Cảnh báo chiêu trò lừa đảo "việc nhẹ lương cao" trên mạng xã hội: Chỉ cần tương tác là ra tiền?
Thời gian qua, các hình thức lừa đảo trên MXH tiếp tục bùng phát, nhiều người đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
“Like - share - thả tim” trên TikTok là ra tiền?
Được thành lập từ năm 2016 tại Trung Quốc, đến nay TikTok đang là một trong những ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất trên thế giới, mỗi ngày thu hút hàng tỉ lượt xem. Đây cũng là "mặt trận" hái ra tiền của người dùng nếu biết cách sản xuất nội dung mới mẻ, thu hút.
Tuy nhiên nếu không trực tiếp sản xuất nội dung trên TikTok, người dùng sẽ không được lợi gì từ nền tảng này bởi TikTok không trả tiền cho người xem video. Thế nhưng thời gian qua, rất nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng với chiêu thức này.
Vậy quy trình lừa đảo like video TikTok để kiếm tiền như thế nào?
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này bắt đầu bằng việc tung ra những chiêu quảng cáo hấp dẫn trên mạng xã hội hoặc gửi tin nhắn, gọi điện trực tiếp mời tham gia làm việc.
Điểm chung của những lời mời tham gia này là đều nhấn mạnh vào việc kiếm tiền đơn giản, được làm tại nhà, thu nhập tốt, hoa hồng cao, lương trả ngay trong ngày... để đánh vào lòng tham, ảo tưởng kiếm tiền nhanh của nhiều người.
Bước tiếp theo, người tham gia sẽ được hướng dẫn làm nhiệm vụ xem video TikTok bằng cách tải một app, website trung gian.
Tại đây đưa ra các gói nhiệm vụ được đặt tên theo cấp độ như vàng, bạc, đồng, kim cương hoặc vip 1, vip 2, vip 3... tương ứng với các mức giá từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng.
Nhiệm vụ để kiếm tiền thì hết sức đơn giản. Thành viên chỉ cần lên TikTok, xem video bất kỳ sau đó nhấn like, follow rồi chụp ảnh màn hình gửi về là được. Gói nhiệm vụ có mức giá càng cao thì xem video càng nhiều và tiền hoa hồng cũng càng lớn.
Sau nhiệm vụ đầu tiên, hệ thống sẽ để nạn nhân được nhận một số tiền nhỏ để tạo niềm tin. Sau khi lấy được lòng tin của các nạn nhân, các đối tượng lừa đảo tiếp tục mời gọi nạn nhân tham gia vào nhiệm vụ cao hơn với yêu cầu phải làm việc nhóm.
Trong khi thực hiện các nhiệm vụ theo nhóm, các đối tượng yêu cầu nếu có 1 thành viên thao tác sai thì sẽ không được hoàn tiền về mà phải tiếp tục làm thêm các nhiệm vụ tiếp theo với gói đầu tư cao hơn. Nếu từ chối không thực hiện theo lệnh trong nhóm, "chuyên gia" lập tức buông lời đe dọa hủy hồ sơ, đồng nghĩa với việc người dùng mất toàn bộ số tiền đã chuyển ban đầu.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục tham gia thì người dùng sẽ còn "hoảng hơn" khi số tiền mỗi lần tăng theo cấp số nhân, đến nhiệm vụ nhóm thì số tiền đã lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.
Trước áp lực buộc phải lựa chọn "mất trắng" số tiền trước đó hoặc tiếp tục mất tiền thêm nhưng có cơ hội lấy lại tiền, các nạn nhân chỉ có thể "theo lao".
Và đây cũng chính là bước cuối cùng trong quá trình lừa đảo khi các nạn nhân nhận được thông báo trong nhóm có 1 thành viên thao tác sai nên không thể rút tiền. Bởi thực chất thành viên thực hiện sai thao tác ấy chính là các đối tượng lừa giả danh những người dùng khác mà thôi.
Như trường hợp của chị A. (trú tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) hay chị L. (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã bị lừa hàng trăm triệu theo cách thức trên. Sau khi thực hiện xong những nhiệm vụ cá nhân, chị được mời gọi chị tham gia vào nhiệm vụ cao hơn với yêu cầu phải làm việc nhóm.
