Cân nhắc giảm tải đề thi vào lớp 10
Kỳ tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM sẽ thực hiện theo phương thức thi tuyển với 3 môn Toán, Văn và Ngoại ngữ.
UBND TP HCM vừa chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2022-2023. Theo đó, dự kiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trong 2 ngày 11 và 12-6. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, do thời gian học sinh (HS) phải học trực tuyến khá dài, đề thi năm nay sẽ cân nhắc mức độ vận dụng cao trong các câu hỏi.
Không có các nội dung giảm tải trong đề thi
Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, thông tin về cơ bản, cấu trúc đề thi cả 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ không thay đổi so với các năm trước. Đề thi bảo đảm các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Theo ông Quốc, các mức độ câu hỏi trong đề thi sẽ phù hợp và đáp ứng với từng yêu cầu phân hóa, đề thi sẽ không ra các nội dung đã được giảm tải.
Ở môn Ngữ văn, theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn của Sở GD-ĐT, năm nay cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT không thay đổi so với các năm học trước. Cụ thể, thời gian làm bài là 120 phút. Cấu trúc đề thi có phần đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm).
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại TP HCM năm 2020. (Ảnh: TẤN THẠNH)
Cũng theo ông Thành, ở phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản thông tin, văn bản nghị luận, văn bản khoa học... Các câu hỏi được tổ chức theo mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Có thể là các câu hỏi yêu cầu phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; nêu nội dung văn bản; yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới… Trong các câu hỏi đọc hiểu có 1 câu về Tiếng Việt. Khi làm các câu về đọc hiểu, HS cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Thí sinh cần trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề; tránh lan man, dài dòng không cần thiết.
Ở câu nghị luận xã hội sẽ là viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. HS cần bảo đảm cấu trúc bài nghị luận xã hội đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài; cần vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm; nhất là giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, HS cũng cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân.
Trong khi đó, ở phần nghị luận văn học, theo ông Thành, tinh thần của đề là "mở" để HS tự do trình bày cảm nhận về tác phẩm văn học. Các em có 2 lựa chọn: có thể là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình, từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng (liên hệ tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến…); hoặc chọn đề có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn.
Lưu ý vận dụng từ thực tế
Ông Dương Bửu Lộc, chuyên viên môn Toán của Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết đề thi môn Toán vẫn giữ nguyên cấu trúc, mức độ kiến thức với 70% nhận biết, thông hiểu; 30% vận dụng, vận dụng cao. Trong bối cảnh HS phải học trực tuyến thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Lộc cho rằng mức độ vận dụng cao trong đề thi sẽ được cân nhắc phù hợp với năng lực của HS.
Cụ thể, đề thi môn Toán gồm 8 câu, với 7 câu là kiến thức cơ bản và 1 câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1 và 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan thực tế, sẽ có 1 - 2 câu ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm 3 bài toán nhỏ. Trong đó, 2 bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.
Ông Lộc đánh giá HS thường gặp khó khăn với bài toán thực tế do khả năng thấu hiểu, khó hình dung các vấn đề thực tế cuộc sống như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi… Do vậy, trong quá trình học, ngoài nắm các kiến thức toán học, HS cần quan tâm, rèn luyện thêm để có hiểu biết về các kiến thức từ thực tế.
Ở môn Tiếng Anh, ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên phụ trách môn Tiếng Anh của Sở GD-ĐT, thông tin đề thi sẽ nhẹ nhàng, ổn định với các nội dung kiến thức, chủ đề, chủ điểm, từ vựng quen thuộc, nằm trong chương trình đã học và chủ yếu trong chương trình lớp 9.
Đề thi vẫn có tính phân hóa, song mức độ phân hóa sẽ được tính toán phù hợp với ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động lên quá trình học của HS. Các phần kiến thức đã giảm tải khi học trực tuyến sẽ không có trong đề thi.
Đề thi gồm 40 câu (0,25 điểm/câu) với thời gian làm bài 90 phút, chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, phần nâng cao chỉ chiếm 10% - 15%. "Đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, từ vựng. Khi học, HS không nên ôm đồm quá nhiều ngữ pháp mà nên rèn các dạng bài để hình thành kỹ năng, đọc nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng" - ông Lữ nói.
Học sinh được đăng ký 3 nguyện vọng
Theo quy định của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, điểm bài thi là tổng điểm thành phần của từng câu hỏi trong đề thi, điểm bài thi được cho theo thang điểm từ điểm 0 đến 10, điểm lẻ đến 0,25. Trong đó, cả 3 môn thi đều tính điểm hệ số 1. HS được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập; không được thay đổi nguyện vọng sau thời gian cho phép điều chỉnh nguyện vọng và sau khi có kết quả trúng tuyển. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi và điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên.