Vì sao nhiều người trẻ mắc lao phổi?

,
Chia sẻ

Một phân tích cho thấy mặc dù bệnh lao có giảm hằng năm ở nhóm tuổi trung niên (đặc biệt ở nữ giới) nhưng lại có hai nhóm tuổi tăng mức đáng lo ngại: thanh thiếu niên và người già.

Ở Việt Nam, bệnh lao giảm ở nhóm tuổi trung niên nhưng lại tăng ở mức đáng lo ngại trong nhóm thanh thiếu niên. Tuổi mắc bệnh có xu hướng ngày càng trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh lao hiện vẫn là căn bệnh có nguy cơ cao nhất về số lượng người mắc, số người nhiễm bệnh và tử vong trên toàn cầu. Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 nước có người bị bệnh lao cao trên thế giới; mỗi ngày chúng ta có thêm 400 người mắc lao, 55 người chết vì bệnh này.

Do lối sống hoặc nhiễm HIV

Điều đáng lo ngại là sự gia tăng về số lượng bệnh nhân lao ở lứa tuổi trẻ. Theo tiến sĩ Đinh Ngọc Sỹ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, phân tích về tuổi bệnh nhân lao trong những năm gần đây cho thấy có nhiều thay đổi: tỷ lệ lao phổi tăng ở nhóm tuổi trẻ và xu hướng này ngày càng tăng.

Một phân tích cho thấy mặc dù bệnh lao có giảm hằng năm ở nhóm tuổi trung niên (đặc biệt ở nữ giới) nhưng lại có hai nhóm tuổi tăng ở mức đáng lo ngại: thanh thiếu niên và người già.

Tiến sĩ Sỹ cho rằng, điều này có thể chi phối đến tình hình dịch vì luôn có một số lượng nguồn lây “tiềm tàng” ở nhóm trẻ tuổi, và cũng sẽ kéo dài trong cuộc đời họ nếu không được chữa khỏi. “Bệnh lao ở Việt Nam có xu hướng trẻ hóa một phần do liên quan đến lối sống hoặc nhiễm HIV của một bộ phận thanh thiếu niên”, ông Sỹ nhấn mạnh.
 

Điều trị lao tại Bệnh viện Bệnh phổi Trung ương. Ảnh: M.Khang.

Tự làm bệnh nặng hơn

Năm 2009, Việt Nam bắt đầu triển khai điều trị bệnh nhân lao phổi kháng đa thuốc (MDR) và sẽ kiểm soát khoảng 80% số bệnh nhân MDR vào năm 2015.

Một trong những lý do chính dẫn đến việc ngày càng có nhiều bệnh nhân lao phổi đa kháng thuốc (MDR) là do quá trình điều trị bệnh lao kéo dài, cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị và thời gian uống thuốc theo đơn bác sĩ.

Thế nhưng, trên thực tế, khá nhiều bệnh nhân bỏ dở liệu trình điều trị hoặc tự ý thay đổi thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, qua điều tra dịch tễ cho thấy một lượng bệnh nhân lao tìm kiếm dịch vụ khám ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện ngoài hệ thống chống lao chưa được chẩn đoán, chuyển và quản lý điều trị tốt.

Kết quả điều tra "Tình hình mắc lao và nhiễm lao tại Việt Nam" cho thấy nguy cơ nhiễm lao hàng năm ở Việt Nam là 1,67% (khu vực thành thị 2,19%; khu vực nông thôn 1,63%).

Riêng Hà Nội, tỷ lệ mắc lao phổi AFB dương tính mới là 30/100.000 dân. Tỷ lệ hiện mắc lao chung các thể là 72/100.000 dân. Các thể lao khác vẫn tăng hằng năm, trong đó có nhiều thể lao nặng như lao màng não, lao đa màng, lao toàn thể…. Điều này thể hiện tính chất phức tạp trong tình hình bệnh lao cũng như trong công tác phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng.

Một nguyên nhân nữa làm cho tình trạng dịch tễ bệnh lao ở Việt Nam chậm thay đổi là tình hình lao phổi đa kháng thuốc chưa được kiểm soát tốt.

Theo điều tra, tỷ lệ MDR trong lao phổi mới xuất hiện hằng năm là 2,7% và trong số lao điều trị lại là 19%. Như vậy, mỗi năm có khoảng 3.000 trường hợp MDR. Con số này nếu không được quản lý tốt sẽ là nguồn lây dai dẳng trong cộng đồng.

Theo Đất Việt
Chia sẻ