Cảnh giác với bệnh lao ở trẻ em
Nhiều trẻ mắc lao diễn biến nặng, nguy kịch nhưng bệnh lại khó chẩn đoán.
Trẻ mắc lao dễ diễn biến nặng, nguy kịch
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi 3 tháng tuổi (ở Hòa Bình) vừa trải qua giai đoạn nguy hiểm do mắc lao đã ăn uống tốt, sức khỏe ổn định trở lại; khác với khi trẻ nhập viện trong tình trạng ho, khó thở, sốt cao, co giật toàn thân.
Theo lời kể của người nhà, trước khi vào viện khoảng 1 tháng, trẻ có biểu hiện ho húng hắng, gia đình đã đưa đi khám tại một số phòng khám địa phương và được chẩn đoán viêm nhiễm đường hô hấp. Sau đó, trẻ vẫn tiếp tục ho nhiều và xuất hiện một cơn co giật toàn thân, kèm khó thở, được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể bao gồm: Lao phổi và lao màng não.
Theo các bác sĩ, qua khai thác tiền sử gia đình thì được biết cách đây một năm bố của trẻ đã được chẩn đoán mắc bệnh lao, do chưa hiểu biết về nguy cơ lây bệnh lao cho những người tiếp xúc, nên đã lây cho trẻ.
"Rất may mắn, sau 3 tuần điều trị tích cực tình trạng sức khỏe của trẻ ổn định, hết sốt, hết suy hô hấp, ăn uống tốt, dự kiến trẻ sẽ được ra viện trong một vài ngày tới", Ths.BS Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết.
Theo BS. Nguyễn Phương Thảo, lao là một bệnh truyền nhiễm, một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trên toàn thế giới. Bệnh lao do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, bệnh lây lan khi những người bị bệnh lao phát tán vi khuẩn vào không khí như qua việc bệnh nhân ho.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm Bệnh viện phát hiện và điều trị khoảng 70- 80 ca trẻ mắc bệnh lao. Đáng chú ý, đa số các ca mắc lao chuyển lên là những ca lao nặng, khó chẩn đoán; trong đó có các ca mắc các thể: Lao phổi – màng phổi (45%), lao toàn thể (18%), lao màng não (30%); ngoài ra còn có lao xương, lao hạch… Hầu hết các trường hợp nặng xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh (đa số trong vòng 1 năm).
"Đáng lo ngại, có tới 71% trẻ bỏ lỡ cơ hội dự phòng lao bị mắc lao sau này; trong đó nguồn lao là từ mẹ hoặc cha (chiếm tới 47,4%). Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm lao cao thường xảy ra ở những trẻ em đã bị phơi nhiễm. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao; đặc biệt nếu gia đình có người mẹ bị lao, tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc lao có thể tăng gấp 8 lần", BS. Nguyễn Phương Thảo cho biết.
Nhận biết sớm bệnh lao ở trẻ
Theo BS. Nguyễn Phương Thảo, các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ở trẻ gồm: Tiền sử tiếp xúc gần gũi với người bệnh lao phổi, trong vòng 1-2 năm gần đây; tiền sử trẻ có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng triệu chứng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.
Đặc biệt, các triệu chứng lâm sàng nghi lao cần chú ý như: Triệu chứng toàn thân gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm; trẻ mệt mỏi hoặc giảm chơi đùa; chán ăn, không tăng cân hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, còn có các triệu chứng cơ năng nghi lao như: Tùy thuộc vào cơ quan mắc lao trẻ có thể ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp… các triệu chứng này thường kéo dài trên 2 tuần, không cải thiện với liệu pháp điều trị khác.
"Với bệnh lao, trẻ có thể khỏi bệnh nếu điều trị đúng phác đồ. Việc điều trị lao ở trẻ em cũng giống như của người lớn, tuy nhiên cha mẹ phải tuân thủ điều trị cho con em mình đúng hướng dẫn của bác sĩ, điều trị đủ thời gian (6-9 tháng), đủ liều lượng thuốc, đúng phác đồ thì bệnh mới ổn định", BS. Nguyễn Phương Thảo cho biết.
Theo đó, bệnh lao trẻ em có thể chữa khỏi được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót). Việc tuân thủ điều trị có thể giúp phòng bệnh lao kháng thuốc; bởi bệnh lao kháng thuốc thường phát sinh thông qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do không tuân thủ điều trị. Nhiễm lao kháng thuốc dẫn đến khó khăn trong việc điều trị, tăng chi phí điều trị và tăng tỷ lệ di chứng. Đặc biệt, chủng vi khuẩn kháng thuốc này cũng có thể lây cho người khác.
Để phòng bệnh lao cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo: Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao vì miễn dịch trẻ còn yếu; việc phòng bệnh lao là làm giảm nguy cơ nhiễm lao và giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao. Việc phát hiện sớm bệnh nhân lao, điều trị hiệu quả, cách ly giúp giảm phơi nhiễm. Trẻ em nếu có phơi nhiễm với bệnh lao cần được sàng lọc tại cơ sở y tế và theo dõi.
Bác sĩ cũng khuyến cáo cần kiểm soát vệ sinh môi trường để phòng lây nhiễm lao; tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh lao. Cần thay đổi hành vi của người bệnh nhằm làm giảm sự phát tán mầm bệnh ra môi trường như: Người mắc bệnh lao cần dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác; khạc đờm và bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên.
Đặc biệt việc tiêm vaccine BCG là cách hữu hiệu phòng bệnh lao cho trẻ. Vaccine phòng lao có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Vaccine sẽ giúp cơ thể trẻ hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm vi khuẩn lao. Vaccine cũng hiệu quả trong việc chống lại bệnh lao lan tỏa và lao màng não.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, phát hiện sớm nếu trẻ mắc lao.