Cảnh giác với những chiêu lừa bắt cóc trẻ em đầy tinh vi

Lê Minh (TH) ,
Chia sẻ

Gần đây những tay “mẹ mìn” đã có những thủ đoạn bắt cóc trẻ em ngày càng tinh vi. Chỉ cần một phút lơ là, các bậc phụ huynh có thể mất đi con trong nháy mắt.

Giả vờ gây tai nạn rồi “ẵm” em bé đi mất

Chị L. (Hà Đông) đang đèo bé trai 3 tuổi đi trên đường thì bị một kẻ lướt xe máy qua, cố tình huých vào tay chị nhiều lần khiến chị ngã ra đường và bất tỉnh. Ngay sau đó, một người đàn ông khác đi xe máy qua, cúi xuống bế thốc đứa bé lên rồi phóng đi luôn.

Anh T.V.H – chồng chị L. kể anh rời nhà sau vợ vài phút nên khi đến đó, anh phát hiện chị đang nằm mê man dưới đất. Biết vợ gặp sự chẳng lành, anh hốt hoảng định bế vợ đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng anh chợt nhớ ra đứa con nên kêu to lên: "Con tôi đâu rồi?". Lúc ấy, chị bán hoa quả ở gần đó cũng chạy tới và bảo anh có một người đàn ông bế con anh phóng đi về phía Bưu điện Hà Đông.

Anh H. vội vàng tăng ga đuổi theo. Cũng may, đến cầu Am, anh đã đuổi kịp người đàn ông đó. Thấy bố, bé trai khóc nức nở. Anh H. giận dữ quát: "Ông mang con tôi đi đâu?", thì người đàn ông đó ngập ngừng: "Tôi định đưa cháu đến đồn công an".

Anh H. vội bế đứa con quay xe trở lại đưa vợ đến Bệnh viện 103 cấp cứu. Chắp nối lại các sự kiện, anh khẳng định, chắc chắn đây là thủ đoạn của bọn lưu manh vì nơi vợ anh bị ngã chỉ cách đồn Công an phường Quang Trung vài chục mét, vì sao người đàn ông bế con anh đi lại chạy một mạch về đường cầu Am - Đại Mỗ.

Cảnh giác với những chiêu lừa bắt cóc trẻ em đầy tinh vi 1
Thủ đoạn bắt cóc nhắm vào những bà mẹ đi xe máy chở con trên đường (Ảnh minh họa)

Một vụ bắt có trẻ em nguy hiểm khác với cùng thủ đoạn như vậy cũng đã xảy ra tại tuyến đường Nguyễn Trãi, giáp ranh Hà Đông (Hà Tây) - Thanh Xuân (Hà Nội). Chị M.T.N. (công tác tại một công ty viễn thông) cũng bị một tai nạn tương tự. Tuy nhiên, do chấn thương nhẹ nên khi dựng lại được xe, chính chị N. phóng xe đuổi theo gã đã bế con mình đi.

Thông tin về các vụ việc trên đã được đăng trên các diễn đàn của các bà mẹ. Nhiều mẹ đã “hiến kế” để đối phó với thủ đoạn bắt cóc khủng khiếp này. Theo nick thanhgiang thì: “Các mẹ chở con đi học bằng xe máy nên đeo đai an toàn cho bé – loại đai buộc bé vào người mẹ – để bảo vệ con tốt hơn. Vì cách này có lẽ sẽ khiến bọn bắt cóc “bỏ mồi”, hơn nữa ít nhất thì đeo đai như vậy cũng tốt hơn để bé ngồi chênh vênh 1 mình, dễ bị ngã lắm!”. 

Còn nick thao_nn thì bày cách: “Tình hình này các mẹ phải cảnh giác là chính thôi. Nên gắn đủ 2 gương cho xe máy, đi thật từ từ và chịu khó quan sát qua gương liên tục xem phía sau “có biến” không. Nếu thấy có kẻ khả nghi “lượn” xe sát theo mình thì phải dừng lại ở nơi đông người 1 chút, chờ nó đi qua hoặc tùy vào hoàn cảnh mà có biện pháp chống chế”.

Giả vờ là người thân đón con em

Chiều ngày 6/3/2014, sau khi tan trường, em Nguyễn Võ Tường Vy (8 tuổi, học sinh lớp 3/4 Trường Tiểu học ĐBL (tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cùng bạn là Mai Thu Hiền đi ra cổng phụ phía sau mua bánh rồi ra cổng chính phía trước đường để mẹ đón thì bất ngờ có hai người thanh niên bịt mặt, đi xe không có biển số lại gần bảo “Bố mẹ bận nhờ chú chở về”. Vy nói “Chú mở khẩu trang ra xem có quen không?” thì chú này nhảy xuống bồng Hiền lên ngồi phía trước, còn Vy ngồi phía sau rồi vù ga chạy.

Hiền kêu ré lên, còn Vy thì vùng vẫy, đi được một đoạn bọn chúng lôi trong túi quần ra một miếng giẻ nhét vào miệng, rồi bịt khẩu trang cả Vy và Hiền. Cả hai em càng vùng vẫy, chống cự thì bọn chúng dùng dao dí vào cổ nói “im mồm không tao giết” nên hai em đều sợ tái mặt”, Vy kể lại.

Vy kể tiếp: “Đi được một đoạn, thấy Vy và Hiền khóc thét, người đi đường hỏi thì chúng bảo: “Bị dị ứng nên phải bịt khẩu trang”. Chúng lại rẽ qua lối khác, gặp người khác hỏi thì hai tên đó lại nói: “Chúng thích học thể dục, nhưng bảo về nhà nên khóc đòi”

Đến ngõ 62 đường Trần Cao Vân, nghe chúng nói với nhau: “Bị kẹt đường rồi, nó vùng vẫy quá, tính sao đây?”. Đi một đoạn nữa, đến chỗ vắng người, chúng dừng lại, gọi thêm một thanh niên nữa. Lúc này chúng lột của Vy một chiếc nhẫn bạc, giật sợi dây chuyền bạc nhưng bị đứt nên lọt trong áo Vy. Chúng bảo Vy và Hiền “Đứng yên, kêu la thì tao giết” nên cả hai không dám hó hé gì. Ba tên nói qua lại gì đó rồi chúng lên xe bỏ đi. Khi đi, chúng còn hăm dọa: “Tao về đổi xe xong quay lại. Đứng yên đấy!”. Khi thấy hai tên bỏ đi, Vy và Hiền vừa chạy vừa khóc, qua đường Trần Cao Vân thì gặp một số người rồi đọc số điện nhờ gọi cho ba mẹ tới đón.

Cảnh giác với những chiêu lừa bắt cóc trẻ em đầy tinh vi 2
Học sinh tan trường, nhiều kẻ lợi dụng sự thơ dại của các em để bắt cóc (Ảnh minh họa)

Vụ “bắt cóc” trên vừa lắng lại, thì chiều 1/4/2014, em Trần Thúy Bình (học sinh lớp 4/2 Trường Tiểu học ĐBP, quận Thanh Khê) gọi điện xin mẹ về muộn một chút do ở lại tập múa với bạn, khoảng 17 giờ 30 về, nhưng múa xong Bình về sớm nên bố mẹ chưa ra đón.

Vì nhà Bình ở gần cổng sau của trường nên mẹ thường đón cổng này, đi bộ một đoạn là tới nhà. Vừa đi được một đoạn thì có một người đàn ông lạ mặt, gầy, có râu đi xe ga nói “Chú là bạn ba con, lên chú chở về”. Rồi người đàn ông cầm tay của Bình để kéo lên xe. Bình ré lên: “Chú ơi, chú đừng bắt cóc cháu” rồi khóc lớn khiến những người xung quanh để ý chạy tới. Sợ bị lộ, người đàn ông đó rú ga bỏ đi.

