Cảnh giác sập bẫy chiêu lừa đảo đặt tour du lịch

VTV Digital,
Chia sẻ

Từ đầu mùa du lịch, VTV và nhiều kênh báo chí liên tục cảnh báo về tình trạng người dân bị lừa đảo khi đặt tour, nhưng vẫn có những nạn nhân mới của những vụ lừa đảo mới.

Minh chứng là những bài viết mới vẫn xuất hiện trong các hội nhóm. Trong nhóm "Cảnh báo lừa đảo du lịch Hạ Long", các thành viên vào đây để chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo của mình liên quan đến các chuyến du lịch tại Hạ Long để cảnh báo những người khác. Mỗi chuyện một hoàn cảnh, nhưng tựu chung lại, thủ đoạn lừa đảo ở đây thường là: giả mạo thông tin của công ty lữ hành, đại lý bán vé, tour du lịch… với những hình ảnh uy tín để lấy lòng tin của khách hàng, yêu cầu nạn nhân gửi trước tiền cọc và sau đó là… không có sau đó nữa. 

Ví dụ, với một đoạn tin nhắn, sau khi nhận được 1.700.000 đồng tiền đặt tour của khách và hẹn "tí nữa sẽ có bên tour liên hệ". Những gì diễn ra là vài dòng độc thoại của nạn nhân, kết thúc bằng câu "Em lừa chị à". Đáp lại chỉ có dòng thông báo mặc định của nền tảng nhắn tin: "Xin lỗi, hiện tại tôi không muốn nhận tin nhắn".

Các hành vi trục lợi từ bán dịch vụ du lịch

Vì sao lại dễ bị lừa như vậy? Những chiêu lừa đảo cao tay đã đánh trúng vào tâm lý của người đặt tour du lịch. Đầu tiên là tâm lý thích thú trước những ưu đãi về giá, với những mức giảm 30 - 50% so với giá tour thông thường. Thứ hai là tâm lý thích độc lạ, như đợt cuối tháng 5 vừa qua, những hình ảnh choáng ngợp về một khách sạn không có thật được xây dựng giữa vịnh Hạ Long đã được đăng tải để bán tour. Bức ảnh đã hút về khoảng 4.100 bình luận, 2.500 lượt chia sẻ. Thậm chí, nhiều du khách đã chủ động nhắn hỏi địa chỉ, giá phòng… Ngay sau đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời lên tiếng cảnh báo về những hình ảnh không có thật và có dấu hiệu lừa đảo này.

Qua những vụ việc lừa đảo có thể thấy, người trong cuộc bị cuốn vào vòng xoáy của lớp lớp các thông tin, nạn nhân thường không biết đâu là sự thật để tự bảo vệ mình. Do đó, cảnh giác là điều không bao giờ thừa.

Sau 2 lần mua tour du lịch trong nước thành công, chị Thủy đã bỏ ra hơn 300 triệu để mua tour châu Âu cho gia đình mình từ một công ty du lịch. Sau nhiều lần bị trì hoãn, đến nay chị Thủy không thể liên lạc với công ty kia để đòi lại tiền.

Cảnh giác sập bẫy chiêu lừa đảo đặt tour du lịch - Ảnh 1.


"Mình chuyển 2 lần 178 triệu. Đến bây giờ bạn ấy không liên hệ với mình nữa và cũng không có trách nhiệm gì với mình. Mình chưa bao giờ đi nước ngoài nên mình tích cóp, mình không nghĩ là bạn ấy lừa đảo như thế", chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Hà Nội, chia sẻ.

Khi phát hiện mình đã bị lừa, cũng là lúc chị Thủy nhận ra, nạn nhân không chỉ có một mình chị. Nhiều người khác cũng đang bị công ty du lịch này giữ tiền, không hoàn trả dịch vụ, người nhiều nhất là 5 tỷ, người ít là vài chục triệu.

"Trúc Nguyễn giới thiệu có thể mua hàng miễn thuế, đặt mua từ tháng 7/2022 đến nay vẫn chưa trả hàng, mình đặt một tour trại hè cho con đi nước ngoài, đã thanh toán đầy đủ từ năm ngoái, nhưng đến ngày đi vẫn chưa được đi", anh Lê Đức Trường, Hà Nội, cho biết.

