Cảnh giác với những chiêu lừa phổ biến trong dịp Tết
Dịp giáp Tết là khoảng thời gian “lý tưởng” để hầu hết các đối tượng lừa đảo “tung chiêu” lừa gạt thông qua những sơ hở, thương cảm và sự thiếu hiểu biết của người dân.
Lừa bán vé máy bay
Tính đến thời điểm hiện tại, lượng vé máy bay, vé tàu và xe khách các tuyến đường dài vào những ngày cao điểm hầu như đã bán hết trước đó. Trong khi nhu cầu mua vé máy bay Tết của người dân vẫn còn rất cao. Vì thế, nhiều đối tượng vẫn chào bán vé Tết hạng phổ thông trên các trang mạng xã hội để lừa tiền của những người đang có nhu cầu mua vé.
Hầu hết những sự thỏa thuận ấy đều tiến hành qua mạng xã hội, email hay qua điện thoại. Và hoàn toàn làm việc dựa trên việc tin tưởng nhau, bên mua có khi đã chuyển tiền cho bên bán. Bên bán cũng đã làm những thủ tục gửi lại bên mua "cuống" vé hoặc như số "code" đặt chỗ. Tuy nhiên, một điều khá tinh vi là bên bán lại dở trò "hủy" vé ngay sau khi nhận được tiền bên mua. Khi cận kề tới ngày thì bên mua mới trực tiếp kiểm tra thông tin lại với những hãng máy bay, tàu xe thì mới phát hiện là bị lừa. Do đó, rất khó để liên hệ lại và khó tìm ra kẻ lừa đảo.
Những trang lừa bán vé xe, máy bay, dùng nhiều hình ảnh của các hãng hàng không để tạo giao diện trang nhưng không hề "chính chủ".
Chị Quỳnh Như - công tác tại Hà Nội nhưng nhà ở Đà Nẵng kể lại việc mình bị lừa "đau khổ" vào dịp tết năm ngoái: "vì mải công việc và không thể định ngày về, nên tôi không đặt vé trước. Tới khi sắp về, tôi đành mua vé trên một trang mạng xã hội cũng thấy nhiều người xem. Họ nói còn thừa vài vé phổ thông do đặt mua từ lâu, nay để lại cho tôi với giá chênh đắt hơn vài trăm ngàn so với giá gốc. Thấy cũng hợp lý nên tôi đặt họ, tiền chuyển khoản qua Internet banking, họ cho tôi "code" vé và tôi cứ yên tâm chờ ra tới sân bay. Tới giờ ra làm thủ tục ở sân bay, nhân viên soát vé nói vé tôi đã bị hủy ngay sau khi đặt. Tôi choáng váng, liên lạc lại với bên đặt vé thì "tò tí te". Tôi đã phải "nằm" ở sân bay gần 1 ngày để chờ xem có chuyến bay nào còn trống chỗ để đặt vé giờ chót. Tiền mất, tật mang, tôi cạch tới già việc đặt vé như thế".
Gạt phí việc làm
Dịp Tết là khoảng thời gian các nhà hàng cần khá, siêu thị, quán xá… ở Sài Gòn lớn cần khá nhiều nguồn lao động bán thời gian. Công việc đa dạng, mức lương hấp dẫn nên có khá nhiều người tìm đến - nhất là sinh viên cố bám trụ lại thành phố để tranh thủ kiếm thêm một khoản thu nhập. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để một số cá nhân tung những mánh khóe, lừa gạt.
Chị Hồng Trúc lao động tự do tại Tp.HCM chia sẻ: “Họ bắt tôi phải đóng một khoản tiền để hoàn tất hồ sơ và lệ phí mua trước một số đồ như: bảng tên, đồng phục…và hẹn quay lại sau. Tuy nhiên tới ngày hẹn thì họ trả lời bằng một cái giọng ‘không được giải quyết hồ sơ’ và không trả lại tiền”.
Dịp này cũng là mùa “làm ăn” của những trung tâm hoặc trang mạng môi giới dỏm. Người lao động nên hết sức cẩn thận khi đặt tiền cọc vào những trung tâm như thế để không bị mất tiền, phí thời gian. Những cò mồi chèo kéo trước các trung tâm giới thiệu việc làm thì càng phải tránh xa.
Khi xin việc, nên hỏi kĩ: vì sao tôi phải nộp tiền?