Chị A. được các đối tượng thêm vào nhóm với 3 tài khoản Telegram khác, có các gói đầu tư để các thành viên trong nhóm lựa chọn như sau: Gói 1: 10 triệu đồng nhận gốc và lãi về 13,5 triệu đồng hoặc 35 triệu đồng nhận về 50 triệu đồng. Gói 2: 40 triệu đồng nhận gốc và lãi về 56 triệu đồng hoặc 80 triệu đồng nhận về 102 triệu đồng. Gói 3: 80 triệu đồng nhận gốc và lãi về 115 triệu đồng hoặc 150 triệu đồng nhận 225 triệu đồng. Gói 4 (gói cuối cùng): 150 triệu đồng nhận gốc và lãi về 225 triệu đồng hoặc 300 triệu đồng nhận 450 triệu đồng.
Do tin tưởng nên chị A. đã chuyển khoản cho các đối tượng số tiền tổng 280 triệu đồng để tham gia các gói đầu tư trên, tuy nhiên khi thực hiện đến nhiệm vụ cuối cùng (gói 4) thì các đối tượng thông báo trong nhóm có 1 thành viên thao tác sai nên không thể rút tiền về mà phải làm nhiệm vụ với số tiền cao hơn. Nghi ngờ bị lừa đảo, chị A. đã đến cơ quan Công an để trình báo.
Có thể thấy, các đối tượng thường nhắm vào những người dùng nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt là học sinh, sinh viên, những người đang mong muốn có công việc làm thêm nhẹ nhàng để tăng thêm thu nhập.
Bằng những lời quảng cáo hấp dẫn như kiếm tiền dễ dàng, hoa hồng cao, lương trả ngay trong ngày; “ngồi nhà lướt video Tiktok kiếm tiền triệu”; “kiếm tiền online dễ dàng”; “ chỉ cần làm 2-3h bỏ túi 200-400k/ngày”… đã nhanh chóng thu hút được hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người tham gia các hội nhóm kiếm tiền online trên MXH với “ mộng tưởng” bỏ ra chút thời gian rảnh rỗi để “cày” tiền khi bấm like, follow các video trên Tiktok.
Không chỉ dừng ở việc tung ra những chiêu quảng cáo trên MXH, thậm chí nhiều TikToker có lượng người theo dõi đông cũng tham gia quảng cáo cho hình thức lừa đảo này để thu hút người tham gia.
Không chỉ bị mất tiền cho các đối tượng lừa đảo, người dùng còn để lộ các thông tin cá nhân quan trọng, có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc khi truy cập vào đường link lạ hay thậm chí mất tài khoản ngân hàng khi thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.
Trước tình hình trên, cơ quan Công an khuyến cáo người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác trước các lời mời gọi tham gia kiếm tiền trên các ứng dụng Tiktok, Telegram…, cần tìm hiểu kỹ các hình thức kiếm tiền, kiểm chứng rõ các thông tin tuyển dụng cũng như thông tin về doanh nghiệp.
Lại bùng phát giả mạo tin nhắn ngân hàng
Mới đây, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, đã ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) của các ngân hàng như TP Bank, Techcombank, ACB, SCB..., với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Theo đó, những website giả mạo trang thông tin điện tử của ngân hàng được các đối tượng lừa đảo "dụ" người dùng truy cập, có tên miền như online.acbvnx.com, online.acbonliine.com, acb.vn-ul.top, scb.vn-kr.xyz, scb.vn-scb.xyz, scb.vn-scb.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-zt.xyz, scb.vn-co.top, scb.vn-cb.xyz, scb.vn-vp.xyz, scb.vn-zl.xyz, techcombank.vn-lt.xyz, vpbank.vn-sc.top, vpbank.vn-ic.top, vpbank.vn-ty.top, vpbank.vn-ty.info...
Các tin nhắn giả mạo tin nhắn định danh của ngân hàng thường được đối tượng lừa đảo gắn nội dung về việc thông báo tài khoản của khách hàng đã bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền... với đường dẫn đính kèm yêu cầu người dùng nhập user/mật khẩu/OTP để làm theo hướng dẫn. Thực tế, đã có không ít người dùng do thiếu cảnh giác đã thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng xấu và bị "sập bẫy" lừa đảo.
Vì vậy, VNCERT/CC khuyến cáo người dùng khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người dùng các dịch vụ ngân hàng cũng cần lưu ý rằng website chính thức của các tổ chức ngân hàng thường sử dụng giao thức "https" và tên miền quốc gia Việt Nam ".vn".
Trường hợp nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần lưu lại các bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi), phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý; đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật.
Trước đó, VNCERT/CC đã phát đi thông báo cho biết, qua giám sát, theo dõi phản ánh của người dùng trên Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, đơn vị đã ghi nhận nhiều phản ánh liên quan tới việc giả mạo tin nhắn thương hiệu của các ngân hàng như TPBank, Techcombank, ACB, SCB..., với mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng.