Càn Long - Hoắc Kiến Hoa của "Như Ý truyện": Trách hoàng đế vô tình nhưng có bao giờ Như Ý nhận ra mình sai?
Vợ chồng sống với nhau, chuyện trục trặc là điều xảy ra quá đỗi thường xuyên, chỉ là sau mỗi lần cãi vã, người ta có đủ khoan dung để cho nhau con đường trở lại hay không! Như Ý yêu theo cách của nàng, quyết liệt bảo vệ mảnh tình ngọt ngào, song nàng lại quên mất mình đang là Hoàng hậu.
Sống trong Tử Cấm Thành nanh nọc, quân vương chỉ có sủng chứ không thể yêu. Câu nói này, các phi tần của Hậu cung Như Ý truyện vẫn truyền tai nhau như một châm ngôn sống. Vì vinh hoa phú quý, vì quyền lợi gia tộc, những người đẹp cứ liên tục giẫm đạp lên nhau. Để rồi kẻ sống trong đau khổ, người ngậm ngùi xa lìa cõi đời mà lòng đau như cắt! Suy cho cùng, tranh giành đấu đá lẫn nhau cũng chẳng ích gì. Bởi cho đến khi tàn cuộc, quyết định của Càn Long (Hoắc Kiến Hoa) mới là giá trị nhất!
Người ta vẫn trách hoàng đế bạc bẽo, vô tình. Người ta mắng hoàng đế rằng vì sao chẳng trọn vẹn yêu thương Như Ý (Châu Tấn). Nhưng chẳng ai hiểu thấu, ngồi trên ngai vàng nắm quyền sinh sát cả thiên hạ, cái giá phải trả đắt đến thế nào.
Hoàng đế đã từng yêu vô cùng tận, đã từng một thời oanh liệt bất chấp tiền đồ để bảo vệ người con gái mình thương. Nhưng đến lúc quyền lực giăng mù khắp lối, hoàng đế vẫn đánh rơi hạnh phúc của chính mình. Để rồi lúc ăn năn hối tiếc, người quay đầu nhìn lại, bàn tay mềm mại để níu giữ đừng rời đi chẳng còn nữa!
Càn Long ở Như Ý truyện có lỗi song cứ mãi trách hoàng đế vô tình mà người ta quên mất, Như Ý cũng có phần sai rất nhiều!
Ta là hoàng đế, ta cần phút bình yên sau những ngày giông bão!
Ái Tân Giác La Hoằng Lịch - Càn Long là con trai thứ tư của tiên đế Ung Chính. Không giống như những hoàng tử có thân phận cao quý khác, Càn Long do cung nữ Lý Kim Quế sinh ra. Năm xưa, tiên đế qua đêm với cung nữ và khiến nàng mang thai. Đến lúc Càn Long ra đời, vị cung nữ đó cũng mất. Càn Long được giao cho Hi Quý Phi nuôi dưỡng. Có một quãng thời gian, Càn Long không được Ung Chính yêu thương. Cứ ngỡ như là ngai vàng sẽ chẳng bao giờ thuộc về Càn Long, nhưng nhờ sự thông minh, khéo léo, Càn Long cuối cùng cũng vượt qua hiểm trở, thuận lợi trở thành hoàng đế nước Đại Thanh. Vậy rồi Hi Quý Phi nhờ là dưỡng mẫu của Càn Long cũng được phong làm Hoàng Thái hậu.
Tuy chưa bao giờ nói ra song Càn Long luôn canh cánh trong lòng nỗi buồn tủi về mẹ đẻ của mình. Những ngày mới ngồi vào ghế rồng, Càn Long lo sợ Thái hậu sẽ hạn chế quyền lực. Sự e dè này gây ra nhiều hệ quả, khiến triều đình đôi phần chao đảo cũng bởi Thái hậu đứng sau thao túng các quan lại có gia thế lẫy lừng. Để vững vàng được trên hoàng vị, Càn Long không ít lần đưa ra quyết định cứng rắn, gián tiếp cắt đứt phe cánh của Thái hậu trong triều đình lẫn hậu cung!
Làm hoàng đế chưa bao giờ là điều dễ dàng. Mỗi ngày, Càn Long đối mặt với nhiều sấp tấu chương do các đại thần thi nhau dâng lên. Chẳng những thế, biên cương liên tục xảy ra nhiễu loạn, dân chúng lầm than, oán trách triều đình rằng vì sao cứ phải chịu cảnh thiên tai, hạn hán, bệnh dịch, mất mùa!
