Cần Thơ: Nhiều trẻ mắc tay chân miệng trong tình trạng nặng
Tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, trong tháng 11 ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng, trong đó có không ít trường hợp trẻ tình trạng nặng.
Theo ghi nhận số liệu tổng kết về bệnh tay chân miệng tháng 11 /2020 tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, có 1.818 bệnh ngoại trú, trong đó có 340 bệnh nhập viện, 25 bệnh phải nhập khoa hồi sức tích cực chống độc, có 17 bệnh nặng độ 3.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Bệnh tay chân miệng đã trở thành bệnh lưu hành quanh năm trên cả nước, tuy nhiên, số ca mắc bệnh tay chân miệng thường có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12.
Phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi, trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá trễ. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có những biểu hiện cần chú ý sau đây:
- Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các tổn thương hồng ban, bóng nước xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng chân, trong ổ miệng, và đôi khi xuất hiện ở vùng mông, đầu gối của trẻ.
- Một trong những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ nhỏ khi mắc bệnh Tay chân miệng là tình trạng loét miệng. Vị trị loét thường được phát hiện nhiều nhất là vùng hầu họng (gần lưỡi gà), đôi khi xuất hiện ở niêm mạc má, môi hoặc lưỡi, số lượng vết loét rất thay đổi từ 1 đến vài mụn loét trong miệng, kích cỡ khoảng 2mm - 3mm. Loét miệng khiến trẻ có cảm giác đau rát khi ăn, uống là lý do trẻ không chịu ăn, không chịu bú, và thường chảy nước miếng liên tục.
- Một số trẻ có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ thường từ 37,5 - 38 độ C. Tuy nhiên, có những trẻ bị sốt cao trên 39 độ C liên tục là một trong những dấu hiệu gợi ý trẻ bị tay chân miệng đã nghiêm trọng cần nhập viện để điều trị tốt hơn.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện nghi ngờ, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ sớm để trẻ được điều trị kịp thời và có biện pháp cách ly chăm sóc hợp lý.