Càng xem nhân vật này trong phim Sex Education, tôi càng sợ hãi “quyền lực làm cha” của chính mình

Tuệ Tâm,
Chia sẻ

Nhân vật này trong phim Sex Education dù sao vẫn còn vô cùng may mắn…

Cha mẹ lệch lạc: Kỳ vọng thái quá, đòi con hoàn hảo!

Jackson Marchetti trong loạt phim Sex Education của Netflix là hình mẫu lý tưởng trong mắt mọi người: đẹp trai, nổi tiếng, đội trưởng bơi lội với sự nghiệp thể thao đầy hứa hẹn phía trước. Nhưng bên trong vẻ ngoài hoàn hảo đó lại là một thiếu niên với tâm trí và cảm xúc bị bóp nghẹt bởi kỳ vọng của phụ huynh.

Trong Sex Education, Jackson không bơi vì đam mê, mà vì mẹ cậu đã chọn sẵn. Cậu không thể nói không với những buổi tập luyện khắc nghiệt, không thể làm mẹ thất vọng, không thể rời khỏi con đường đã được vạch sẵn.

Càng xem chàng trai này trong phim Sex Education, tôi càng sợ hãi “quyền lực làm cha” của chính mình - Ảnh 1.

Jackson lớn lên với sự kỳ vọng và kiểm soát thái quá của mẹ. Ảnh: Reddit

Nhưng rõ ràng những người cha mẹ có thể dễ dàng “uốn nắn” con theo ý mình khi chúng còn nhỏ, thì khi con bước vào tuổi dậy thì trở đi, điều này thường tạo ra xung đột.

Càng ngày, Jackson càng không ngừng khám phá và đặt dấu hỏi về thay đổi tâm sinh lý của bản thân, những mối quan hệ xung quanh, cái gì là điều mình muốn, cái gì là quan trọng…

Một điều chắc chắn: Jackson thấy ngột ngạt với bơi lội và lịch sinh hoạt, sự kiểm soát mà mẹ cậu đặt ra, khiến cậu tự tìm cách thoát khỏi nó - bằng cách tự làm hại bản thân.

Khoảnh khắc Jackson đưa bàn tay vào để cho quả tạ dập xuống là một cảnh phim ám ảnh. Nó không đơn giản là một hành động bộc phát, mà là tiếng kêu cứu của một đứa trẻ không biết cách chống lại áp lực từ gia đình. Cậu không dám nói với mẹ rằng cậu muốn dừng lại, nên cậu chọn cách gây ra một lý do khiến mình buộc phải dừng lại.

Có bao nhiêu đứa trẻ ngoài đời cũng đang phải chịu đựng như Jackson? Những câu nói như: Con phải giỏi hơn (người này người kia); Con phải thành công để không phụ lòng cha mẹ; Bố mẹ đã hy sinh tất cả vì con, đừng thất bại; v.v. dường như còn quá phổ biến.

Mà không chỉ là lời nói, có thể còn những gia đình thậm chí người cha hoặc mẹ không nói tương tự như trên, nhưng cách họ “uốn nắn”, “đặt ra khuôn phép”, dùng “quyền lực làm cha”, “quyền lực làm mẹ” để đòi hỏi con luôn luôn phải hoàn hảo, chỉn chu, không sai phạm, luôn dẫn đầu. Cách áp đặt quyền lực thậm chí có vẻ như là thông qua những câu khích lệ, có vẻ động viên, rồi có khi là chê trách, mắng nhiếc, hoặc thể hiện bằng thái độ…

Càng xem chàng trai này trong phim Sex Education, tôi càng sợ hãi “quyền lực làm cha” của chính mình - Ảnh 2.