Để chiến đấu cùng vô số điều phiền toái, Càn Long buộc phải thành người độc đoán và gia trưởng. "Làm sao trẫm nhún nhường, để cho ai muốn nói gì cũng được? Há chẳng phải lúc ấy trẫm sẽ là ông vua vô tích sự, không có chủ kiến hay sao"! Mang theo tâm lý ấy, Càn Long cũng đối xử với các phi tần hậu cung như cách người điều khiển quần thần. Ở Tử Cấm Thành này, thiên tử là cao nhất, đạo quân - thần phải đặt trên nghĩa vợ - chồng!
Người ta cứ oán trách Càn Long rằng người vô tình, bạc bẽo quá. Nhưng sống giữa cả trăm người đẹp, chẳng lẽ lúc nào cũng hiền lành, ngọt ngào? Ở chiều ngược lại, có bao nhiêu phi tần dưới kia thật lòng đối tốt với hoàng đế? Hay chính các nàng ấy cũng lợi dụng, bày trò tính kế nhằm tranh đoạt quyền lợi từ hoàng đế! Nếu người không đa nghi, lạnh lùng thì sẽ có bao nhiêu lần bị dính bẫy do các phi tần tạo ra?
Tử Cấm Thành vốn không phải nơi dành cho tình yêu đích thực tồn tại! Muốn yêu, hãy yêu theo cách của Tử Cấm Thành. Để con tim lấn át lý trí quá nhiều, để cuộc sống tự do đạp lên trên những lễ nghi phép tắc, há chẳng phải là gây khó dễ cho bậc quân vương?
"Nàng Như Ý! Sống trong Tử Cấm Thành suốt 30 năm, nàng phải thấu hiểu điều này hơn ai hết chứ"!
Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu cảm giác không ai chịu được! Và cảm giác mà hoàng đế luôn có ấy là sự cô đơn! Người cô đơn trên chính ngai vàng mà triệu con dân mơ ước. Khi cãi nhau đến mức Như Ý phải cắt tóc đoạn tình, Càn Long đã từng nói: Trẫm hằng ngày đối mặt với quần thần, lại còn chịu sự kìm kẹp của Thái hậu ở hậu cung. Trẫm chỉ muốn tìm chút bình yên, làm những điều thoải mái nhất thôi, vì sao nàng không thành toàn cho trẫm!
Quá nhiều trách nhiệm gánh trên vai khiến Càn Long mệt mỏi. Nhưng Như Ý - người đàn bà luôn sống với trái tim nóng bỏng lại không chấp nhận nổi điều này. 15 năm trước, Như Ý có thể hiểu cho Càn Long, tuy nhiên 15 năm sau, khi vật đổi sao dời, thời gian chảy mòn từng cánh hoa mai, Như Ý không thể cảm thông với quy tắc sống của bậc đế vương được nữa!
Nỗi day dứt, đớn đau khi biết mình sai rất nhiều nhưng không thể chuộc lỗi!
Ở Hậu cung Như Ý truyện, sau mỗi lần gây gổ với Như Ý, Càn Long đều cố tình chừa cho Hoàng hậu của mình một con đường lui. Khi ghen tuông với Lăng Vân Triệt, Càn Long vẫn mong chờ Như Ý đưa ra một lời giải thích rõ ràng, chặt chẽ. Song vì sự tự tôn của chính mình, Như Ý quyết không bộc bạch hết tâm can.
Lúc Càn Long nổi nóng, đánh Như Ý vì hiểu nhầm nàng ép Hàm Hương uống thuốc triệt sản, hoàng đế vẫn chủ động làm hòa, chỉ chờ Như Ý nhún nhường thì mọi thứ cho qua. Song, cũng vì sự kiêu hãnh kia, Như Ý quyết không lùi bước.
Khi Như Ý cắt tóc đoạn tình, Càn Long giận đến mức nhốt nàng vào Dực Khôn cung. Nhưng vì muốn Như Ý chịu hạ mình xin lỗi, Càn Long cứ để hờ, chẳng cho phép ai làm hại nàng. Lúc quần thần trong triều xin phế Hậu, Càn Long lập tức cắt chức những người này. Trong cơn bực tức, Càn Long cũng trừng phạt những ai đứng ra xin tội cho nàng. Không có định đoạt, không có phán quyết, Càn Long chỉ đợi chờ Như Ý suy nghĩ thông suốt rồi làm hòa lại với nhau. Dẫu vậy, giống như 2 lần trước đó, Như Ý quyết liệt lặng im, mặc cho con tạo xoay vần!
Đớn đau nhất là lần sau cuối, lúc mọi tội lỗi của Lệnh Phi - Vệ Yến Uyển đã bị vạch trần, Càn Long cho Lý Ngọc mang kim sách - kim bài Kế Hoàng hậu đến Dực Khôn cung trả cho Như Ý, nàng cũng không màng tới. Biết Như Ý vẫn còn oán trách mình, Càn Long đích thân đến gặp nàng, vậy mà Như Ý vẫn lạnh như băng. Thời điểm này, nàng đã biết mình mắc bệnh lao sắp chết, không muốn Càn Long phải đau thương, lo lắng, lại càng không muốn bất cứ ai cảm thấy vướng bận về mình!
Cách hành xử của Như Ý, với nhiều người sẽ là hợp lý. Song nên nhớ rằng, Như Ý đang sống trong thời phong kiến, khi mà lời thiên tử nói ra là chân lý, chỉ một câu không hài lòng của bậc đế vương cũng khiến bất cứ ai chống đối phải mất mạng. Thế thì, Như Ý phản ứng như vậy, đã hoàn toàn hợp lẽ chưa?
Như Ý yêu Hoằng Lịch - Càn Long, vì bị phụ bạc, bị nghi ngờ, bị ruồng rẫy nên nàng sinh lòng chán ghét. Điều này không sai, nhưng vì sao nàng không hiểu cho Càn Long? Vì sao nàng không nhìn đến nỗi vất vả gánh vác giang sơn mà Càn Long đang chịu!
Hậu cung Như Ý truyện là bộ phim dành cho hôn nhân, không phải ca ngợi tình yêu đôi lứa đơn thuần. Vợ chồng sống với nhau, chuyện trục trặc, xô xát là điều xảy ra quá đỗi thường xuyên, chỉ là sau mỗi lần cãi vã, người ta có đủ khoan dung để cho nhau con đường trở lại hay không! Như Ý yêu theo cách của nàng, nàng quyết liệt bảo vệ mảnh tình ngọt ngào, trong sáng, song nàng lại quên mất mình đang là Hoàng hậu.
Hoàng hậu sống nơi Tử Cấm Thành chưa bao giờ giống những phụ nữ bình thường trong thiên hạ! Càn Long của nàng cũng chưa bao giờ giống những người đàn ông bình thường như Lăng Vân Triệt. Càn Long là hoàng đế, và hoàng đế có tự tôn của hoàng đế!
Nếu nàng yêu Càn Long ít hơn 1 chút, nếu nàng chịu nhường nhịn để cho chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không thì há chẳng phải đã không có bi kịch này? Trách Càn Long 10 phần thì Như Ý cũng có 5 phần lỗi! Nàng bắt Càn Long phải tin tưởng, chiều chuộng, yêu thương mình nhưng nàng lại chẳng chịu mở lòng, để Càn Long về gần bên khi người có ý làm lành, xoa dịu vết thương?
Nàng lạnh lùng bỏ đi, quay lưng không lùi bước dù biết rõ Càn Long đang đứng phía sau dõi mắt nhìn theo? Nàng thậm chí còn đốt tranh, xóa ký ức, để Càn Long tìm kiếm cả cuộc đời cũng chẳng thể nào thấy được bóng hình nàng? Nàng làm như thế, khiến Càn Long day dứt, ân hận nhưng bản thân mình cũng chịu thiệt, nàng có thấu hay chăng?
Yêu như Như Ý và Càn Long, chẳng ai đúng hoàn toàn! Hôn nhân là vậy, phải thấu hiểu và bao dung cho nhau mới có thể đi đến cuối cuộc đời. Càn Long sai lầm, bạc bẽo, làm Như Ý tổn thương, song nước mắt sẽ không chảy nhiều đến vậy nếu như Như Ý lùi lại một bước rồi quay đầu, ôm chặt lấy Càn Long.
Đàn ông, có những lúc như đứa trẻ. Họ cần người phụ nữ ở bên chăm sóc, vỗ về. Muốn giữ họ mãi bên mình, đừng cố gắng xù lông như con nhím. Mềm nắm rắn buông, tiến lùi hợp và dùng lý trí để cân bằng cảm xúc nơi con tim, thế mới có thể sống trọn đời nơi Tử Cấm Thành hoa lệ!