Cảnh éo le của gia đình ở Hà Nội có đến 9 người câm điếc

Theo Kênh 14,
Chia sẻ

Từ đời ông đến đời cháu đều bị câm điếc, khiến cho hoàn cảnh của đại gia đình ông Dương Văn Oa ở thôn Thanh Trí, xã Minh Phú (Sóc Sơn – Hà Nội) đã nghèo lại càng trở nên éo le, nhiều nước mắt.

3 đời câm điếc

Được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Văn Oa (80 tuổi), đại gia đình 3 đời đều câm điếc ở thôn Thanh Trí, xã Minh Phú (Sóc Sơn – Hà Nội).

Trước mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 xiêu vẹo như đã nói lên phần nào thảm cảnh của những con người đang sinh sống bên trong. Vừa thấy có người lạ đến, 4 đứa trẻ đều ú ớ chỉ trỏ, ra hiệu cho người lớn biết. Hai người đàn ông một già một trẻ đang ngồi cưa khúc tre ở sân, thấy có người đến cũng chỉ ú ớ ra hiệu mời vào.


Khi còn băn khoăn không biết giao tiếp bằng cách nào với họ thì may thay có một người phụ nữ từ trong nhà cất tiếng, đó là chị Cao Thị Hậu, con dâu trưởng trong đại gia đình tật nguyền này.

Cảnh éo le của gia đình ở Hà Nội có đến 9 người câm điếc 1
Những đứa trẻ ngây thơ chỉ giao tiếp bằng cử chỉ.

Mở đầu câu chuyện, chị Hậu đã nước mắt ngắn dài: “Khổ quá chú ơi, gia đình hơn chục người thì có đến 9 người bị bệnh. Từ trụ cột gia đình cho đến các cháu đang lứa tuổi học hành toàn bệnh nặng, không nghe, không nói được gì”.

Là người duy nhất nói được trong gia đình, chị Hậu dù buồn cũng cố gắng nén lòng kể cho chúng tôi tường tận. Chị cho biết, bố chồng chị là ông Dương Văn Oa, bị câm điếc bẩm sinh từ bé, mẹ chồng chị là bà Nguyễn Thị Thang (80 tuổi), mắt mù lòa cũng chỉ ngồi im một chỗ. Bố mẹ chồng chị sinh được 7 người con, 4 trai, 3 gái nhưng bị câm điếc hơn nửa. 4 người con bị câm điếc của ông bà Oa gồm có: Dương Thị Sáng, Dương Thị Ánh, Dương Văn Chút và Dương Văn Thiều (chồng chị Hậu). 3 người con bình thường kia đã lập gia đình và con cái của họ đều may mắn không sao nhưng vợ chồng chị Hậu và vợ chồng cậu em út Dương Văn Chút đã mắc bệnh thì đời con cũng không tránh được.

Cảnh éo le của gia đình ở Hà Nội có đến 9 người câm điếc 2
Căn nhà cấp 4 lụp xụp, xiêu vẹo phần nào nói lên thảm cảnh của gia đình có 9 người câm điếc.

Vợ chồng chị Hậu sinh được 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 6, còn đứa nhỏ nhất vừa tròn 20 tháng tuổi. Trong 4 đứa con của anh chị thì đến nay đã phát hiện 2 cháu bị câm, điếc bẩm sinh như bố, như ông, đứa không bị câm thì học hành cũng ngờ nghệch. Kể đến đây, chị Hậu ngậm ngùi: “Cầu mong sao đứa nhỏ còn lại được bình thường.”

Chị Hậu kể, gia đình chị mắc bệnh không phân biệt độ tuổi lớn nhỏ, mà thường di truyền theo đường máu. Lúc mới sinh ra, chúng vẫn phát triển bình thường. Đến khoảng hơn 3 tuổi thì đứa trẻ cứ bập bẹ lớn lên mà chẳng nói được thành lời.

Cảnh éo le của gia đình ở Hà Nội có đến 9 người câm điếc 3
Đứa con trai 20 tháng tuổi của chị Hậu - anh Thiều được kỳ vọng sẽ không bị tật nguyền như ông và bố.

Hai đứa trẻ khác cũng bị mắc bệnh là con của vợ chồng anh Dương Văn Chút và chị Nguyễn Thị Anh. Những đứa trẻ trong gia đình phần vì bệnh, phần vì nghèo mà chẳng được đến trường như chúng bạn.

Những người phụ nữ thiệt thòi

Chị Hậu là lao động chính của gia đình. Kinh tế gia đình quanh năm chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng cấy. Để nuôi sống gần mười miệng ăn, chị cùng cô em dâu út phải hằng ngày đi làm thuê, nhặt đồng nát bán lấy tiền. Nhiều khi đau ốm cũng không có thuốc men, không tiền chạy chữa.

Chị Hậu quê ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), lấy anh Thiều từ năm 1999 qua mai mối của một người bạn. Trước lúc nên duyên với anh Thiều, chị Hậu cũng đã biết về hoàn cảnh gia đình anh, nhưng vì thương anh nên chị đã không ngần ngại chấp nhận thiệt thòi. Chị dù rất đau khổ nhưng vẫn kiên cường sống, bởi chị cho rằng cuộc đời là sự an bài của số phận.

“Ừ thì chồng bị bệnh nhưng hy vọng vào những đứa con. Nhưng niềm hy vọng cuối cùng cũng bị dập tắt khi căn bệnh quái ác kia lại đeo bám đến cả đời con cái mình" - chị Hậu thở dài thườn thượt sau những lời kể chứa chan nước mắt.

Câu chuyện giữa chúng tôi và gia đình được chị Nguyễn Thị Anh (vợ anh Chút), cũng là người phụ nữ thứ 2 biết nói trong đại gia đình câm điếc này kể tiếp. Chị Anh cho biết, chị là người quê gốc ở đây, chị đến với anh Chút khi đã qua một đời chồng. Anh chị sinh được 2 cháu gái nhưng cũng đều bị câm điếc cả. Cùng với người chị dâu của mình, chị Anh hằng ngày phải lao động tất bật, đi mò cua bắt ốc để nuôi sống gia đình.

Cảnh éo le của gia đình ở Hà Nội có đến 9 người câm điếc 4
Hạnh phúc lớn nhất của gia đình là được ở bên nhau.

"Mặc dù bị tật nguyền, nghèo khó nhưng tất cả các thành viên trong gia đình đều cảm thấy an ủi bởi niềm hạnh phúc được ở bên nhau" - chị Anh chia sẻ.

Ước mơ nhỏ nhoi

Nghèo khổ là vậy, nhưng đại gia đình ông Oa, bà Thang vẫn được hàng xóm hết lời khen ngợi. Trong gia đình, ngoài tiếng ú ớ vì bệnh tật của con, cháu, người ta ít khi thấy đại gia đình này xô xát. Chả thế mà khi hỏi đường, một chị cùng thôn đã chẳng ngại nắng nôi, đạp xe dẫn tôi vào nhà. Chị bảo, chưa có gia đình nào khổ như gia đình đó. Họ sống hiền hậu, đức độ lắm thế mà từ đời ông bà, bố mẹ bệnh tật, đến cả những đứa cháu, ông trời cũng chẳng thương.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Binh, cán bộ thương binh xã hội xã Minh Phú cho biết, hàng năm, xã vẫn có những khoản trợ cấp cho gia đình ông Oa. Hiện hồ sơ của gia đình ông đã được chuyển lên huyện để sớm có chế độ cho gia đình ông Oa.

Nói về mơ ước của mình, chị Anh và chị Hậu chỉ mong có được con bò lấy làm vốn để nuôi sống gia đình, phụng dưỡng bố mẹ chồng, cùng chồng con được khỏe mạnh.

Hoàn cảnh nghèo khó của đại gia đình câm điếc ông Dương Văn Oa rất mong được sự giúp đỡ và chia sẻ của cộng đồng, những nhà hảo tâm để chia bớt khó khăn, giúp gia đình có thêm niềm tin trong cuộc sống, giúp những đứa trẻ có được nụ cười tuổi thơ hồn nhiên như bản năng của chúng.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Gia đình ông Dương Văn Oa - Thôn Thanh Trí, xã Minh Phú Sóc Sơn – Hà Nội, số điện thoại 0167710425 (gặp chị Cao Thị Hậu).

Chia sẻ