2 phụ nữ bị lừa hàng tỷ đồng vì tham gia giật đơn hàng ảo, CẢNH BÁO 3 thủ đoạn lừa đảo qua sàn thương mại điện tử mà chị em cần lưu ý
Sau khi thuyết phục người tham gia chuyển khoản số tiền lớn, kẻ lừa đảo sẽ chặn mọi liên lạc và xóa mọi dấu vết.
Cảnh báo nhiều nhưng vẫn "sập bẫy"
Trong thời gian qua, Công an Hà Nội và Công an TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trình báo về việc lừa đảo qua mạng xã hội với số tiền hàng tỷ đồng.
Theo đó, ngày 12/7, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân là chị T. (SN 1983, trú tại Long Biên, Hà Nội) với số tiền bị chiếm đoạt lên đến 1,2 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 8/7, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM cũng thụ lý điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở địa bàn phường 21. Nạn nhân trong vụ việc là chị N.M.L.K (22 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) với số tiền bị lừa đảo gần 100 triệu đồng.
Đáng nói, cả 2 vụ việc này đều cùng một hình thức lừa đảo.
Theo đơn trình báo của các bị hại, họ đều tham gia vào công việc xử lý đơn hàng online trên Facebook. Các đối tượng đưa ra hứa hẹn hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày, thanh toán mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 - 20%.
Khi nạn nhân thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ sẽ được hưởng hoa hồng, tuy nhiên khi đến các đơn hàng có giá trị cao sẽ bị chiếm đoạt tiền.
Dù đã được cảnh báo nhưng do đang có nhu cầu tìm việc cùng với lời hứa hẹn công việc đơn giản, làm tại nhà, lương cao, không ít người đã bị vướng vào những công việc đa cấp này và bị lừa đảo hàng chục triệu thậm chí hàng tỷ đồng.
Cạm bẫy giật đơn ảo kiếm hoa hồng
Dễ dàng, lương cao, ngồi nhà mà vẫn có thể kiếm vài trăm tới vài triệu đồng mỗi ngày, không giới hạn độ tuổi, kĩ năng hay học vấn, những công việc nghe qua là đã thấy hời.
Dễ là bởi điều kiện cần chỉ là 1 chiếc điện thoại thông minh và 1 tài khoản ngân hàng còn điều kiện đủ: bạn phải tin và làm theo hướng dẫn.
Cộng tác viên sẽ được cấp mã đăng nhập vào các app, đường link mang tên nhiều sàn TMĐT lớn. Hàng ngày, bạn sẽ phải chuyển tiền để chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng lượt tương tác và uy tín cho các gian hàng. Gọi là giả vờ vì bạn không phải mua gì, số tiền ứng trước ấy sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10 đến 30% giá trị đơn hàng. Đơn hàng càng lớn, đương nhiên hoa hồng càng nhiều.
Nếu còn đa nghi về thứ gọi là việc nhẹ, lương cao, người tuyển dụng sẽ ngay lập tức tạo dựng niềm tin bằng mọi cách:
"Gửi chứng minh thư cho mình này, xong rồi bạn ấy có nạp cho mình một số tiền nho nhỏ là 30.000 đồng. Thay vì bạn ấy cứ để số tiền ấy mình nạp vào liên tục thì không có sự tin tưởng thì bạn ấy cứ bảo thôi em rút ra đi, thế là cứ rút ra xong lại nạp vào" - nạn nhân của lừa đảo chốt đơn ảo cho biết.
"Hai nhiệm vụ đầu tiên em vẫn nhận được tiền về nên em vẫn không nghĩ là mình bị lừa. Hai nhiệm vụ đầu tiên em đóng bao nhiêu và nhận về bao nhiêu? Em đóng 1 triệu và nhận về 500 nghìn lãi ạ. Em có rút được không? Có ạ" - nạn nhân của lừa đảo chốt đơn ảo nói.
Tiền lãi vẫn được gửi về cho những nhiệm vụ đầu có trị giá thấp. Nhưng càng về sau, khi đơn hàng lên tới vài triệu hay vài chục triệu đồng, những nghi vấn, chần chừ sẽ đến và đó cũng là lúc người tuyển dụng tiếp tục chơi chiêu.
Cam kết hoàn trả tiền chỉ sau 3-5 phút, cam kết xong nhiệm vụ nào hoàn tiền nhiệm vụ đó, tin vào những lời trên giấy, những đơn hàng ảo liên tiếp được chốt bằng tiền thật. Khi người tham gia không thể kiếm đâu ra tiền nữa, sự thật mới lộ diện...
3 thủ đoạn lừa đảo
Trước tình trạng các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các sàn thương mại điện tử đang diễn ra ngày càng phổ biến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo về các thủ đoạn chiếm đoạt tài sản qua các sàn thương mại điện tử như sau:
Thủ đoạn thứ nhất, đối tượng thường lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.
Các đối tượng sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần, cùng với đó là những dòng mô tả như "giảm giá sốc", "thanh lý xả kho", những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử, điện thoại,…
Khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua và sử dụng các phương thức liên lạc như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến không thông qua sàn thương mại điện tử với mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết. Sau khi bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện trong đó có các vật phẩm không giá trị.
Thủ đoạn thứ 2, các đối tượng cài đặt đơn hàng ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng nhưng vẫn tạo đơn vận chuyển của các công ty vận chuyển đến địa chỉ người mua.
Khi đó đối tượng tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị. Người bị hại sử dụng phương thức thanh toán trả trước và không kiểm tra sản phẩm khi nhận hàng hoặc lầm tưởng đây là sản phẩm mình đặt mua trên sàn thương mại điện tử nên vẫn tiến hành thanh toán tiền bình thường khi nhận hàng.
Do việc giao dịch của người bị hại ngoài phạm vi của các sàn thương mại điện tử nên không được đảm bảo quyền lợi đổi trả, hoàn tiền sản phẩm vì hệ thống các sàn thương mại điện tử không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay xác định người dùng bị thiệt hại.
Thủ đoạn thứ 3, các đối tượng tự nhận là nhân viên của các sàn thương mại điện tử hỗ trợ về việc đổi trả về đơn hàng mà bạn đã đặt trên các sàn thương mại điện tử trước đó. Lợi dụng nhu cầu phát sinh đổi trả từ bạn, các đối tượng sẽ hứa thu hồi và hoàn tiền, đền tiền gấp 3 lần, sau đó lừa bạn bấm vào link lừa đảo và yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin cá nhân như: Số điện thoại, tên định danh, chi tiết thông tin thẻ tín dụng/tài khoản ngân hàng (bao gồm cả mật khẩu và/hoặc OTP) để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi với nội dung "Bạn được nhận một phần quà vì bạn là khách hàng may mắn trúng thưởng của chương trình nào đó" hoặc "Bạn là khách hàng thân thiết"… Các đối tượng này sẽ yêu cầu người bị hại phải trả thêm phí vận chuyển hoặc phí hỗ trợ.
Các đối tượng sẽ gửi tin nhắn đến người bị hại hoặc đăng tin tuyển dụng trên các trang thông tin trôi nổi bằng các giả mạo là nhân viên, nhân sự cấp cao các sàn thương mại điện tử để lừa đảo tuyển dụng bằng các lời chào mời như "có thể dễ dàng kiếm tiền bằng điện thoại di động". Nội dung tin nhắn yêu cầu bị hại kết bạn trên ứng dụng thông tin khác nhằm trục lợi thông tin cá nhân cũng như mục đích không tốt khác.