Theo thầy Nguyễn Hữu P, Hiệu trưởng Trường Tiểu học ĐBP, em Bình cùng gia đình đã trình bày nội dung như đã nêu trên, nhà trường đã báo tình hình lên Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê. “May mà sau sự việc bắt cóc ở Trường Tiểu học ĐBL, chúng tôi đã tuyên truyền, cảnh báo cho phụ huynh, học sinh nên em Bình đã phòng bị trước, phản kháng tự nhiên khiến tên bắt cóc bất ngờ bỏ đi chứ không biết sự thể sẽ như thế nào”, thầy P nói.

Thầy P cũng khuyến cáo, phụ huynh dù bận rộn đến đâu cũng phân công đến đón con em đúng giờ, bởi sau giờ học, các em ra khỏi trường thì không thể lường trước được chuyện gì xảy ra.

Giả làm thân nhân bắt cóc trẻ sơ sinh

Ngày 8/1/2014, Nguyễn Thị Bích Trâm (Q.7, TP.HCM) xách một giỏ đồ, trong đó có quần áo trẻ em, tã lót, giấy vệ sinh và một hộp sữa đến Bệnh viện đa khoa quận 7, giả như người thăm nuôi rảo quanh các phòng tìm sơ hở của sản phụ vừa sinh để bắt con.

17h30, khi đến phòng hậu sản số 4 trên tầng 2, Trâm gặp chị Nguyễn Thị Minh Tâm vừa sinh bé trai 3,2 kg. Trâm lân la làm quen, khen bé đẹp rồi lấy trong giỏ đồ ra hộp sữa nói: "Em đang đi nuôi chị dâu mới đẻ, có mua hộp sữa nhưng cháu uống không hợp, em tặng chị để khỏi mất công đi đổi".

21h, anh Trần Văn Hên, chồng chị Tâm xuống ăn cơm thì Trâm than đói bụng. Cô ta rút ra tờ 50.000 đồng đưa chị Tâm nhờ đi mua phở, để em bé cho cô trông nhưng sản phụ từ chối.

Kế hoạch bắt cóc lúc này bị thất bại, Trâm tiếp tục xin ngủ cạnh giường chị Tâm vì "bên chị dâu đông người chật chội". Đến 8h sáng 9/1, khi anh Hên đem đồ về nhà giặt, chị Tâm vừa vào phòng vệ sinh, Trâm ẵm đứa bé nhanh chóng tẩu thoát, bỏ lại giỏ xách.

Cảnh giác với những chiêu lừa bắt cóc trẻ em đầy tinh vi 3
Nhiều kẻ giả danh thân nhân người đẻ để bắt cóc trẻ sơ sinh (Ảnh minh họa) 

Để xóa dấu vết, Trâm đã vạch ra 5 chặng đường lắt léo dài hơn 27 km, thay đổi 3 lượt xe ôm để về nhà chồng ở ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (hơn 9 km). 4 ngày sau, khi cảnh sát tìm ra tung tích, bao vây căn nhà này nhưng sợ ảnh hưởng đến tính mạng cháu bé nên yêu cầu người nhà khuyên Trâm đầu thú.

Cảnh giác với những chiêu lừa bắt cóc trẻ em đầy tinh vi 4
Bảng thông báo cảnh báo tình trạng bắt cóc trẻ sơ sinh ở bệnh viện

Khai với công an, Trâm cho rằng do từng có thai nhưng bị sẩy. Sợ chồng bỏ nên cô này tìm cách bắt em bé khác đem về thế vào để được gia đình chồng yêu thương. Với hành vi này, ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố điều tra nghi can này về hành vi Chiếm đoạt trái phép trẻ em.