Mẹ Jackson thường xuyên nói "lời động viên, khích lệ" con, nhưng thật ra là một kiểu áp đặt rất cực đoan. Ảnh: ScreenRant

Những áp lực kiểu như mẹ của Jackson có thể tàn phá tâm lý trẻ em, làm chúng mất đi quyền tự quyết định cuộc sống của mình. Jackson chỉ là một nhân vật hư cấu, nhưng bi kịch của cậu phản ánh hiện thực của rất nhiều thanh thiếu niên trong xã hội. Sở dĩ nhân vật Jackson khiến tôi đặc biệt chú ý ở phim Sex Education chính vì bản thân mình, cũng từng nhiều lần như vậy, với con mình!

Sự áp đặt của cha mẹ: Hậu quả thế nào?

Trường hợp của Jackson có thể là triệu chứng của tình trạng Tự làm hại bản thân (NSSI - Non-Suicidal Self-Injury), hành vi cố ý gây tổn thương cơ thể mà không có ý định tự tử, thường nhằm giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Theo một nghiên cứu của Janis Whitlock ở Hoa Kỳ, tỷ lệ thanh thiếu niên từng tự hại bản thân dao động từ 12% đến 37,2%, với độ tuổi trung bình bắt đầu từ 11 đến 15 tuổi. Phần lớn các trường hợp xảy ra theo 3 dạng: hành vi lặp lại theo thói quen, hành vi mang tính bộc phát, và hành vi kéo dài liên tục. Mặc dù không trực tiếp liên quan đến ý định tự tử, nhưng có mối tương quan đáng kể với trầm cảm, lo âu và ý nghĩ tự sát.

Trong khi đó, Shan Niu và cộng sự trong một nghiên cứu công bố năm 2023 ở Trung Quốc cho biết có đến 94,76% thanh thiếu niên tự làm hại bản thân cũng đồng thời mắc trầm cảm, trong đó phần lớn thuộc nhóm trầm cảm nặng. Các tác giả chỉ ra những yếu tố cốt lõi liên kết giữa NSSI (tự hại bản thân không có ý định tự tử) và trầm cảm bao gồm:

* Cảm giác thất bại hoặc làm bản thân/gia đình thất vọng.

* Mất hứng thú hoặc không còn niềm vui trong các hoạt động thường ngày.

* Cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức kéo dài.

Ngoài ra, suy nghĩ thường xuyên về việc tự làm đau bản thân là cầu nối quan trọng nhất giữa trầm cảm và NSSI, cho thấy trẻ em càng chìm sâu vào trầm cảm thì càng có xu hướng lặp lại hành vi tự hại.

Trong phim Sex Education, Jackson đã trải qua những trạng thái như liệt kê bên trên, và suýt nữa tự làm hại bản thân lần thứ hai, nếu không có sự can thiệp kịp thời của cô bạn Vivienne Odusanya.

Càng xem chàng trai này trong phim Sex Education, tôi càng sợ hãi “quyền lực làm cha” của chính mình - Ảnh 3.

Khoảnh khắc Jackson được bạn thân Viv ngăn việc cậu tự làm tổn thương lần thứ hai. Ảnh: Reddit

Jackson thật may mắn vì có người bạn thân bạn Vivienne Odusanya, dù cùng tuổi với cậu nhưng lại đầy đủ hiểu biết về chứng tự hại. Cô gái trẻ đã quyết định nói hiện trạng của cậu cho hai mẹ của Jackson.

Và thật may mắn cho cậu là hai người mẹ thật lòng yêu thương con, đủ tỉnh táo để nhận ra sự cực đoan của mình, và thay đổi bản thân. Họ không còn cố ép buộc cậu trở thành một vận động viên nữa. Mẹ nuôi của Jackson chấp nhận rằng: Jackson quan trọng hơn những huy chương cậu giành được.

Còn nhiều bậc làm cha mẹ khác trong chúng ta thì sao?

Càng xem chàng trai này trong phim Sex Education, tôi càng sợ hãi “quyền lực làm cha” của chính mình - Ảnh 4.

May mắn của Jackson là mẹ cậu đã thay đổi bản thân, lắng nghe con. Ảnh: Fandom

Chia sẻ