Cẩn thận với các “chiêu lừa” học hè cho bé

Lan Vu, nguồn ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Hè đến, nhiều bậc phụ huynh rục rịch tìm hiểu về các chương trình sinh hoạt hè cho con. Tuy nhiên, không ít người tiền mất mà chuốc bực vì những lớp sinh hoạt hè “mờ ảo”.

Không quá khó để tìm được một địa chỉ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Ngoài các nhà thiếu nhi của quận, thành phố thì các trung tâm có tên “trung tâm tư vấn giáo dục” cũng mọc lên không ít với các hoạt động đa dạng như tổ chức CLB cờ vua, CLB bơi, CLB võ, CLB aerobic, các lớp học tiếng Anh, lớp học kỹ năng sống...

Thường thì những trung tâm này thông qua trường tiểu học để tuyển sinh và thuê giáo viên về dạy tại trường. Vào cuối các buổi học, nhân viên của trung tâm vào lớp, phát cho các em một tờ giấy khảo sát, thăm dò sự yêu thích của các em dành cho hoạt động nhất định nào đó, và quan trọng hơn là... lấy số điện thoại của bố mẹ các em.
 
Ảnh minh họa.

Tại trung tâm, các nhân viên gọi điện liên hệ với phụ huynh, giới thiệu về các chương trình và đều nhân danh “thầy giáo (cô giáo) của CLB sinh hoạt hè” trường tiểu học nơi học sinh đang theo học.

Nhận được điện thoại, các bậc phụ huynh thường rất tin tưởng, luôn nghĩ đó là hoạt động của trường, do đó nhiều phụ huynh không ngần ngại đăng ký học cho con. Tuy nhiên, không ít phụ huynh đã đăng ký, đóng học phí nhưng ...đợi mãi chẳng thấy gọi đi học.

Chị P. Dung (Phương Liệt, Hà Nội) đã chẳng may rơi hoàn cảnh đó, chị nói: “mình đã đóng tiền cho con học lớp cờ vua, họ nói là cuối tháng 6 lớp này sẽ khai giảng nhưng giờ là đầu tháng 7 rồi mà vẫn chẳng thấy báo đi học, gọi lại số điện thoại đã gọi cho mình thì không liên lạc được”.

L. Ngọc (sinh viên trường Đại học Kinh doanh Công nghệ) đã từng làm việc tại một trung tâm tư vấn giáo dục như trên. Chỉ trong hai ngày đầu tiên làm việc, Ngọc đã không ít lần rơi vào tình huống sượng sùng khi gọi điện cho phụ huynh giới thiệu về chương trình học thì bị phụ huynh phản ứng gay gắt: “còn võ với vẽ cái gì, chị đã đăng ký cho thằng bé nhà chị học cờ vua mà khai giảng chả thấy thông báo gì cả. Em hỏi xem có phải cùng hội với bọn em không?”...
 
Ảnh minh họa.

Khi đó, Ngọc vẫn ngây thơ nghĩ rằng có lẽ trường hợp này bị thông báo “sót” và cẩn thận ghi lại số điện thoại đưa cho chị quản lý để chị gọi lại, nhưng thái độ thờ ơ, không quan tâm của chị làm bạn bắt đầu hiểu mình đang làm việc cho một trung tâm như thế nào?  

Nhiều trường hợp khác, phụ huynh hỏi sao chưa khai giảng lớp học như đã thông báo thì bạn được một chị nhân viên tư vấn “cứng” mách nước là phải trả lời rằng: hiện nay đang vào đợt thi ĐH, phòng học bị niêm phong cho thí sinh thi, nên chưa tổ chức được, khoảng giữa tháng 7 mới tổ chức. Rồi giữa tháng 7 phụ huynh hỏi thì lại trả lời là do đang đợt thi Cao đẳng, hết đợt thi Cao đẳng thì lại bảo thi Trung cấp (?!)....

Sau hai ngày thử việc, dù đã được nhận vào làm chính thức nhưng Ngọc vẫn quyết định nghỉ việc vì thấy không thoải mái với công việc mập mờ này. “Hơn nữa, khi gọi điện đến cho phụ huynh, toàn nhân danh cô giáo nọ cô giáo kia nên được phụ huynh rất tôn trọng mà mình làm ăn thế này thấy không xứng đáng với sự tôn trọng đó!”, Ngọc nói. 

Những trung tâm này không phải mang bản chất “lừa đảo 100%” bởi thực chất trung tâm vẫn tổ chức dạy như đã thông báo nhưng vẫn không ngừng “gia tăng lợi nhuận” bằng việc “quỵt” tiền của nhiều phụ huynh. Do đó, để không phải là những phụ huynh kém may mắn ấy, các bậc phụ huynh nên thận trọng chọn nơi học đáng tin cậy hơn cho con là những nhà thiếu nhi hay sinh hoạt tại phường....

Chia sẻ