Cẩn trọng khi mua vé bay Tết
Hành khách nên mua vé trực tiếp trên website hay phòng vé chính thức của các hãng hoặc yêu cầu xuất hóa đơn khi mua qua đại lý.
Còn hơn 3 tháng mới đến kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2020 nhưng các hãng hàng không đã mở bán vé máy bay Tết. Năm nay, dù có thêm hãng hàng không mới Bamboo Airways nhưng theo ghi nhận, giá vé Tết của các hãng không rẻ hơn mọi năm.
Mất tiền oan khi mua ở đại lý
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, anh Vũ (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết đầu mới đây, gia đình em trai anh Vũ đã nộp 97,2 triệu đồng cho đại lý vé máy bay S.L (hẻm 332 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP HCM) đặt mua 4 vé từ TP HCM đi Mỹ. Tuy nhiên, khi sắp đến ngày bay, chủ đại lý vé máy bay này thông báo chuyển giờ bay do có trục trặc. Người nhà anh Vũ đến tận đại lý S.L kiểm tra thông tin mã đặt chỗ và thấy có tên. Tuy nhiên, khi về đến nhà kiểm tra trên hệ thống của hãng thì không thấy tên và được giải thích vé không xuất được do chưa thanh toán tiền vé. Sau đó, gia đình anh Vũ phải bỏ ra hơn 130 triệu đồng để mua vé ở nơi khác để kịp lịch xuất cảnh.
"Sau sự cố, chủ đại lý vé máy bay S.L có làm cam kết sẽ thanh toán lại toàn bộ số tiền mua vé trước đây. Nhưng đến nay, sau nhiều lần hối thúc, thậm chí làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an, chủ đại lý mới chỉ trả 35 triệu đồng" - anh Vũ bức xúc. Báo Người Lao Động đã liên hệ với chủ đại lý vé máy bay S.L nhưng thuê bao không gọi được, địa chỉ đặt văn phòng của đại lý này thường xuyên khóa cửa...
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: TẤN THẠNH
Đại diện một hãng hàng không giải thích trường hợp của gia đình anh Vũ, đại lý vé máy bay mới booking (đặt giữ chỗ từ hãng) chứ hãng chưa xuất vé nên hợp đồng chưa có hiệu lực. Do đó, vụ việc là quan hệ dân sự giữa hành khách và đại lý, hãng không liên quan và không thể can thiệp. Theo vị này, tình trạng đặt vé qua đại lý, thanh toán tiền nhưng không có tên trên hệ thống khi tới sân bay là không hiếm, bởi hiện có rất nhiều đại lý thứ cấp và các hãng không kiểm soát được việc đại lý đặt vé cho khách nhưng sau đó có thể hoàn, trả lại vé mà không trả lại tiền cho khách. Dịp Tết nguyên đán năm rồi, nhiều hành khách phải ngồi vật vã trước quầy đại diện các hãng hàng không ở sân bay Đà Nẵng để đăng ký vé giờ chót, có trường hợp khách mua vé, trả tiền qua đại lý nhưng không có tên; cũng có trường hợp chỉ có tên trên hệ thống lượt đi từ TP HCM - Đà Nẵng, trong khi lượt về không có…
Mua sớm cũng không rẻ
Thời điểm này, các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways... đã mở bán vé Tết trên nhiều chặng bay trong và ngoài nước.
Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO) vừa chính thức mở bán vé máy bay dịp Tết nguyên đán Canh Tý 2020 trên tất cả đường bay nội địa. Từ ngày 9-1 đến 8-2-2020 (tức từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng), các hãng trong hệ thống Vietnam Airlines Group sẽ cung ứng tổng cộng gần 2 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng hơn 25.000 chỗ (tương đương 1.100 chuyến bay) so với cùng kỳ. Trong đó, Vietnam Airlines và VASCO sẽ cung ứng gần 7.600 chuyến bay, Jetstar Pacific cũng mở bán hơn 3.000 chuyến bay. Thời gian tiếp theo, tùy vào nhu cầu thị trường, 3 hãng sẽ tiếp tục nghiên cứu và mở thêm chuyến bay phục vụ hành khách dịp Tết nguyên đán. Các đường bay có nhu cầu đi lại lớn được tập trung tăng chuyến gồm giữa Hà Nội đi TP HCM, Vinh, Cần Thơ, Phú Quốc và giữa TP HCM đi Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế… Theo Vietnam Airlines, các hãng tiếp tục duy trì dải giá vé rộng với nhiều mức giá linh hoạt.
Từ giữa tháng 8, Vietjet Air đã bắt đầu mở bán vé Tết nguyên đán. Đại diện hãng hàng không này cho biết giá vé của hãng được mở theo mức từ thấp đến cao, mua càng sớm càng tiết kiệm và tránh xảy ra tình trạng khan hiếm vé... Ngày 27-9, khảo sát nhiều đường bay trên các website của các hãng hàng không, Báo Người Lao Động ghi nhận hàng loạt vé máy bay đang được mở bán dịp Tết nhưng không dễ tìm được vé rẻ, dù còn hơn 3 tháng nữa mới tới Tết.
Chị Bích Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đang có nhu cầu đặt vé cho gia đình 4 người về quê ăn Tết, chặng TP HCM - Vinh. Khảo sát giá một vòng website của các hãng Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways, chị Bích Thanh cho biết rất khó tìm được vé giá thấp. "Xem hết giá vé của các hãng trên mạng cho chặng này, ngày đi từ TP HCM khoảng 27-28 tháng chạp, ngày về mùng 7-8 tháng giêng nhưng không hãng nào có giá vé gồm thuế phí dưới 3,5 triệu đồng (thấp nhất cũng từ 2,85 triệu đồng/vé chưa thuế, phí). Gia đình 4 người tốn gần 30 triệu đồng tiền vé khứ hồi" - chị Thanh chia sẻ.
Gia đình anh Liêm (ngụ quận 9) có 4 người nhưng do có một bé nhỏ dưới 2 tuổi (không phải mua vé) nên chi phí đi máy bay về dịp Tết thấp hơn nhưng cũng không rẻ. "Vé của Vietnam Airlines dịp Tết chỉ còn hạng thương gia, Bamboo Airways chưa thấy mở bán, trong khi Vietjet Air và Jetstar Pacific ít nhất khoảng 1,85 triệu đồng/vé chưa thuế, phí. Nếu tính cả gia đình, tổng chi phí đi lại bằng máy bay khoảng 15 triệu đồng" - anh Liêm cho hay.
Đại diện một hãng hàng không giải thích vé máy bay dịp Tết được mở bán trước 3-4 tháng nhằm tạo thuận lợi cho hành khách mua vé về quê, du lịch... Và khó có vé rẻ do dịp Tết nhu cầu đi lại tăng cao, hãng thường phải cân đối chi phí ở chiều ngược lại khi máy bay bay rỗng để quay đầu. Đổi lại, mở bán sớm giúp hành khách có thói quen lên kế hoạch đi lại sớm, bảo đảm đặt được chỗ trong thời gian cao điểm.
Tính phương án bay đêm để giải tỏa khách
Các hãng hàng không cho biết tùy nhu cầu của khách hàng mà hãng sẽ quyết định tăng chuyến bay trên các đường bay, trong đó nhiều khả năng tăng cường bay đêm những ngày cao điểm Tết. Nếu tần suất bay ngày lớn, các hãng phải tính toán chuyển kế hoạch sang bay cả đêm nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, dù điều này còn tùy thuộc vào slot (lượt cất/hạ cánh) ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài.