Cảnh báo: Một tuần Hà Nội ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi

Thái Bình,
Chia sẻ

Trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp.

Ngày 18/2, theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần (từ ngày 11/2- 17/2), trên địa bàn thành phố ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018, thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc bệnh sởi.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Cũng theo WHO, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của vi rút sởi ở Việt Nam và trên thế giới.

Nguyên nhân dịch sởi gia tăng và lan rộng là do tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi không đạt tại nhiều nước và gia tăng sự di chuyển, giao lưu toàn cầu.

Tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng.

Cảnh báo: Một tuần Hà Nội ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi - Ảnh 1.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn toàn thành phố đã đạt 96,13% nhưng hiện còn một số đơn vị có tỷ lệ tiêm chưa đạt yêu cầu trên quy mô phường, xã như: phường Đội Cấn (quận Ba Đình) tỷ lệ tiêm 64,1%; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) (82,6%) và 17/21 phường của quận Đống Đa có tỷ lệ tiêm dưới 95%.

“Để chủ động phòng chống dịch bệnh này, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động trong việc vệ sinh môi trường khử khuẩn, nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng sởi”, Phó giám đốc Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh

Bên cạnh đó, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 16 trường hợp mắc tay chân miệng, 5 trường hợp mắc ho gà và 1 trường hợp não mô cầu. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 104 trường hợp sốt xuất huyết, 75 trường hợp tay chân miệng, và 5 trường hợp ho gà nhưng chưa có trường hợp tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục tổ chức tốt công tác tiêm chủng phòng bệnh, đồng thời tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ho gà, não mô cầu, sởi… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.

Từ đầu năm đến nay, dịch sởi bùng phát mạnh, nguyên nhân một phần do phụ huynh chủ quan, số khác tẩy chay vắc xin. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại Ukraina và Hoa Kỳ. Tại Hoa Kỳ, bệnh quay lại sau 20 năm nước này công bố loại trừ bệnh sởi.

Ngay trong nước, số ca mắc sởi cũng tăng rất nhanh. Các ca mắc sởi không chỉ là trẻ em mà có cả người lớn và trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, tức dưới 9 tháng tuổi. Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần:

Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Chia sẻ