CẢNH BÁO: Dính "lừa đảo kép" khi lên mạng nhờ hỗ trợ lấy lại tiền bị chiếm đoạt

HẠ VŨ,
Chia sẻ

Thay vì đến cơ quan công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh cán bộ an ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền. Chính vì điều này mà nạn nhân lại tiếp tục bị lừa lần thứ 2.

Giả danh Cục an ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo

Theo đó, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa đảo mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ an ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Với lời giới thiệu sẽ hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa từ các sàn chứng khoán, sàn thương mại điện tử, app lừa đảo với thủ tục nhanh chóng hiệu quả thủ tục đơn giản, cam kết lấy lại được tiền đã bỏ ra sau 24h.

Thay vì đến cơ quan công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh cán bộ an ninh mạng hỗ trợ lấy lại tiền. Lúc này, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.

CẢNH BÁO: Dính "cú đúp" lừa đảo trước chiêu trò "giúp" lấy lại tiền bị chiếm đoạt - Ảnh 1.

Thông tin giả danh Cục An ninh mạng để lấy lại tiền lừa đảo được đăng tải trên Facebook

Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật. Không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

Về vấn đề này, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cũng khẳng định, không có chuyện có dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Hãy ngay lập tức báo sự việc cho cơ quan chức năng, như công an, ngân hàng, để họ tiến hành điều tra và cung cấp sự hỗ trợ khi bạn bị lừa đảo mạng.

CẢNH BÁO: Dính "cú đúp" lừa đảo trước chiêu trò "giúp" lấy lại tiền bị chiếm đoạt - Ảnh 2.

Những nhóm "Lấy lại tiền lừa đảo" tràn lan trên mạng xã hội.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, hình thức mạo danh công an, tòa án,... hay những người uy tín như luật sư, kiểm sát viên hoặc chuyên gia an ninh mạng,... để lừa đảo đang có xu hướng gia tăng.

Sau đó, chúng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân về việc "mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền".

Thông qua những lời dụ dỗ về việc "đặt cọc" hay "tạo lỗ hở hệ thống" để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng 1 khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó, ví dụ bị lừa 100 triệu thì cần phải gửi 10 - 20% của số tiền, tức là 10 - 20 triệu.

Thấy số tiền này chỉ là 1 phần nhỏ trong số tiền bị mất, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền. Tuy nhiên sau khi chuyển thì nạn nhân bị khóa chặn liên lạc, số tiền bị mất lần 1 không những không lấy lại được mà số tiền chuyển cho các đối tượng nhờ lấy lại tiền cũng bị lừa.

"Mất tiền oan" với dịch vụ xóa nợ xấu

Nắm bắt được nhu cầu vay tiền và tình trạng khó khăn về tài chính của một bộ phận người dân, các đối tượng đã đánh vào tâm lý này, tạo ra những hội nhóm quảng cáo dịch vụ xóa nợ nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trên mạng xã hội, hàng loạt các hội nhóm, fanpage liên tục quảng cáo về dịch vụ xóa nợ xấu ngân hàng với những lời hứa hẹn như: “Cam kết xóa nợ xấu trên tất cả các ngân hàng nhanh, gọn; xóa nợ xấu chỉ trong 24 - 72h, xóa sạch nợ xấu trên hệ thống CIC…”.

CẢNH BÁO: Dính "cú đúp" lừa đảo trước chiêu trò "giúp" lấy lại tiền bị chiếm đoạt - Ảnh 3.

Các hội nhóm bùng nợ, xóa nợ xấu vẫn hoạt động trên MXH.

Với chiêu trò hứa hẹn sẽ xóa sạch lịch sử nợ xấu trên Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) trong vòng 24 - 72h, cam kết tạo lại hồ sơ tín dụng “sạch” với điều kiện chuyển khoản trước một khoản tiền làm cọc. Sau khi đã xóa được nợ xấu, sẽ thanh toán nốt phần còn lại.

Tuy nhiên, sau khi chuyển cọc, các đối tượng lập tức chặn liên lạc với khách hàng. Đến lúc không thấy thông báo thì khách hàng mới biết bị lừa.

Trước những thủ đoạn lừa đảo bủa vây, chuyên gia khuyến cáo khi có nợ xấu ngân hàng, mọi người tuyệt đối không nên tin vào những quảng cáo, chào mời, giới thiệu dịch vụ “che nợ xấu”, “xóa nợ xấu”. Bởi tất cả thông tin tín dụng liên quan đến một khách hàng sẽ được lưu trữ theo thời gian đúng quy định của pháp luật, không một đối tượng hay cơ quan nào có thể tùy tiện xóa đi được.

Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng.

Thông tin về lịch sử nợ xấu của khách hàng được lưu giữ trong thời gian tối đa 5 năm trên hệ thống của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam CIC. Tùy vào điều kiện vay của các tổ chức tín dụng, khách hàng chỉ có thể tiếp tục khoản vay khác khi đã thanh toán các khoản vay trước đó.

Chia sẻ