Với số tiền không nhỏ không cánh mà bay và khi mọi liên lạc đã bị cắt đứt, những nạn nhân chỉ còn biết liên tục túc trực tìm kiếm tại nhà riêng của giám đốc công ty du lịch kia. Tuy nhiên, cửa đóng then cài là điều họ nhận lại được, tìm đến văn phòng công ty cũng không có gì khá khẩm hơn ngoài tấm biển méo mó.

"Thấy bảo cô ấy đang trốn ở nước ngoài. Đơn từ mình đã gửi các nơi, gửi PC02 và họ đã tiếp nhận", anh Lê Đức Trường, Hà Nội, cho biết thêm

"Theo điều 174 của Bộ luật Hình sự 2015, tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, mức nặng nhất có thể đến chung thân", Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty luật Thiên Thanh, cho hay.

Niềm tin đặt sai chỗ để rồi tiền mất, tâm bất an và cũng không có chuyến du lịch hay chuyến bay nào được thực hiện.

Đa dạng cách thức "lừa đảo" dịch vụ du lịch

Có câu "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra", ý nói không có thông tin lừa đảo nào giữ bí mật mãi được, cuối cùng người bị lừa cũng nhận ra. Do đó, trong các vụ lừa đảo luôn có một thời điểm giống như cất vó vậy, đó là thời điểm sự thật được phơi bày. Vấn đề của kẻ lừa đảo là cuộc chạy đua từ thời điểm "cất vó" trở về trước. Mục tiêu của cuộc đua ấy là làm thế nào càng có nhiều "cá" chui vào "vó" càng tốt, "cá" càng to lại càng tuyệt vời. "Thính mồi" quan trọng nhất ở đây chính là mức giá hấp dẫn và uy tín để chiếm lòng tin. Vì vậy, sẽ rất đáng sợ nếu những vụ việc lừa đảo có thể mượn được uy tín của chính những nạn nhân, từ đó gây ảnh hưởng với nhiều nạn nhân hơn nữa.

Mấy tuần nay, chị Trang (Gia Lâm, Hà Nội) mất ăn mất ngủ vì số tiền gần 300 triệu mua tour du lịch cho gia đình bị công ty du lịch biến mất. Điều đáng nói, nhiều bạn bè người thân xung quanh chị cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.

"Mình cũng có uy tín với mọi người, nên công ty Trúc Nguyễn này lấy hình ảnh gia đình nhà mình chạy quảng cáo. Mọi người thấy thế nên cũng đặt theo mình, không chỉ mình mà người thân, bạn bè, họ hàng... gửi tiền cho Trúc để mua voucher, vé máy bay. Bây giờ bạn ấy trốn mất, bạn ấy không trả mọi người, ảnh hưởng lớn tới uy tín của mình", chị Nguyễn Quỳnh Trang, Gia Lâm, Hà Nội, chia sẻ.

Không ai dễ gì bỏ ra số tiền lớn để mua vé ưu đãi chỉ qua vài lời mời chào. Tuy nhiên, nếu những lời mời chào được gắn kèm theo hình ảnh của những người thân quen, có sức ảnh ảnh thì việc xuống tiền lại nhanh chóng hơn rất nhiều.

"Để lấy lòng tin của em, chị Trúc thường xuyên gửi ảnh đã giao dịch với nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội hay những người quen xung quanh em, nên em càng tin tưởng, sau đó chị ấy mời mua vé, mua càng nhiều, giá càng tốt", chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hà Nội, cho biết.

Mượn uy tín để thu hút nhiều nạn nhân hơn đã rõ, nhưng làm sao để tổ chức được tour với giá ưu đãi lại là một chiêu trò khác. Cuộc điện thoại của phóng viên với Anh Tuấn, Giám đốc một đại lý bán vé máy bay tại TP Hồ Chí Minh đã hé lộ chiêu trò này: "Phát hiện ra bạn đó chậm công nợ, mình điều tra thấy bạn đó mua giá cao bán giá thấp, bạn bán có 10 triệu đồng vé đi Nhật thôi, nhưng bạn xuất vé đó hơn 20 triệu. Nhiều khách sạn giá cả trăm triệu, nhưng bạn ấy bán 40 - 50 triệu, bạn đánh vào tâm lý của mọi người. Nhiều khách hàng không biết chứ không phải ham rẻ, vé này là vé thưởng, nhưng thực chất điều đó không có, với điều kiện mua một lần 20 vé hoặc một lần 5, 7, 10 đêm mới được, chứ bạn không bán lẻ, sau đó bạn "bùng" luôn, số lượng người bị hại rất nhiều".

