Cẩn thận kẻo mang họa vì chữa bệnh qua mạng

HN,
Chia sẻ

Ngay cả với những thông tin hết sức thiết thực và quan trọng tới sức khỏe, tính mạng con người như các bệnh tật cũng được nhiều người mang lên... internet để hỏi.

Ngày nay, khi công nghệ hiện đại phát triển, nhu cầu của con người cũng được đáp ứng nhanh hơn. Đặc biệt khi mạng lưới tra cứu trên internet ngày càng phát triển thì "công việc" chính của con người chỉ là những thao tác gõ phím và di chuột mà thôi. Chỉ sau vài giây, tất cả những thông tin bạn cần đã "xòe" ra trước mắt.
 
Chữa bệnh gì cũng hỏi... internet
 
Không ít người thay vì đến các phòng khám để được bác sỹ tư vấn, khám, xét nghiệm và kê đơn bốc thuốc thì lại ngồi máy tính và tự tìm phương thuốc chữa bệnh theo những triệu chứng bên ngoài.
 
Chị Mai Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) không ngại ngần chia sẻ: "Vẫn biết đi khám thì sẽ tốt hơn, nhưng với những triệu chứng hết sức bình thường như đau đầu, sổ mũi hay đau chân, đau tay thì cũng không nặng lắm, có thể tham khảo trên mạng cách chữa là được.
 
Đi viện thì cũng chỉ được những thuốc phổ biến thế thôi, mà lại phải chờ xếp hàng, lấy số lâu lắm. Mình thì không có nhiều thời gian. Nói thật, bệnh nặng thì mới phải vào viện chứ bệnh nhẹ thì thôi tôi tự chữa cho xong. Trên mạng ối thông tin liên quan đấy thôi".
 
Không thể phủ định một điều rằng việc tìm kiếm thông tin trên mạng tiện lợi hơn rất nhiều so với đến bệnh viện để thăm khám. Đặc biệt, những người "chuộng" cách chữa bệnh kiểu này lại thường là các mẹ có con nhỏ.

Cẩn thận kẻo mang họa vì chữa bệnh qua mạng
Rất đơn giản, chỉ cần một vài thao tác là bạn đã biết cách chữa bệnh cho con mình qua các diễn đàn.
 
Chỉ cần vào một số các diễn đàn liên quan đến con cái như lamchame, webtretho... và bày tỏ một số triệu chứng bệnh của con, các mẹ sẽ nhanh chóng nhận được một loạt chia sẻ của những mẹ có con nhỏ khác trả lời nên dùng thuốc này tốt, dùng lá cây kia có thể trị được các triệu chứng bệnh...
 
Chị Hà Ngọc Thu (Kim Mã - Hà Nội) đau đầu bởi cậu con trai gần 3 tuổi sinh chứng biếng ăn mặc dù đồ ăn chị cất công chế biến rất cầu kỳ.
 
Vốn là thành viên của một trang web dành cho các bà mẹ nên chị nhanh chóng nhận được hàng loạt tư vấn của các thành viên khác về các loại "thần dược" khiến chị không khỏi băn khoăn bởi không biết nên chọn loại nào dùng cho con mình thì phù hợp.
 
Lợi thì có lợi nhưng...
 
Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ H. Đô (Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) cho biết: Trong nhiều năm tham gia khám chữa bệnh, không ít lần các bệnh nhân đã thừa nhận đã từng dùng một số loại thuốc trước khi đến bệnh viện để khám.
 
Khi được hỏi thuốc đó do bác sĩ ở bệnh viện nào kê thì hầu hết bệnh nhân đều trả lời rằng tự tìm kiếm thông tin thuốc trên mạng dựa theo các triệu chứng biểu hiện bên ngoài của mình.
 
Còn khi được hỏi "Tại sao tự chữa bệnh theo kiểu 'liều' như vậy?" thì rất nhiều bệnh nhân trả lời rằng họ nghĩ bệnh của mình đơn giản hoặc thấy mọi người cũng thường chữa bệnh như vậy.
 
Tuy nhiên, bác sĩ Đô cũng cho biết thêm rằng: nhiều bệnh nhân cứ có biểu hiện sốt, lạnh run, sổ mũi là nghĩ ngay đến cúm thông thường và tự mua thuốc uống. Nhưng đến khi bệnh không đỡ mà còn rơi vào tình trạng nặng hơn thì mới chuyển đến bệnh viện.
 
Rất nhiều bệnh nhân lúc này được chẩn đoán là bị sốt rét ác tính và đã bắt đầu có biểu hiện của biến chứng não và tổn thương gan mật. Điều này chứng tỏ việc tự ý mua thuốc chữa bệnh dù qua internet hay gì đi nữa cũng rất nguy hiểm.
 
Bởi các thông tin đưa trên internet rất tràn lan, có thông tin đúng, có thông tin không đúng. Nhưng người bệnh không phải lúc nào cũng định hướng được đâu là thông tin chính xác để mà áp dụng.

Cẩn thận kẻo mang họa vì chữa bệnh qua mạng
Nghiên cứu 1.300 kết quả tìm kiếm Google liên quan đến an toàn giấc ngủ trẻ sơ sinh, chưa đầy 44% thông tin là chính xác. (Ảnh VNE)

Đặc biệt với trẻ em, khi sức đề kháng của trẻ còn kém, các biểu hiện bệnh lại không rõ ràng, dễ nhầm lẫn giữa các bệnh với nhau, nếu cha mẹ tự ý chữa bệnh cho con theo kiểu... lướt mạng thì sẽ không đảm bảo trẻ được điều trị đúng bệnh.
 
Khi đó, bệnh của trẻ để lâu sẽ càng nghiêm trọng, thậm chí nếu không đến bệnh viện kịp thời còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
 
Vì vậy, khi thấy có các triệu chứng bệnh đáng nghi ngờ, người bệnh nên đến khám bác sỹ để được tư vấn và có hướng điều trị tốt nhất.
 
Để có thể kết luận và kê đơn thuốc cho bệnh nhân, bao giờ các bác sỹ cũng phải hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng các bệnh có liên quan để cân nhắc sử dụng các loại thuốc thích hợp tránh các tai biến nghiêm trọng.
 
Bác sỹ còn hướng dẫn bệnh nhân cách dùng thuốc hợp lý, cách theo dõi, làm gì nếu có tai biến. Nếu có tìm hiểu thông tin y học và tìm hiểu về bệnh nên vào các trang web của các bệnh viện vì đa số bệnh viện đều có mục hỏi đáp.
 
Một trong những mạng tra cứu thông tin được người dân sử dụng nhiều nhất là Google, trong đó có cả mục đích tra cứu về sức khỏe. Nhưng cũng tương tự vậy, các kết quả thu được ở các trang website cũng khác nhau.
 
Ví dụ, mới đây, trong một khảo sát với 1.300 kết quả tìm kiếm trên trang Google liên quan đến sự an toàn của trẻ sơ sinh khi ngủ, các nhà nghiên cứu phát hiện chỉ 43,5% website cung cấp thông tin chính xác. Phần còn lại sai bét, hoặc không thỏa đáng.
 
Nghiên cứu này cho thấy bạn có thể phải nghĩ lại mỗi khi có ý định tra cứu để tìm kiếm các lời khuyên trên mạng về bệnh tật của mình. 
Chia sẻ