Cảnh báo thủ đoạn băng nhóm buôn người giăng bẫy khách du lịch tại Thái Lan
Những vụ khách du lịch Trung Quốc liên tiếp mất tích tại Thái Lan trong thời gian qua đã khiến dư luận không khỏi hoang mang.
Nhiều du khách Trung Quốc có kế hoạch du lịch Thái Lan vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới đã bày tỏ mối lo ngại trên mạng xã hội và đặt ra những nghi vấn về sự an toàn tại "xứ sở Chùa vàng".
Sự lo lắng này xuất phát từ một sự cố gần đây liên quan đến nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh, người đã mất tích hôm 3/1 trong khi đến Thái Lan để quay phim.
Nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh, 22 tuổi, được báo cáo mất tích ở tỉnh Tak, miền Bắc Thái Lan giáp với Myanmar, hôm 3/1/2025 (Ảnh: Bangkokpost)
Sau đó, ngày 17/1, kênh ABC (Australia) trích dẫn thông tin từ Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng Yang Zeqi (Dương Trạch Kỳ) và một số nạn nhân khác đã được giải cứu khỏi một đường dây buôn người và trở về Trung Quốc.
"Wang Mou, Sun Mouqiang, Yang Mouqi, Wu Mouqi, Lin Mouling, Xu Mouning và những người khác đã được giải cứu khỏi cái bẫy của đường dây buôn người và trở về nước an toàn", bộ này cho biết bằng cách sử dụng bí danh để chỉ các nạn nhân.
Theo Bộ An ninh Quốc gia, cảnh sát Trung Quốc và Thái Lan đã cùng nhau bắt giữ 12 nghi phạm bị cáo buộc có liên quan đến các hoạt động lừa đảo nơi các nạn nhân bị giam giữ.
Thủ đoạn lừa đảo của đường dây buôn người tại Thái Lan
Vương Tinh, 22 tuổi, được báo cáo mất tích ở tỉnh Tak, miền Bắc Thái Lan giáp với Myanmar. Vương Tinh tiết lộ sau khi từ Trung Quốc sang Thái Lan theo lời mời đóng phim, anh được hướng dẫn thuê xe và đi một mình đến biên giới Maesot.
Khi đến nơi, anh được một người lạ mặt đón và đưa đến một tòa nhà, bên trong còn có hơn 50 người Trung Quốc khác. Tại đây, nam diễn viên bị cạo đầu rồi bị ép học đánh máy tính. Sau đó, anh bị đưa sang Myanmar bằng thuyền.
Yang Zeqi đã mất tích sau khi bị dụ đến Thái Lan với lời đề nghị đóng vai trong một bộ phim.Sau khi hạ cánh tại Bangkok, anh được đưa đến biên giới Thái Lan-Myanmar vào ngày 21/12/2024. Theo cha anh, trước khi sang Thái Lan, nam người mẫu kiêm diễn viên nói với ông, anh được trả 8.000 NDT (gần 28 triệu đồng) cho 10 ngày làm việc.
Nam người mẫu Yang Zeqi (25 tuổi) của Trung Quốc mất tích gần 1 tháng tại Thái Lan (Ảnh: Weibo)
Lần cuối cùng người nhà Yang Zeqi biết được thông tin về anh là 8 ngày sau đó trong một cuộc gọi video với mẹ anh vào ngày 29/12. Trong cuộc gọi, anh mặc một bộ đồ đen và ngồi trên ghế, hai tay đặt trên bàn với một bên mắt dường như bị thương. Cha của anh cho biết con trai ông sau đó đã may mắn được lực lượng cảnh sát giải cứu thoát khỏi bàn tay những đối tượng lừa đảo.
Vị trí thị trấn Myawaddy, bang Kayin, Myanmar, và quận Mae Sot, tỉnh Tak, Thái Lan - nơi thường xuyên xảy ra các vụ bắt cóc. (Ảnh: Nikkei)
Khu vực phía đông Myanmar sát biên giới Thái Lan những năm gần đây khét tiếng với các khu phức hợp lừa đảo quy mô lớn, dụ dỗ nạn nhân nước ngoài bằng những lời hứa hẹn "việc nhẹ lương cao", rồi giam lỏng, buộc họ tham gia vào các vụ lừa đảo trực tuyến.
Yang Haitao, bố của Yang nhắn nhủ: "Người trẻ cần cảnh giác hơn, nhận biết tốt hơn về tình trạng lừa đảo trên Internet để tránh mắc bẫy".
Viện Hòa bình Mỹ (USIP) năm 2024 thống kê 305.000 kẻ lừa đảo, buôn người ở Myanmar, Campuchia, thu lợi bất chính 39 tỷ USD hàng năm. Vấn nạn này đang là tâm điểm chú ý sau khi diễn viên Trung Quốc Vương Tinh được giải cứu ở thị trấn Myawaddy, Myanmar, sát với quận Mae Sot, Thái Lan.
Những tập đoàn lừa đảo này chủ yếu do người Trung Quốc điều hành, có mối liên hệ sâu sắc với các tổ chức tội phạm Trung Quốc. Hầu hết nạn nhân cũng là người Trung Quốc. Các khu phức hợp lừa đảo ở thị trấn Myawaddy được nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) bảo vệ.
Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cam kết tiếp tục "trấn áp mạnh tay" hình thức tội phạm này. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho du lịch "xứ sở Chùa vàng", ưu tiên bảo vệ danh tiếng quốc gia.
Thái Lan và Trung Quốc sẽ hợp tác nhằm triệt phá các mạng lưới tổng đài lừa đảo đang gia tăng hoạt động dọc biên giới Thái Lan với Myanmar và Campuchia.
Những tổng đài bất hợp pháp này thường sử dụng lao động bị buôn bán, với mục đích lừa đảo qua điện thoại và trên không gian mạng.
Cảnh sát Thái Lan cho biết một trung tâm điều phối sẽ được thành lập tại trụ sở cảnh sát quốc gia ở Bangkok. Trung tâm này sẽ phối hợp với phía Trung Quốc để điều tra và triệt phá các băng nhóm điều hành tổng đài lừa đảo cuộc gọi tại Myawaddy của Myanmar và dọc biên giới Campuchia. Trung tâm dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay.
Theo tờ Nation Thailand, ngày 24/1, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Phumtham Wechayachai cho biết nước này đã cắt nguồn cung cấp điện đối với các thị trấn biên giới của Myanmar đối diện với các huyện Mae Ramat và Mae Sot của tỉnh Tak (Thái Lan) để ngăn chặn hoạt động tội phạm mạng.