Cảnh giác sập bẫy chiêu lừa đảo đặt tour du lịch - Ảnh 2.


Như vậy, thả con săn sắt để bắt con cá rô, chịu lỗ vài tour đầu để có một pha cất vó ngoạn mục. Số người đã chuyển tiền và chưa nhận được dịch vụ từ công ty du lịch này ngày một tăng, bằng cách thức giống nhau, chúng đã thu lợi từ rất nhiều người cả trong nước, lẫn nước ngoài.

Rủi ro tiềm ẩn từ những tour du lịch có thể chạm tới bất kỳ ai. Do đó cũng dễ hiểu khi trong chiến dịch "Tháng Hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến" đang diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa "Combo du lịch giá rẻ" lên vị trí đầu tiên trong 24 hình thức lừa đảo trên không gian mạng được cảnh báo.

Cũng trong chiến dịch này, nhiều giải pháp cụ thể đã được Bộ Thông tin và Truyền thông gợi ý tới người dân như: cách nhận diện các website của các trang chuẩn là thường có phần "Đã đăng ký với Bộ Công Thương", "Đã thông báo với Bộ Công Thương"; chỉ nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) để giao dịch; hoặc người dân có thể kiểm tra số tài khoản ngân hàng lừa đảo tại địa chỉ: tinnhiemmang.vn.

Niềm tin đặt sai chỗ

Quay lại với các nạn nhân trong vụ việc trên, mất tiền ai cũng xót, nhưng xót xa nhất là những nạn nhân trung gian. Trong khi chờ đợi sự vào cuộc của cơ quan chức năng, họ chỉ còn biết chịu trận khi người cầm tiền của mình đã biến mất, còn những người mình cầm tiền đang làm đơn kiện mình.

Cuộc sống của một người phụ nữ bị đảo lộn hoàn toàn khi nghe tin công ty du lịch chị đang cộng tác đã biến mất cùng số tiền hơn 5 tỷ mà chị chuyển để mua vé máy bay cho mọi người. Hiện mỗi ngày chị phải đi đến từng nhà xin khất nợ, tối về gọi điện thoại mong những khách hàng của mình cho chị thêm thời gian để xử lý hậu quả.

"Số tiền của em lớn là vì mọi người cảm thấy em rất uy tín, điều đó làm mình rất đau khổ vì những gì mình xây dựng uy tín suốt 11 năm qua với nghề giáo viên thì giờ thành kẻ lừa đảo. Nó cũng diễn ra vào thời điểm mình đang bầu bí không biết phải làm sao", người phụ nữ chia sẻ.

Là cộng tác viên bán vé máy bay cho công ty du lịch Trúc Nguyễn, ngay khi khách chuyển tiền, chị sẽ chuyển cho công ty luôn nhằm giữ chỗ những chiếc vé giá ưu đãi.

Cảnh giác sập bẫy chiêu lừa đảo đặt tour du lịch - Ảnh 3.


"Lúc đầu mình cũng hỏi là có được đặt cọc không thì bạn ấy bảo với mình là phải thanh toán hết mới giữ được cái vé đó. Mình cũng sợ là không giữ được vé cho khách của mình, nên khách chuyển khoản là mình chuyển khoản luôn, mình có thể chứng minh bằng sao kê ngân hàng", người phụ nữ chia sẻ thêm.

Suốt một tháng qua, anh Sơn xin nghỉ việc để cùng vợ và mọi người làm đơn tố cáo đi gửi các cơ quan chức năng mong đòi lại công bằng cho những người bị hại.

"Trong giai đoạn này, hầu như em phải đưa vợ em đi, để nếu có vấn đề gì thì mình giải quyết", anh Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội, cho hay.

Chia sẻ