“Đại hạ giá” giá vẫn cao
Bán hàng giảm giá, kèm quà tặng, thanh lý hàng… là một trong những biện pháp nhằm kích cầu tiêu dùng đang được các nhà kinh doanh áp dụng. Tuy nhiên, những hình thức khuyến mãi như trên thực chất chỉ là “chiêu” câu khách hàng. Trong thực tế, có rất nhiều sản phẩm là hàng có mẫu mã cũ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc đội lốt mác "hàng chính hãng khuyến mãi, giảm giá". Nếu không cẩn trọng, người tiêu dùng sẽ mắc bẫy.
Nói về hình thức giảm giá “ảo” này, chị Nghĩa Lan (P.2 - Q.10) dẫn chứng: “Tuần rồi tôi mua một bộ nồi inox bán giảm giá 20% là 199.000 đồng. Tưởng rẻ, nhưng không ngờ hôm qua khi ra chợ Bà Chiểu hàng cùng loại chỉ có 180 ngàn đồng/bộ”.
Cùng cảnh ngộ với chị Lan, chị Thu Cúc (Tân Bình) cũng cho biết: “Tôi cũng mới mua một nồi cơm điện, dung tích 2,2lít ở hệ thống siêu thị X - Tân Bình, giảm giá 40% là còn 1,2 triệu. Hôm bữa, đi mua bóng điện ở ngoài tiệm, nhân tiện hỏi cũng loại ấy mà chỉ có hơn 600 ngàn”. Chị Cúc còn cho biết thêm, chị bạn của chị năm ngoái cũng mua đồ giảm giá như thế nhưng xài được trong một thời gian ngắn là hay bị hỏng nên chị cũng hơi lo.
Trao đổi kinh nghiệm về việc chọn đồ đảm bảo trong buổi hạ giá, nhiều chủ cửa hàng điện tử và nhân viên cũng cho biết: hầu hết các thương hiệu lớn đều áp dụng hình thức giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, phần lớn số hàng này đều là hàng bị lỗi hoặc tồn kho. Do vậy, trước khi mua, khách hàng nên xem xét kỹ các thông số kỹ thuật vì giá cả phụ thuộc lớn vào các thông số này; đồng thời lưu ý thời gian bảo hành, hàng điện tử tiết kiệm điện hoặc kèm theo linh kiện thay thế khi hư hỏng hay không.
Dù là khuyến mãi, nhưng nếu không cần thiết, cũng không nên mua.
Than nghèo khổ xin tiền về quê
Theo thống kê của Công an TP HCM, tình hình phạm pháp hình sự trong năm chiếm đa số vẫn là tội phạm trộm cắp. Nhiều hình thức trộm cướp được áp dụng phổ biến như: móc túi, giật đồ, lợi dụng cướp đồ từ sự thương cảm…
Chị Phạm Mai (Chung cư Bình Đăng - P.6 - Q.8) ngỡ ngàng và dở khóc dở cười khi trở thành nạn nhân của tình trạng cướp tinh vi ấy cách đây không lâu. Chị Mai chia sẻ: “Vì con mình đang ngủ say nên mình khóa tạm cửa bằng một ổ khóa nhỏ để tranh thủ đi mua thức ăn. Khi về, cửa vẫn y như cũ nhưng tài sản bị mất sạch. Bọn chúng ranh ma, mở khóa lấy sạch tài sản xong thì bấm lại như cũ. May là nó không ôm con mình đi”.
Xung quanh những cây rút tiền ATM cũng luôn luôn tiềm tàng những con mắt soi mói và hiểm nguy. Cô Trần Thị Được ( Quận 5): “Lần kia tôi đi rút thêm tiền để mua một số đồ dùng trong mấy ngày tới. Vì nhiều người cùng muốn rút nên phải đành chờ tới lượt. Khi Rút tiền xong thì phát hiện tiền và điện thoại trong túi bị mất từ lúc nào. Không chỉ có mình tôi, một số bà bên cạnh tôi cũng vậy?!”.
Không ra tay cướp giật hung bạo, nhiều đối tượng chọn cách lang thang ở các khu chung cư, bến xe, để khóc than về việc: không đủ tiền về quê ăn tết. Nhiều người động lòng, nên đã dính phải chiêu lừa này. Vài hôm sau, “nạn nhân” lại thấy đối phương khóc lóc ở nơi khác với lời lẽ cũ.
Thông thường, vào những tháng cuối năm, bọn tội phạm hoạt động rất mạnh. Đây là những chiêu lừa phổ biến, quen thuộc, người dân phải thường xuyên đề cao cảnh giác.