Căn phòng nhỏ của 22 người ở Thượng Hải vén màn cuộc sống của những số phận đang giằng co với đời
Thành phố nào cũng vậy, kể cả nơi hiện đại bậc nhất, đều tồn tại những con người đang nỗ lực mưu sinh.
Mới đây, tin tức “22 người sống trong căn hộ 2 phòng ngủ, 2 phòng khách ở Thượng Hải” khiến người ta phải suy ngẫm về sự thật bẽ bàng trong xã hội.
Căn phòng nhỏ của 22 người - nơi nương náu của những kiếp người nhỏ bé trong thành phố lớn
Trong tòa nhà Trường Thọ ở Thượng Hải (Trung Quốc), một căn hộ với diện tích không quá lớn nhưng lại là nơi nương náu của 22 người.
Phòng khách có 4 chiếc giường tầng được xếp thành 2 hàng, để lại khoảng trống ở giữa. Dưới sàn là vali hành lý, thùng nước, thau rửa mặt… nằm ngổn ngang. Trên tường, cửa sổ treo đầy quần áo. Tất cả khiến căn phòng vốn đã không quá rộng rãi càng trở nên bí bách đến ngạt thở.
Một chàng trai đang nằm ngủ, dường như không hề phát hiện có người bước vào phòng. Dưới gầm giường của anh còn đặt một chiếc thùng cỡ lớn của Meituan - nền tảng đặt đồ ăn online của Trung Quốc. Có thể đoán rằng chàng trai này làm nghề shipper.
Càng kinh ngạc hơn chính là trên sàn nhà có rất nhiều ổ cắm nối đầy dây điện, nào là dây sạc, quạt máy, bình nấu nước nóng… Chỉ cần một tia lửa điện nhỏ nhoi cũng đủ khiến nơi đây chìm trong biển lửa.
Phòng khách cũng xem như khá thoáng và sáng sủa. Bước vào phòng ngủ lại là một “thế giới” tối tăm, chật chội hơn.
Phòng khách, nhà bếp, lối hành lang thế mà lại biến thành 4 gian phòng được ngăn cách bởi tấm nhựa thô ráp. Không gian bên trong không cần nói cũng biết, chật chội đến mức trở mình cũng khó khăn.
Người quản lý tòa nhà biết chuyện liền gọi người đến kiểm tra và xử lý. Kết quả càng bất ngờ hơn, trong tòa nhà có đến mấy căn hộ tự ý ngăn phòng và chen chúc nhiều người như vậy. Đội thi công đã tháo dỡ 15 gian phòng phi pháp, 17 chiếc giường tầng và yêu cầu 66 khách thuê rời khỏi tòa nhà vì đã vi phạm hợp đồng, ở trái phép.
Sự việc được truyền thông đưa tin và lan truyền khắp mạng xã hội.
Có người bình luận: “Đuổi người đi cũng không giải quyết vấn đề. Chỉ là đổi sang một nơi khác để chen chúc mà thôi. Quan trọng nhất phải giải quyết vấn đề chỗ ở. Họ đều là những người lao động khổ cực”.
“Bạn cho rằng họ thích sống như vậy sao? Đuổi đi rồi thì sao? Họ sẽ ở đâu?”.
Thật vậy! Không chỉ ở Thượng Hải, Bắc Kinh hay các thành phố hiện đại khác cũng đều có tình trạng này.
Họ cố sống chen chúc chật chội như vậy để mưu sinh, tiết kiệm hết sức có thể. Từ thanh niên trẻ mới bước chân vào đời đến cụ ông đầu bạc, họ vẫn chưa tìm được nơi an cư đúng nghĩa.
Ai cũng đang sống cho cuộc đời của mình
Cuối tháng 4/2022, đoạn clip quay lại cảnh trong một tiệm thịt nướng ở thành phố Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc). Hai vợ chồng bận bịu vì khách đông nên không thể chăm sóc con nhỏ. Đứa bé buồn ngủ, chỉ có thể nằm trong chiếc thùng trống sạch sẽ.
Còn rất nhiều hoàn cảnh khác mà có lẽ bạn không hề hay biết:
Có người cảm thán: Ở cái đất Hàng Châu phồn hoa này, chẳng có người khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhiều nhất vẫn là những người bình thường đang miệt mài tranh đấu cho cuộc đời.
Thành phố nào cũng vậy, kể cả nơi hiện đại bậc nhất, đều tồn tại những con người đang nỗ lực mưu sinh.
"Vạn vật đều có vết nứt, đó là nơi để ánh sáng lọt qua"
Giáo sư ngành triết học chính trị - Michael J. Sandel, thể hiện quan điểm trong cuốn “The Tyranny of Merit” (tạm dịch: Tính chuyên chế của chế độ trọng dụng nhân tài):
“Ngày càng nhiều người tài giỏi nghĩ rằng thành công của bản thân đều do mình tự làm nên, là kết quả của quá trình nỗ lực và phấn đấu. Họ hoàn toàn không biết được, thành công đó còn có thêm yếu tố gia đình và may mắn trời ban”.
Tỷ phú người Hồng Kông - Điền Bắc Thần từng tham gia một chương trình thực tế “Đại chiến của người giàu”, trải nghiệm cuộc sống 2 ngày làm nhân viên vệ sinh.
Trước khi tham gia, ông đã nói: “Nếu có ý chí thì kẻ yếu cũng có thể trở thành kẻ mạnh”.
Thế nhưng sau khi chương trình bắt đầu, vị tỷ phú đã “lật mặt”.
Đầu tiên, ông được chương trình sắp xếp vào ở một gian phòng 3-4 mét vuông. Gian phòng nhỏ như vậy nhưng giá thuê đã 1.120 NDT (hơn 3,8 triệu đồng).
Làm nhân viên vệ sinh, mỗi ngày ông kiếm được 50 NDT (hơn 170 nghìn đồng), không hề đủ cho chi phí sinh hoạt.
Để tiết kiệm tiền xe 13 NDT (hơn 45 nghìn đồng), ông phải dậy lúc 6h sáng và chấp nhận đi bộ đến chỗ làm.
Buổi trưa, ông muốn mua cơm hộp, nhưng một phần có giá 25 NDT (hơn 86 nghìn đồng). Đương nhiên với tiền lương hiện tại, ông không thể ăn phần cơm đắt đỏ đó. Thế là chỉ đành tìm quán ăn bán suất mì rẻ hơn một chút, 20 NDT (gần 70 nghìn đồng).
Một ngày làm việc gần 17 tiếng, mỗi ngày chỉ ngủ 5-6 tiếng, hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi, chứ đừng nói học tập.
Sau 2 ngày trải nghiệm, Điền Bắc Thần cảm thán: “Người không có học lực và kỹ năng thì phải chấp nhận sống trong căn phòng chật hẹp và làm việc đến giữa đêm. Đối với họ, điều quan trọng nhất là bữa cơm nên ăn gì để tiết kiệm, chứ làm gì có thời gian và sức lực suy nghĩ đến phát triển tương lai”.
Xã hội này có người đứng ngoài sáng, có người đứng trong tối. Điểm chung duy nhất là ai cũng đang sống cho cuộc đời của mình.
(Nguồn: Zhihu)