Tuy nhiên, quá trình điều tra, nhiều nghi vấn trong lời khai của Trâm được Công an quận 7 làm rõ, cô ta thừa nhận bắt cóc bé trai với ý định đem bán.

Giúp trẻ em phòng chống bắt cóc, xâm hại

Không nói chuyện với người lạ

Bạn cần dạy trẻ kĩ năng này và cho chúng biết khi có một ai đó là mặt tiếp cận thì phải chạy trốn ngay lập tức và nói với cha mẹ hoặc những người “lạ mặt đáng tin tưởng” ở gần đó. Những người “lạ mặt đáng tin tưởng” đó là: cảnh sát, nhân viên cửa hàng, người đi đường,… để nhờ sự giúp đỡ.

Nâng cao nhận thức của trẻ

Dạy trẻ đi với đám đông, nhớ số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát, hãy nhớ ghi lại biển số xe của kẻ lạ mặt, luôn luôn cảnh giác với những chiếc xe lạ hoặc bất cứ ai đang theo dõi trẻ.

Dạy trẻ để mắt tới cha mẹ

Trong một khu phố hay một siêu thị đông đúc, bạn không bao giờ rời mắt khỏi con vì sợ con bị lạc. Tương tự, bạn dạy trẻ cũng có ý thức như vậy: luôn luôn để mắt tới cha mẹ và khi cha mẹ khuất khỏi tầm nhìn của trẻ thì hãy gọi to lên.

Dạy trẻ tự phòng

Không nhất thiết là cho trẻ tham gia một lớp học võ thuật, bạn có thể dạy trẻ những “phản kháng đơn giản” khi có người lạ tiếp cận như: đá vào những chân, đầu gối và vùng nhạy cảm của kẻ lạ. Bạn hãy dạy con bạn dùng hết sức hét thật to: “Cô/chú không phải mẹ/bố của tôi” để tạo sự chú ý của những người xung quanh và có cơ hội để bé chạy đi.

Hoạt động trong cộng đồng

Bạn hãy dạy trẻ rằng những mối nguy hiểm khôn lường luôn rình rập khi trẻ đi một mình tại những nơi vắng vẻ. Nếu con bạn đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn thì hãy dạy trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn. Những kẻ bắt cóc thường thích bắt trẻ khi trẻ đi một mình và hiếm khi hành động khi trẻ đi với 2-3 người bạn.

Hiểm họa có thể xuất phát từ internet

Càng ngày càng nhiều trẻ sử dụng internet và đặc biệt là từ rất sớm. Bạn hãy dạy trẻ không được công khai những thông tin cá nhân lên trên mạng, bao gồm: họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học. Chỉ cần với những thông tin này, một kẻ lạ mặt có thể đóng vai một người bạn đáng tin tưởng và dễ dàng tiếp cận con bạn với những mục đích xấu.

“Con phải làm gì nếu có người lạ cho con kẹo?”

Dạy bé cần lịch sự và cương quyết từ chối kẹo của người lạ và nhanh chóng trở lại với người chăm sóc bé. Để đề phòng những món quà, bánh, kẹo đó có tẩm thuốc mê, bé ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng mưu kế của kẻ xấu, cha mẹ nên dạy bé không nhận bất kỳ món đồ nào của người lạ cho mà phải từ chối khéo léo rằng “ba mẹ cháu không cho phép nhận”. Sau đó bé hãy tìm đến chỗ có người lớn hoặc chú bảo vệ đứng để tránh bị người lạ kia tiếp tục dụ dỗ.

“Con phải làm gì nếu có người lạ kéo tay con đi?”

Trong trường hợp bé bị lôi đi, dạy bé cần kêu khóc thật to để được giúp đỡ. Nhớ số điện thoại nhà hoặc cha mẹ là điều cha mẹ cần thiết phải dạy con.

(Tài liệu do Phòng Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Sở LĐTB&XH cung cấp)


Chia sẻ