy đa số các loại nước uống này đều bị nhiễm khuẩn rất cao, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như không được che đậy, bị bám bụi đường, dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ, người bán không đeo găng tay và dùng đường hóa học để chế biến. Đây là nguyên nhân chính khiến người uống mắc các bệnh đường ruột và cả những bệnh mãn tính.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Dinh dưỡng Thành phố Hồ Chí Minh, đa số các loại nước giải khát như sữa đậu nành, nước mía, rau má, sâm… không nhãn mác được bày bán trên thị trường có chứa vi khuẩn E.Coli - một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, kiết lị, tiêu chảy và vi khuẩn chỉ thị nhiễm phân.

Ngoài ra, hai loại vi khuẩn không được phép có trong thực phẩm là vi khuẩn tụ cầu và vi khuẩn kị khí cũng đều có trong nhiều loại nước giải khát được bày bán trên vỉa hè.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đa số các loại hóa chất có trong thức uống đường phố thường không biểu hiện ngộ độc ngay mà gây ra những tác hại lâu dài như mắc các bệnh về xơ gan, ung thư, vô sinh...

Hiện Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành lấy các mẫu thức uống trên đường phố về kiểm tra để đưa ra cách giải quyết kịp thời.

Trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên sử dụng các loại nước uống đường phố không rõ nguồn gốc nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân./.

Đ.Phương-H.Tuyết
(Báo Tin Tức/Vietnam+)
Chia sẻ